Lễ hội Đền Trần: Kịch bản mới, nỗi lo cũ

Ngày 14 tháng Giêng âm lịch tới, Lễ hội Đền Trần sẽ chính thức khai hội. Đây cũng là năm đầu tiên lễ hội này được thực hiện theo kịch bản mới. Lãnh đạo thành phố Nam Định, đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức lễ hội, đã đưa ra nhiều giải pháp cho mùa lễ năm nay.

Giá trị ấn bị khuếch trương

Trước thời điểm “chốt” phương án tổ chức Lễ hội Đền Trần năm 2012, Viện Văn hóa Nghệ thuật VN - đơn vị được giao nhiệm vụ tìm phương án chuẩn để tổ chức lễ hội này - đã phải tổ chức một cuộc hội thảo quy mô lớn tại TP Nam Định vào tháng 7-2011 với sự tham gia của các chuyên gia, người dân, cán bộ địa phương và đại diện dòng họ Trần.

Tuy nhiên, tại cuộc hội thảo đó, những câu hỏi về nguồn gốc cũng như những bất cập của lễ hội vẫn khiến cho hội thảo không tìm được tiếng nói chung. Những người đại diện dòng họ Trần và người dân địa phương nơi đền tọa lạc vẫn bảo vệ luận điểm về tính thiêng liêng cũng như nguồn gốc của lễ hội. Trong khi đó, hai nhà nghiên cứu về khảo cổ học và Hán Nôm là TS Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ học) và ông Nguyễn Xuân Diện (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) cho rằng việc khai ấn xưa nay chưa có nguồn gốc cụ thể, hiện chưa có sử sách nào ghi lại. Đến nay, tính linh thiêng của chiếc ấn trên vẫn chưa được chứng minh rõ ràng.

Hội thảo trên cũng như những hành động liên tiếp của các cơ quan quản lý trong năm 2011 nhằm tìm giải pháp cho Lễ hội Đền Trần xuất phát từ thực tế bát nháo tại khu vực đền Trần lúc khai ấn năm qua. Khi đó, khoảng 100.000 người tham dự cố gắng chen lấn, vượt qua hàng rào ngăn cách, thậm chí dỡ cả mái nhà và xô đẩy lực lượng bảo vệ trên 2.000 người được bố trí thành năm vòng kiểm soát, tìm mọi cách để có trên tay một chiếc ấn để cầu may với hy vọng được thăng quan tiến chức.

Lễ hội Đền Trần: Kịch bản mới, nỗi lo cũ ảnh 1

Chen lấn giành giật lá ấn. Ảnh: V.THỊNH

Trước tình trạng hỗn loạn kể trên, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về một trào lưu tâm linh sai lầm của người dân. Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Tôn giáo khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM còn cho rằng đó là một sự hỗn loạn tâm linh.

Ông Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật VN, lại cho rằng sự “phình to” của Lễ hội Đền Trần bắt nguồn từ những cách hiểu sai lệch về chiếc ấn. Trên cơ sở tham vấn các chuyên gia về ấn chương, ông Quang cho biết: “Chiếc ấn đền Trần hoàn toàn là chiếc ấn dân gian, ban đầu chỉ có ý nghĩa cầu an, cầu lộc nhưng không hiểu vì lý do nào lại được khuếch trương lên với một giá trị ảo mới”. Cũng theo ông Quang, trong số những nguyên nhân dẫn đến cách hiểu sai này, bên cạnh nhận định chưa đúng của một số nhà khoa học còn có một phần lỗi của truyền thông.

Kịch bản mới

Liên quan đến Lễ hội Đền Trần, ngày 17-1-2012, UBND TP Nam Định đã tổ chức họp báo công bố về việc tổ chức lễ hội trong năm nay. Bà Cao Thị Tính - Phó Chủ tịch UBND TP Nam Định cho biết: “Số lượng lá ấn phát ra tại Lễ khai ấn Đền Trần 2012 sẽ không hạn chế và phục vụ tối đa nhu cầu của người dân cho tới hết tháng Giêng”. Khác với mọi năm, Lễ hội Đền Trần 2012 sẽ không phát ấn cho người dân vào đêm 14 tháng Giêng mà chỉ tổ chức các nghi lễ rước kiệu ấn, khai ấn nghi thức trong đền. Việc phát ấn sẽ được tổ chức từ 7 giờ sáng hôm sau cho đến hết tháng Giêng và người nhận ấn không phải trả tiền.

Chất liệu ấn thay vì bằng lụa như các năm trước sẽ thống nhất một loại bằng giấy để đảm bảo tiết kiệm và không gây ô nhiễm môi trường. Để tránh tình trạng người dân phải chen nhau xin ấn, trong khu vực đền, ban tổ chức sẽ chia thành năm điểm phát ấn. Năm nay, ban tổ chức sẽ không làm lồng sắt như năm 2011 để tránh gây phản cảm.

Trước đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo địa phương vào ngày 15-1, ông Huỳnh Vĩnh Ái - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL đã yêu cầu địa phương kiên quyết tổ chức Lễ khai ấn Đền Trần theo đúng phong tục tập quán xưa. Đồng thời, ban tổ chức lễ hội phải bố trí hòm công đức ở các vị trí để người dân tùy tâm đóng góp chứ không được thu tiền khi phát ấn. Ban tổ chức sẽ công bố công khai số tiền thu được từ lễ hội năm nay với sự tham gia kiểm tra của Phòng Tài chính TP...

Mô hình mới được kỳ vọng như một giải pháp hữu hiệu để Lễ hội Đền Trần năm nay tránh được cảnh hỗn loạn. Dù vậy, nhiều câu hỏi vẫn được đặt ra trước ngày khai hội như liệu tâm lý có được ấn vào ngày thiêng, giờ thiêng có khiến cho lượng người vẫn dồn ứ vào một thời điểm nhất định hay sự tràn lan của ấn giả khi ấn năm nay chỉ được làm trên giấy, thay vì vải lụa như trước…

Vào đêm 14 tháng Giêng, từ 20 giờ 30, ban tổ chức sẽ làm công tác chuẩn bị lễ. Từ 21 giờ 40 đến 22 giờ 10 sẽ diễn ra lễ dâng hương do UBND TP Nam Định chủ trì. Từ 22 giờ 10 đến 23 giờ là nghi lễ rước kiệu ấn từ đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường. Từ 23 giờ đến 23 giờ 30, ban tổ chức sẽ làm lễ khai ấn theo nghi thức cổ truyền; theo đó, chỉ có 11 lá ấn được đóng.

3 giờ sáng 15 tháng Giêng: hồi kiệu ấn về đền Cố Trạch, từ 7 giờ sẽ phát lộc ấn cho khách thập phương cho đến hết tháng Giêng.

Theo thông tin từ ban tổ chức, hiện hai bãi đỗ xe với sức chứa 2.000 ô tô đã được nâng cấp hoàn chỉnh; các bãi đỗ xe máy, xe đạp cũng đã hoàn tất về cơ sở vật chất và phương án tổ chức trông giữ, giá vé… Công an TP Nam Định sẽ thực hiện chỉ đạo phân luồng giao thông. Từ các hướng cách khu vực diễn ra lễ hội 2 km vào những ngày trọng điểm, ban tổ chức đã có phương án phối hợp với lực lượng chức năng triệt phá các hoạt động cờ bạc trá hình, hành khất…

Các lễ hội tháng Giêng đáng chú ý ở miền Bắc

1. Lễ hội chùa Hương

Ngày khai hội là mùng sáu tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3.

2. Lễ hội Yên Tử

Lễ hội Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh) chính thức khai mạc vào ngày 10 tháng Giêng.

3. Lễ hội Đền Gióng

Khai hội vào mùng 6 tháng Giêng hằng năm. Lễ hội Đền Gióng được tổ chức tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội).

4. Hội Mở mặt tại Hải Phòng

Hội Mở mặt (xã Phục Lễ, Thủy Nguyên, Hải Phòng) diễn ra từ mùng sáu đến mùng 10 tháng Giêng.

5. Hội chùa Keo

Hội chùa Keo (xã Duy Nhất, Vũ Thư, Thái Bình) khai hội vào ngày 14 tháng Giêng.

6. Lễ hội chọi trâu Hải Lựu

Diễn ra tại Lập Thạch, Vĩnh Phúc từ ngày 16 đến 17 tháng Giêng.

7. Hội hoa Vị Khê

Lễ hội diễn ra từ ngày 20 đến 30 tháng Giêng tại thôn Vị Khê, xã Nam Điền, Nam Trực, Nam Định.

8. Hội Xoan

Hội Xoan diễn ratừ mùng bảy đến mùng 10 tháng Giêng tại làng Hương Nha, huyện Tam Thanh, Phú Thọ.

9. Lễ hội Bà chúa kho

Đền Bà chúa kho nằm tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ngày khai hội vào 14 tháng Giêng.

10. Lễ hội Lim

Hội Lim được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng hằng năm trên địa bàn huyện Tiên Du (Bắc Ninh).

11. Lễ hội Đền Trần

Lễ hội Đền Trần được tổ chức trong các ngày từ 15 đến 20 tháng Giêng hằng năm tại phường Lộc Vượng, TP Nam Định, tỉnh Nam Định.

Lễ hội chùa Hương: Chèo kéo, chặt chém...

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 30-1, ông Nguyễn Chí Thanh - Trưởng ban Quản lý Khu di tích Hương Sơn cho biết. Tính từ mùng hai tết đến nay, chùa Hương đã đón khoảng 21.000 lượt khách (tăng hơn 5.000 lượt so với cùng kỳ năm ngoái).

Cũng theo ông Thanh, để đảm bảo an ninh trật tự mùa lễ hội, các hiện tượng chèo kéo du khách sẽ được lực lượng công an phối hợp với các ban quản lý di tích danh thắng Hương Sơn ngăn chặn triệt để.

Tuy nhiên, theo ghi nhận trong ngày khai hội, đội quân “cò mồi” đã bắt đầu ra quân đeo bám khách du lịch rải rác từ ngã tư Ba La đến thị trấn Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội. Tình trạng đội giá các dịch vụ vẫn diễn ra. Theo đó, để thuê được một chiếc chiếu cói ngả lưng, khách phải bỏ ra 100.000 đồng. Vé tham quan được bán với mức giá 50.000 đồng, tăng hơn 25% so với năm 2011. Cả tuyến đường bộ và tuyến cáp treo đều trong tình trạng quá tải. Bên cạnh đó, các hàng quán vẫn được lập ra tràn lan với nhiều mặt hàng chữa bệnh không rõ nguồn gốc, các địa điểm hoạt động đỏ đen với nhiều hình thức vẫn diễn ra.

VIẾT THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm