Lễ giỗ cố nghệ sĩ Thanh Nga: Dấu ấn từ đời sống và cái chết

Như Pháp Luật TP.HCM đưa tin, sáng qua (23-11), tại rạp Đại Đồng (TP.HCM) đã diễn ra một lễ giỗ đặc biệt tưởng nhớ 30 năm ngày mất cố nghệ sĩ Thanh Nga.

Sảnh ngoài rạp Đại Đồng, ngay sát lề đường nổi bật một pano thật lớn in hình nghệ sĩ Thanh Nga được dựng như một bia tưởng niệm với nhiều hoa hồng màu hồng phấn trang trí xung quanh. Những diễn viên trẻ của sân khấu IDECAF và Nụ Cười Mới trang trọng xếp thành hai hàng đón khách.

Trang trọng và xúc động

Lễ giỗ bắt đầu, đèn khán phòng tắt, hai cánh màn nhung được kéo ra để lộ bàn tưởng niệm nghệ sĩ Thanh Nga với một bức ảnh lớn thật lộng lẫy cùng hai di ảnh nghệ sĩ chụp cùng mẹ và chồng. Trước bàn thờ, một chiếc xa quay tơ tự động quay đều gợi nhớ hình ảnh vở diễn Bên cầu dệt lụa. Không gian im phăng phắc, tiếng khúc ca quen thuộc trong vở của cố nghệ sĩ trầm buồn, tha thiết vang lên khiến nhiều người rơi nước mắt. Đạo diễn Hồng Nhung - con gái cố NSND Năm Châu (người có công dìu dắt Thanh Nga trên bước đường nghệ thuật) đọc những lời tưởng nhớ cố nghệ sĩ Thanh Nga đầy xúc động. Cảm xúc càng lúc càng dâng cao với những lời ca khi day dứt nhớ nhung, khi bừng bừng khí thế, lúc lại êm ả ngọt ngào trong các vở tuồng Mưa rừng, Nửa đời hương phấn, Tiếng trống Mê Linh... cứ lần lượt vang lên trong thinh lặng như cố nghệ sĩ đang hiện diện đâu đó giữa mỗi người.

Trên sân khấu, phía sau nụ cười, khuôn mặt rạng ngời và đôi mắt thoáng buồn của cố nghệ sĩ, mây trắng trôi bềnh bồng trên nền trời xanh ngắt bằng kỹ thuật chiếu hình khiến cái thần, anh linh của người đã mất càng sống động hơn. Phút chốc, tất cả nghệ sĩ tham dự buổi lễ và khán giả như được sống lại không khí cải lương thời hoàng kim khi sân khấu mang vẻ thiêng liêng của thánh đường nghệ thuật.

Không có khói nhang nghi ngút lễ giỗ vẫn tràn ngập tâm cảm thành kính, thương yêu với người đã khuất. Mỗi người tham dự mang một bông hồng đến khấn vái trước bàn thờ nghệ sĩ Thanh Nga, tạo thành chữ Thanh Nga kết bằng hoa thật lớn. Nghệ sĩ Thanh Nga đã được cháu, con, đồng nghiệp, khán giả vinh danh thiêng liêng, đẹp đẽ bởi bà đã sống, diễnvà chết như một huyền thoại của sân khấu.

Các nghệ sĩ Kim Cương, Bạch Tuyết, Xuân Lan, soạn giả Lê Duy Hạnh và ông Dương Đình Thảo (nguyên giám đốc Sở Văn hóa TP.HCM những năm đầu sau 1975, người rất được nghệ sĩ yêu quý vì góp phần tạo ra giai đoạn vàng son cho cải lương những năm 1975-1985) được mời lên sân khấu kể những kỷ niệm về nghệ sĩ Thanh Nga. Từ đây, những câu chuyện chưa từng được biết về cố nghệ sĩ Thanh Nga được công bố...

Những người xưa của giới sân khấu có dịp gặp nhau trong ngày giỗ cố nghệ sĩ Thanh Nga (từ trái qua, hàng ngồi): nghệ sĩ Ba Xây - cụ Đô Trinh trong Tiếng trống Mê Linh; soạn giả Kiên Giang; bà nội nghệ sĩ Hữu Châu, bà Sáu Liên - chủ hãng đĩa Việt Nam; bà Tám Trống - người làm phục trang sân khấu nổi tiếng.
Những người xưa của giới sân khấu có dịp gặp nhau trong ngày giỗ cố nghệ sĩ Thanh Nga (từ trái qua, hàng ngồi): nghệ sĩ Ba Xây - cụ Đô Trinh trong Tiếng trống Mê Linh; soạn giả Kiên Giang; bà nội nghệ sĩ Hữu Châu, bà Sáu Liên - chủ hãng đĩa Việt Nam; bà Tám Trống - người làm phục trang sân khấu nổi tiếng.

Chết đẹp như mong muốn

Đó là một phần suy nghĩ của nghệ sĩ Kim Cương khi kể về kỷ niệm với cố nghệ sĩ Thanh Nga. Bà ngậm ngùi bảo rằng khi trở thành người của công chúng, nghệ sĩ buộc phải hy sinh nhiều hạnh phúc của cuộc sống riêng. Thanh Nga đến gần 30 tuổi, còn Kim Cương phải hơn 30 tuổi mới có một gia đình ổn định và có con. Khi Thanh Nga sinh con, Kim Cương vào bệnh viện thăm, bà ôm Thanh Nga thì thầm sáu tháng sau mình cũng sẽ sinh. Hai nữ nghệ sĩ còn hứa vui sẽ làm sui cùng nhau nếu người sinh trai, người sinh gái. Năm 1976, con trai nghệ sĩ Kim Cương bị bắt cóc, nghệ sĩ Thanh Nga đến thăm, ôm Kim Cương khóc và động viên. Từ đó, Thanh Nga cũng rất sợ con trai mình cũng sẽ bị bắt cóc khiến Kim Cương vô cùng cảm thông.

Khi biết tin Thanh Nga vì bảo vệ con trước bọn bắt cóc mà bị bắn chết, nghệ sĩ Kim Cương ngất xỉu, đau đớn như chính mình bị bắn bởi bà biết thế nào là nỗi đau của người mẹ khi con gặp nguy hiểm. Hôm sau, bà vào thăm Thanh Nga trong nhà xác, trông Thanh Nga vẫn rất đẹp, tóc xõa dài và mặt vẫn còn nguyên son phấn hóa trang vai diễn thái hậu Dương Vân Nga tối hôm trước... Bà tâm sự: “Tôi vô cùng thương tiếc Thanh Nga - một tài năng phải chết trẻ. Song đúng là Thanh Nga từng mong ước mình chết thật đẹp và có được một người yêu mình sống chết cùng mình. Thanh Nga đã chết trong một hình hài rất đẹp và ra đi bên tình yêu của chồng. Cái chết của cô còn đẹp đẽ, cao quý hơn vì đó là sự cao đẹp của tình mẹ hy sinh để bảo vệ con”.

Nghệ sĩ Xuân Lan, người đóng vai công chúa Bích Vân trong Bên cầu dệt lụa, cũng thuật lại những chi tiết rất quý về nghệ sĩ Thanh Nga. Năm 1972, Xuân Lan diễn chung đoàn Việt Nam-Minh Vương cùng nghệ sĩ Thanh Nga ở miền Trung. Đoàn bị ném lựu đạn cay. Trong lúc mọi người tháo chạy, Xuân Lan nghe nghệ sĩ Thanh Nga bảo chồng: “Anh xuống ẵm anh Hoàng Thành, một người trong đoàn chân bị yếu, chạy đi”. Sau 1975, vì phục tài về diễn xuất, không toan tính tiền bạc, Xuân Lan theo Thanh Nga về đoàn Thanh Nga diễn Bên cầu dệt lụa. Đoàn này lại bị ném lựu đạn, Thanh Nga và Xuân Lan phải nằm bệnh viện. Sợ Xuân Lan vì không nổi tiếng bằng mình, ít người cho quà, nên ai vào thăm tặng cái gì Thanh Nga đều để dành cho Xuân Lan một nửa. Nghệ sĩ Xuân Lan nghẹn ngào: “Chị Thanh Nga là người luôn biết nghĩ cho người khác”.

Soạn giả Lê Duy Hạnh, nghệ sĩ Bạch Tuyết và một khán giả có hơn 40 năm yêu mến nghệ sĩ Thanh Nga sau khi chia sẻ những kỷ niệm của mình đều khẳng định: Nghệ sĩ Thanh Nga mãi sống trong lòng khán giả. Thanh Nga đang mỉm cười vì mọi người đang đến với nhau, đang thương nhau hơn, đang cùng nhau vì một nền sân khấu giàu nghệ thuật và tinh thần dân tộc...

HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm