Múa rối Lý Công Uẩn mừng Đại lễ Thăng Long

Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa VN đang triển khai xây dựng vở rối Thái tổ Lý Công Uẩn nhằm chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long tới đây.

Việc xây dựng vở diễn này được nhà biên kịch Văn Sử, họa sĩ tạo hình Phạm Thị Tình và nghệ sĩ múa rối Phan Thanh Liêm thực hiện. Theo đó, tác giả Văn Sử viết kịch bản văn học, họa sĩ Phạm Thị Tình lo về trang phục và tạo hình cho rối, còn Phan Thanh Liêm vừa nghiên cứu về kỹ thuật thể hiện, vừa phụ trách phần biểu diễn.

Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm sẽ tham gia dàn dựng và điều khiển quân rối trong Thái tổ Lý Công Uẩn
Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm sẽ tham gia dàn dựng và điều khiển quân rối trong Thái tổ Lý Công Uẩn

“Không như sân khấu kịch, múa rối phụ thuộc rất nhiều vào khả năng điều khiển các quân rối, kèm theo đó là hàng loạt vấn đề khác về cơ học và thiết bị kỹ thuật. Bởi vậy, tôi và anh Liêm cần trao đổi thật kỹ để có thể xây dựng kịch bản sao cho có tính khả thi trong biểu diễn” - tác giả Văn Sử cho biết.

Theo dự kiến, kịch bản Thái tổ Lý Công Uẩn sẽ có độ dài chừng 30 phút. Tất nhiên, những lớp diễn về sự ra đời của Chiếu dời đô và cảnh nhà Lý thiên đô về Thăng Long sẽ là “cái đinh” của vở diễn này. Bên cạnh đó, một thông tin khác cũng được nhóm tác giả này đặc biệt chú trọng: Theo một số sử liệu và truyền thuyết dân gian, Lý Công Uẩn chính là người quyết định “nhân rộng” trò múa rối nước ra khắp cả nước trong thế kỷ XI.

“Có thể, vở diễn sẽ xuất hiện chi tiết Lý Công Uẩn về quê chơi hội và lần đầu được xem trò múa rối nước. Những câu chuyện khác về việc nhà vua đi cày trong hội Tịch Điền, trò đánh vật phổ biến với chính sách “ngụ binh ư nông”... cũng sẽ được nghiên cứu để đưa vào vở diễn sao cho phù hợp. Vở diễn này cần khoảng 5, 6 người phụ trách việc điều khiển quân rối, ngoài ra chúng tôi cũng muốn sử dụng một dàn đế là các diễn viên của Nhà hát Chèo để “lồng tiếng” cho vở diễn”, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm kể.

Theo lời những người trong cuộc, Thái tổ Lý Công Uẩn đang được Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa VN làm đề án đệ trình lên BTC Đại lễ Thăng Long. Trong trường hợp được đầu tư kinh phí, vở diễn sẽ được chăm chút về chất lượng nghệ thuật, có sân khấu, trang phục bài bản và tham gia biểu diễn phục vụ Đại lễ.

Điều đáng nói, bên cạnh lớp diễn về tích Lê Lợi trả gươm, trong những năm qua, nghệ thuật múa rối nước Việt Nam hiện vẫn có rất ít những trò diễn sáng tạo mang màu sắc lịch sử. Bởi vậy, dù ít dù nhiều, vở rối Thái tổ Lý Công Uẩn cũng xứng đáng để trông chờ.

Theo Minh Châu (TT&VH)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm