Mỏ neo thuộc thời Minh

Randall Sasaki: “Cần phía Việt Nam cho phép…”

Tôi đã nghiên cứu rất kỹ về triều đại Nguyên Mông, và trận Bạch Đằng thực sự là một trận đánh lịch sử. Chính vì vậy, ngoài việc quan tâm đến hai chiếc mỏ neo, tôi cho rằng đây là cơ hội tốt để đến Việt Nam tìm hiểu kỹ hơn về trận Bạch Đằng.

Việc xác định niên đại của mỏ neo cần sự hợp tác của nhiều chuyên gia. Ảnh: Trần Việt Đức
Việc xác định niên đại của mỏ neo cần sự hợp tác của nhiều chuyên gia. Ảnh: Trần Việt Đức

Chúng tôi phải mang những dăm gỗ cạy ra từ hai chiếc mỏ neo này để về nghiên cứu niên đại xem có trùng với niên đại của chiếc mỏ neo phát hiện ở Nhật không. Nhưng khác biệt lớn nhất về nguyên liệu là đầu chiếc mỏ neo phát hiện ở Takashima được bao bằng đá buộc vào, còn đầu hai chiếc mỏ neo ở đây được bọc sắt.

Ở Việt Nam cũng như vùng Đông Nam Á này, công việc trục vớt, khai quật xác tàu không được tiến hành nhiều, nên không có mấy hiện vật để so sánh xác định chính xác chúng thuộc thế kỷ nào. Nhóm chúng tôi đã đến thăm bảo tàng Bạch Đằng ở Quảng Ninh. Ở đó, chỉ có mỗi một mẩu gỗ dài chưa đến gang tay mà người ta bảo đó là mảnh xác thuyền chiến đắm trong trận Bạch Đằng. Chúng tôi cũng chưa chắc đó là mảnh xác thuyền chiến, bởi không hiểu mảnh đấy thuộc phần nào trong chiếc thuyền chiến.

Chính vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng việc khai quật để tìm những mảnh vỡ còn lại của chiến thuyền bị đắm ở khu vực diễn ra trận Bạch Đằng là rất quan trọng. Từ đó, chúng ta mới có thể so sánh với những mảnh xác chiến thuyền tìm thấy ở Takashima. Nơi xảy ra trận Bạch Đằng là một vùng rất rộng, nên chúng tôi phải xác định nơi nào tiềm năng nhất để tiến hành khai quật. Việc này rất cần có sự hỗ trợ của giới khảo cổ và sử học Việt Nam.

Có lẽ sang năm chúng tôi sẽ trở lại. Mỏ neo chỉ là một phần của dự án nghiên cứu này, hay là cái cầu nối cho một nghiên cứu rộng hơn về trận Bạch Đằng, cũng như cuộc chiến chống Nguyên Mông của Việt Nam.

Nhưng, việc đầu tiên là phải tìm nguồn tài trợ cho dự án nghiên cứu này. Tôi nghĩ điều này không khó, bởi không hiểu sao ở phương Tây người ta rất thích thú với những gì liên quan tới triều đại Nguyên Mông. Hơn nữa, chúng tôi mới chỉ coi đây là một chuyến du lịch, hay “ngắm phong cảnh qua ô kính xe buýt”. Để có thể tiến hành dự án nghiên cứu, rất cần tiến hành những thủ tục cho phép từ phía Việt Nam.

Jun Kimura: “Đây là việc của giới khảo cổ, sử học Việt Nam”

Rất khó có thể xác định đây là những chiếc mỏ neo có liên quan tới thời Nguyên Mông xâm lược Việt Nam. Tôi nghĩ rằng có thể những chiếc mỏ neo này liên quan tới thời kỳ muộn hơn, chẳng hạn thời Minh.

Có rất nhiều điểm giống nhau, nhưng cũng có những khác biệt. So sánh với chiếc mỏ neo người Nhật trục vớt lên được ở khu vực đảo Takashima năm 1994, hai chiếc mỏ neo này thân mỏng hơn, và cũng được đẽo gọt tinh tế hơn. Chúng tôi cho rằng kỹ thuật chế tạo những chiếc mỏ neo này đã có bước tiến bộ hơn so với thời Nguyên Mông vượt biển sang Nhật.

Tôi đã tới bảo tàng Hàng hải Thái Lan, nơi người ta đã nghiên cứu nhiều về những chiến thuyền cổ. Chúng tôi thấy mỏ neo ở đó được xác định là chế tạo vào thế kỷ 17, khá giống với hai chiếc mỏ neo ở đây. Chính vì vậy, chúng tôi tạm giả thiết rằng nó được chế tạo vào thời Minh, khoảng từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 17.

Tôi thấy có thể hy vọng mọi chuyện có thể suôn sẻ, bởi thái độ hiếu khách của các vị chủ nhà. Chúng tôi không muốn việc khai quật, trục vớt, và nghiên cứu này do chúng tôi tự tiến hành. Đây là việc của giới khảo cổ, sử học Việt Nam. Chúng ta nên cùng phối hợp làm, chúng tôi có kinh nghiệm hơn về khảo cổ hàng hải, chúng tôi sẽ hướng dẫn cho các đồng nghiệp Việt Nam về phương pháp tiến hành. Và chúng tôi cũng hy vọng được học hỏi từ họ những hiểu biết về lịch sử chống Nguyên Mông của Việt Nam.

HUỲNH PHAN - (Theo SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm