LHP Venice: dung mạo của khủng hoảng

LHP Venice: dung mạo của khủng hoảng ảnh 1
To the Wonder của đạo diễn ẩn dật Terrence Malick.
Venice năm nay đã bớt phần ồn ào bề nổi do sự vắng mặt của các ngôi sao hạng A cỡ như Johnny Depp, Angelina Jolie hay Tom Cruise. Nhưng cũng nhờ vậy mà không gian dành cho điện ảnh trở nên thuần khiết và sâu lắng hơn, phù hợp với chủ đề về những cơn khủng hoảng bao trùm trong những bộ phim nổi bật nhất liên hoan. Người ta có thể nhìn thấy chủ đề khủng hoảng niềm tin, tình yêu và lòng chung thuỷ ở hai ứng viên sáng giá nhất cho giải Sư tử vàng và các giải diễn xuất là The Master (Giáo chủ) và To the Wonder (Tới điều kỳ diệu). The Master của đạo diễn Paul Thomas Anderson phần nào cho thấy quyền năng của một đức tin, cũng như cách mà nó thiết lập được quyền lực và thu hút quần chúng thông qua cái nhìn về thuở ban đầu của khoa luận giáo. Trong khi đó, To the Wonder của đạo diễn ẩn dật Terrence Malick là cuộc khảo sát tinh tế về những thôi thúc nhục cảm vượt ngoài ranh giới cho phép của lý trí, đẩy con người chênh vênh giữa tình yêu và lòng chung thuỷ, đức hạnh và suy đồi. Những biến động khủng hoảng kinh tế, chính trị toàn cầu trong thời gian qua cũng là bối cảnh chính để các bộ phim tại LHP Venice chuyển tải những câu chuyện mang chiều sâu nhân văn. At Any Price (Bất cứ giá nào) của đạo diễn Ramin Bahrani là bi kịch của một gia đình đối diện với nguy cơ đổ bể của một thương vụ lớn, phải tìm cách đạt được lợi nhuận bằng mọi giá. Hay Pieta, bộ phim thứ 18 rất khác biệt của đạo diễn người Hàn Quốc Kim Ki-duk, là cận cảnh những phận người khốn khó trong những khu phố tồi tàn có hậu cảnh là một Seoul lộng lẫy. Họ quẫy đạp bằng nhiều cách, kể cả thế nợ bằng đứa con chưa ra đời, để có thể sống sót. Hương hoa nhài của “Mùa xuân Ảrập” cũng thổi tới Venice năm nay qua các bộ phim Witness: Libya (Nhân chứng: Libya) và Winter of Discontent (Mùa đông bất mãn) của điện ảnh Ai Cập.
Theo Kiến Minh (SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm