Làng nghệ thuật Việt một năm mất nhiều nghệ sĩ gạo cội

Năm qua, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong nước không có những thành tựu nổi bật. Trong bối cảnh đó, đời sống làng văn nghệ càng trở nên trầm lắng hơn trước sự ra đi liên tiếp của nhiều nghệ sĩ.

Làng nhạc Việt đưa tiễn những cây đại thụ như nhạc sĩ Hoàng Hà, Hoàng Hiệp, Phạm Duy. Hoàng Hiệp mất ngày 9/1 tại nhà riêng ở TP HCM, thọ 82 tuổi. Ông từng được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: Câu hò bên bờ Hiền Lương, Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, Viếng Lăng Bác, Nhớ về Hà Nội...

Ít ngày sau, nhạc sĩ Phạm Duy qua đời hôm 27/1 do tuổi già sức yếu. Ông là một trong những tên tuổi lớn của nền tân nhạc với số lượng sáng tác đồ sộ, đa dạng về thể loại, trong đó có những bài đã trở nên quen thuộc với người Việt. Ngoài sáng tác, Phạm Duy còn có nhiều công trình khảo cứu giá trị về âm nhạc Việt Nam. Trong tang lễ tại nhà riêng của ông, dòng người xếp hàng đưa tiễn. Nhiều người có chung mong muốn được vào thắp nén hương cho Phạm Duy, như tâm sự của một khán giả cao tuổi: "Tôi nghe nhạc của Phạm Duy thời còn trẻ. Nhạc Phạm Duy đời lắm, phảng phất đâu đó một sự lạc quan khó tả. Dù chưa một lần được trò chuyện cùng ông, tôi vẫn muốn được đưa tiễn ông đến cuối đoạn đường dài".

Làng nghệ thuật Việt một năm mất nhiều nghệ sĩ gạo cội ảnh 1

Vợ chồng ca sĩ Tuấn Ngọc (phải) và Thái Thảo (bìa trái) bên linh cữu cha - nhạc sĩ Phạm Duy. Ảnh: Nhật Anh.

Đầu tháng 9, làng nhạc Việt tiếp tục phải nói lời vĩnh biệt với nhạc sĩ Hoàng Hà. Nhạc sĩ Hoàng Hà để lại cho kho tàng âm nhạc nước nhà những ca khúc đầy hào khí, khơi dậy lòng yêu nước. Bài hát nổi tiếng nhất của ông là Đất nước trọn niềm vui, được sáng tác vào đêm 26/4/1975. Các tác phẩm âm nhạc tiêu biểu khác của nhạc sĩ Hoàng Hà còn có: Ánh đèn cầu Việt Trì, Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn, Cùng hành quân giữa mùa xuân... Ông cũng là tác giả nhiều bài hát thiếu nhi nổi tiếng.

Bên cạnh các tên tuổi gạo cội, năm qua, giới yêu nhạc cũng xót xa trước cái chết của nghệ sĩ trẻ Wanbi Tuấn Anh. Sau một thời gian chống chọi với căn bệnh u não, Wanbi Tuấn Anh từ giã cuộc sống ngày 21/7. Hàng nghìn độc giả đã hòa dòng nước mắt thương tiếc cho chàng trai trẻ hiền lành, dễ thương không may gặp phải căn bệnh hiểm nghèo.

Lĩnh vực sân khấu - điện ảnh cũng mất nhiều nghệ sĩ lớn trong năm 2013. Đạo diễn Hải Ninh với những tác phẩm để đời như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội... trút hơi thở cuối cùng sáng 5/2, thọ 82 tuổi. Trước khi mất 10 ngày, ông đột nhiên tụt huyết áp dẫn tới hôn mê sâu và phải vào cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Gương mặt quen thuộc với khán giả truyền hình, NSƯT Hồ Kiểng, mất ngày 3/4, tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, TP HCM do bệnh tim tái phát. Theo đạo diễn Lê Cung Bắc, nếu nói ngắn gọn về Hồ Kiểng trong công việc có thể dùng cụm từ "Một con người đam mê nghệ thuật vô cùng tận". Danh hiệu kỷ lục mà ông được trao - "Diễn viên đa tài đóng được nhiều loại vai chính diện cũng như phản diện" - dường như chưa đủ phác họa về "người nghệ sĩ lạ lùng này" (từ dùng của Mạc Can). Lễ viếng của Hồ Kiểng không ồn ào đông đúc, mà cũng lặng lẽ như chính sự cống hiến cho nghệ thuật thầm lặng của ông. Nghệ sĩ Thành Lộc nhận xét: "Đây là người nghệ sĩ có trái tim lớn, tinh thần lớn".

Khi khán giả truyền hình chưa nguôi ngoai trước cái chết của Hồ Kiểng thì sự ra đi của nghệ sĩ hài Văn Hiệp tiếp tục lấy đi nước mắt của người hâm mộ. Ông qua đời sáng 9/4 tại nhà riêng, hưởng thọ 71 tuổi, sau thời gian chống chọi với nhiều căn bệnh: suy thận, tràn dịch màng phổi, đại tràng, viêm loét đường tiêu hoá và một số bệnh khác. Ngày Văn Hiệp qua đời, ông chỉ còn da bọc xương. Là người thường xuyên mang tiếng cười cho khán giả nhưng Văn Hiệp lại có đời sống riêng bất hạnh. Sự ra đi của ông gây tiếc thương lớn với bạn bè đồng nghiệp và khán giả. Còn lại trong ký ức mọi người là hình ảnh lão nghệ sĩ xuề xòa với chính mình nhưng rất tận tình với đàn em, hài hước nhưng có chiều sâu, nhỏ bé nhưng có tài năng và nhân cách lớn. Hàng trăm nghìn khán giả trẻ đã lập fanpage, làm video tưởng nhớ ông. Trong đám tang Văn Hiệp, các nghệ sĩ chung tay ký vào đơn xin xét duyệt danh hiệu NSƯT cho ông. Chiều 10/10, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đã tổ chức lễ truy tặng danh hiệu NSƯT cho Văn Hiệp.

Làng nghệ thuật Việt một năm mất nhiều nghệ sĩ gạo cội ảnh 2

Giới trẻ lập fanpage tiếc thương Văn Hiệp ngày ông qua đời.

Ung thư là nguyên nhân dẫn đến cái chết của diễn viên Tuấn Dương và đạo diễn Bạch Diệp. Nữ đạo diễn đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam tạ thế sáng 17/8, hưởng thọ 85 tuổi. Bạch Diệp từng mong sớm ra đi để giải thoát khỏi những nỗi đau thể xác. Thế nhưng còn chút sức tàn bà cũng dồn cho phim ảnh. Thành công trong sự nghiệp nhưng Bạch Diệp là người phụ nữ đa đoan trong cuộc sống riêng. Bà từng trải qua mối tình đầu trong trẻo với một cán bộ cách mạng, từng là "nàng thơ" của nhạc sĩ Tử Phác và đi qua hai cuộc hôn nhân. Nhưng có lẽ, như bà từng nói, để lại nhiều "dằn vặt, khổ đau, ngọt ngào xen đắng cay nhất” là đoạn đời ngắn ngủi sống chung với thi sĩ Xuân Diệu. Những ngày cuối đời, Bạch Diệp chỉ còn lại một mình trong căn nhà bốn tầng rộng rãi. Đám tang của bà là sự chung tay giữa những người nghệ sĩ và anh em cùng cha khác mẹ.

Làng nghệ thuật Việt một năm mất nhiều nghệ sĩ gạo cội ảnh 3

Cố nghệ sĩ Tuấn Dương.

Tuấn Dương - nam diễn viên ghi dấu ấn với những vai hài hước - qua đời ngày 30/11, ở tuổi 62. Gia đình Tuấn Dương rất neo người, ông kết hôn muộn vào năm 2009 sau khi đã về hưu và không có con. Tuấn Dương mới phát hiện mắc bệnh ung thư thực quản một năm qua. Ban đầu, ông không chịu điều trị hóa chất mà chỉ chữa bằng đông y để giảm những cơn đau. Theo vợ Tuấn Dương, bị bệnh nặng, ông vẫn quyết tâm trốn gia đình tham gia một bộ phim Tết. Một tháng trước khi mất, dù đã bị rụng hết tóc do xạ trị, Tuấn Dương vẫn nhận lời một đạo diễn vào vai bệnh nhân ung thư nằm trên giường bệnh.

Lĩnh vực văn hóa nghệ thuật dân gian mất đi “Báu vật cuối cùng” của làng xẩm. Nghệ nhân Hà Thị Cầu qua đời trưa 3/3 ở tuổi 86. Bà bị tai biến mạch máu não từ tháng 11/2012 và rơi vào nguy kịch khoảng 10 ngày trước khi qua đời. Nghệ nhân đã tiên liệu được cái chết của mình. Khi sức khỏe đã yếu nhưng vẫn còn nói được, bà dặn con cháu treo hai cây đàn nhị thiết thân với mình lên bàn thờ chứ không được cho bất cứ ai.

Theo Ngọc Trần - Hoàng Dung (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm