Lồng đèn phim – Kỉ vật một thời mùa Trung thu

Lồng đèn phim – Kỉ vật một thời mùa Trung thu ảnh 1 

Một bạn nhỏ đang chăm chú nhìn chiếc lồng đèn giấy với đôi mắt lạ lẫm.

Còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Trung Thu, nhiều con phố người Hoa trên các tuyến đường như Lương Nhữ Học, Nguyễn Thị Nhỏ, Hải Thượng Lãn Ông… xuất hiện rất nhiều những chùm lồng đèn trước cửa tiệm. Lồng đèn được bày bán với đủ kiểu dáng, kích thước và màu sắc.

Theo chân một cao niên đến ngã tư Ngô Nhân Tịnh giao với đường Tháp Mười (Q.5, TP.HCM), chúng tôi tìm đến cửa hàng của chị Nguyễn Thị Ly – người có thâm niên hơn 30 năm với nghề làm lồng đèn giấy. Dáng người nhỏ nhắn, người đàn bà trạc ngoài ngũ tuần này đã gắn bó hơn nửa đời mình với cái nghề làm lồng đèn gia truyền.

Bước vào gian hàng chật chội, cũ kĩ bằng gỗ chưa đầy 10 mét vuông, chúng tôi nhìn thấy những chùm lồng đèn được treo lủng lẳng. Chị Ly cho biết, đây chỉ là nơi bày bán lồng đèn còn cơ sở sản xuất của gia đình chị thì nằm ở huyện Củ Chi (TP.HCM).

Theo lời chị, lồng đèn giấy film xuất hiện từ những năm 1980 ở Sài Gòn sau đó lan rộng ra các tỉnh lân cận. Thuở ấy, người ta sử dụng những cuộn film 35mm của máy ảnh cơ để làm lồng đèn. Sau này công nghệ phát triển, những chiếc máy kĩ thuật số sử dụng thẻ nhớ ra đời nên nguyên liệu làm lồng đèn trở nên khan hiếm. Hiện tại, nguồn duy nhất cung cấp nguyên liệu cho cửa tiệm chị Ly là những cuộn film hỏng từ nơi sản xuất film nhựa (film điện ảnh).

Một chiếc lồng đèn film thành phẩm có giá từ 15 đến 20 ngàn đồng. Tuy nhiên, qua mỗi năm, số lượng đồng đèn được đặt hàng càng ít dần đi. Chị Ly thở dài: “Khoản tiền bỏ ra để mua một chiếc lồng đèn film không quá lớn, tuy nhiên trẻ con bây giờ không còn mặn nồng với loại đồ chơi này nữa rồi. Đa số, chúng thích loại lồng đèn điện tử phát ra tiếng nhạc vui tai của Trung Quốc..”.

Chị Ly cho biết film mua về sẽ được các thành viên trong gia đình chị tẩy trắng hoàn toàn. Sau đó, film được nhuộm các màu xanh, đỏ, vàng để chiếc lồng đèn thành phẩm trở nên bắt mắt. Tiếp đến, các công đoạn đo khuôn, cắt khúc, đo mái và bó thân đèn.. sẽ được thực hiện. Tùy vào sở yêu cầu của người đặt hàng mà chiếc lồng đèn sẽ được chế tạo các hình dáng như mái chùa, hình hộp, tráp quả,vv… 

Công đoạn cuối cùng là gắn đuôi đèn. Một mảnh bìa cứng có gắn chiếc lò xo nhỏ để đặt nến được bấm cẩn thận bằng ghim vào đế đèn tạo thành đuôi. Sở dĩ, người ta phải sử dụng giấy cứng là nhằm tránh trường hợp nến khi cháy sẽ rơi xuống làm hỏng đèn.

Khi được hỏi, nguyên cớ gắn bó với loại đồ chơi này, chị Ly cho hay: “Thuở nhỏ, nhà tôi rất nghèo. Trên dưới mười miệng ăn của gia đình tôi đều nhờ vào những chiếc lồng đèn nên nó đi sâu vào giấc mơ của đứa trẻ nhà buôn nghèo như tôi. Bởi vậy, tôi quyết tâm gìn giữ thứ đồ chơi truyền thống này đến già”.

Cũng giống như các nghệ nhân làm tò he, những người thợ làm lồng đèn film vẫn ngày đêm miệt mài chế tạo ra thứ đồ chơi mang đậm nét truyền thống. Dẫu, họ hiểu rất rõ trẻ con đã gần như quay lưng lại với thứ hàng mình làm ra.

Hình ảnh những chiếc lồng đèn film giản dị, đủ màu xanh đỏ gắn liền với tuổi thơ.

Chị Ly đang hoàn thiện công đoạn cuối cùng là gắn đuôi bằng giấy vào chiếc lồng đèn film.

Chị Ly đang cho người giao hàng đến các cửa tiệm bán lẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm