Kỷ niệm “lạ” với nhà văn Trang Thế Hy

“Tôi bị lạ

Ngày 14-2-2002 (âm lịch), tôi cùng các nhà văn Bến Tre đi Trà Vinh dự họp của Ban Liên lạc Hội Nhà văn Việt Nam tại đồng bằng sông Cửu Long. Tất nhiên sau họp, các nhà văn sẽ đi thực tế tại Trà Vinh. Đi theo đoàn nhà văn, tôi có hai nhiệm vụ. Thứ nhất là viết báo. Thứ hai, quan trọng không kém viết báo, là… xách đồ cho chú Tư (nhà văn Trang Thế Hy) vì lúc này chú đã 78 tuổi. Trước lúc đưa chúng tôi ra bến đò, anh Phạm Văn Lê đã gửi gắm vậy.

Kỷ niệm “lạ” với nhà văn Trang Thế Hy ảnh 1

Chân dung nhà văn Trang Thế Hy qua nét vẽ của họa sĩ Nguyễn Trung. Ảnh chụp lại: PLHH

Con đò Đại Đức từ Bến Tre đi Trà Vinh chạy rề rà nhưng phong cảnh hai bên sông thật hữu tình. Phải mất trên 4 giờ đồng hồ thì đò mới đến thị xã Trà Vinh. Thế là chúng tôi đem thức ăn và rượu mang theo ra lai rai, chuyện trò rôm rả. Ngồi trên chiếc võng kế bên, chú Tư chỉ nhìn rồi cười cười. Anh em chúng tôi không ai dám tự nhiên mời chú Tư… làm một ly. Thỉnh thoảng, chú lại liếc nhìn chúng tôi bằng cái nhìn đồng tình, nhưng rồi chú cũng chỉ cười cười.

Chiều hôm đó, Tỉnh ủy Trà Vinh mở tiệc chiêu đãi các nhà văn tại đồng bằng sông Cửu Long. Bàn tiệc đãi khách với rất nhiều món đặc sản vùng biển. Các nhà văn nam lẫn nữ uống rượu ào ào. Vị lãnh đạo Tỉnh ủy Trà Vinh đứng lên nâng ly mời chú Tư vì chú là người lớn tuổi nhất trong đoàn. Chú Tư đứng lên, cầm ly rượu, “hửi” rồi cảm ơn. Xong chú ngồi xuống, ăn mồi ngon và tiếp tục uống… trà đá. Nhìn chú ăn ngon miệng nhưng chỉ uống trà đá, tôi hơi bị lạ. Tôi đinh ninh là chú đang dưỡng bệnh nên cữ rượu.

Kỷ niệm “lạ” với nhà văn Trang Thế Hy ảnh 2

Nhà văn Trang Thế Hy đếm thời gian rơi. Ảnh: PLHH

Tiệc tan lúc 8 giờ tối, chúng tôi cùng về phòng nghỉ. Ngày mai, đoàn còn phải vượt một chặng đường dài để đến huyện Duyên Hải. Vậy mà đã hơn 11 giờ đêm, chú Tư vẫn thức trò chuyện với nhà văn Vũ Hồng và nhà văn Hồ Tĩnh Tâm. Chú trò chuyện như để đốt nhanh thời gian, như để chờ đợi một cái gì đó trong đêm. Cách của chú một lần nữa lại khiến tôi bị lạ.

Và rồi, chú nhìn đồng hồ. Kim đồng hồ vừa chỉ 12 giờ đêm, gõ một cái beng. Bất ngờ, chú Tư chòm lưng sang phía nhà văn Hồ Tĩnh Tâm, lấy chai rượu và rót đầy một ly. Chú thư thả hớp từng ngụm. Rồi, hai ly, ba ly… Lúc chú dừng lại thì đã gần 1 giờ sáng…

Sau chuyến đi, tôi đem chuyện “bị lạ” hỏi anh bạn thân là con trai chú Tư. Anh nói chú Tư có thói quen khi ăn cơm thường uống một, hai ly rượu nếp, loại rượu nặng, ngon. Nhưng lâu lắm rồi, chú Tư kiêng rượu một tháng trong năm, từ rằm tháng Giêng đến rằm tháng 2 âm lịch. “Ba tự đặt ra và buộc mình phải vượt qua. Thật ra hằng năm, chuyện kiêng rượu trong một tháng cũng “hành xác” ba dữ lắm. Hút thuốc lá cũng vậy. Trong tháng, ba có những ngày không rớ một điếu” - con trai chú Tư giải thích.

Kỷ niệm “lạ” với nhà văn Trang Thế Hy ảnh 3

Nhà văn Trang Thế Hy (bìa trái) bên những người bạn - người thân. Ảnh: PLHH

Từ ngày “đi chỗ khác chơi”

Sau năm 1954, chú Tư lên Sài Gòn mưu sinh và tiếp tục hoạt động cách mạng. Tháng 3-1960, chú bị công an chế độ cũ bắt giam hai năm tại trung tâm thẩm vấn cảnh sát Sài Gòn. Sau đó, chú vào chiến khu tiếp tục con đường văn nghiệp. “30 năm chiến tranh tôi được nhân dân nuôi. Phần đời còn lại, tôi kiếm sống bằng nhiều nghề không chuyên như kiểm vé xe điện, thủ kho, dạy kèm, thư ký hãng buôn, sửa bản in, thư ký kế toán và… viết văn. Giờ đã 86 tuổi, điều tôi mong muốn đạt tới vẫn là trở thành một nhà văn” - chú Tư tâm sự.

Năm 1990, nhà văn Trang Thế Hy về hưu và sinh sống tại xã Hữu Định (Châu Thành, Bến Tre). Nhưng trước ngày “đi chỗ khác chơi” một năm, nhà văn Trang Thế Hy có hỏi phó giám đốc nhà xuất bản Tiền Giang (tức ông Lê Hà, nay đã mất) rằng tại sao chỉ in tập truyện Vết thương thứ 13 của mình đúng 2.500 quyển mà không ít hơn hay nhiều hơn. Ông Lê Hà nói: “Mình có tính chứ. Bạn đọc tri âm của nhà văn Trang Thế Hy, tôi áng chừng cỡ năm người. Độ 45 người thấy cái tên Trang Thế Hy thì mua sách. Vậy là được 50 trong số 500 lẻ, 450 quyển kia dành cho những người nhớ mài mại rằng tay Trang Thế Hy này viết truyện ngắn đọc được. Con số 2.000 quyển còn lại: 1.000 quyển dành cho những tay chơi sách mua về… nhét cho kệ sách. 1.000 quyển còn lại là phần của những người bị cái nhan đề lường gạt: 13 vết thương được gây ra bằng đạn hay bằng dao? Và ai bắn ai, ai chém ai? Tại sao lại là con số 13? Có dấu ấn gì của định mệnh hay chăng?”.

“Ông Lê Hà nói cho vui theo chén trà thôi. Ông áng chừng tôi có năm bạn đọc tri âm là bơm tôi hơi cứng. Lỗ Tấn trong bài tựa tập Gào thét còn viết: “Biết mình có được vài ba độc giả, điều đó tạo cho tôi một niềm vui lớn” đấy thôi!” - nhà văn Trang Thế Hy nhớ lại.

Kỷ niệm “lạ” với nhà văn Trang Thế Hy ảnh 4

Nhà văn Trang Thế Hy xuân này 87 tuổi. Ảnh: PLHH

Về hưu, ngoài đồng lương hưu khiêm tốn, nhà văn còn có 4,5 công đất trồng dừa với thu hoạch trung bình khoảng 400 dừa/tháng (tức gần 3 triệu đồng tính theo thời giá hiện nay). Có hôm đến thăm, tình cờ tôi thấy nhà văn ngồi gần chiếc xe lôi máy mua dừa, nghe từng trái dừa khô thảy vào xe. Hình ảnh và âm thanh đó tựa như tiếng rơi của thời gian, của cuộc đời của một nhà văn… Ngày thím Tư mất tính đến nay cũng đã tám năm rồi. Cũng bằng từng ấy năm chú Tư chỉ ngủ bằng võng. “Nằm xuống giường là… nhớ bả!” - chú Tư nói. Đó là một người vợ, một người mẹ suốt đời tần tảo vì chồng, vì con.

Ngày thím Tư mất tính đến nay cũng đã tám năm rồi. Cũng bằng từng ấy năm chú Tư chỉ ngủ bằng võng. “Nằm xuống giường là… nhớ bả!” - chú Tư nói.

Một hôm, nhà văn Trang Thế Hy nói với tôi: “Cũng có những nhà báo sau đó trở thành nhà văn nổi tiếng”. Nhưng để xứng danh một nhà văn thì tôi thấy khó quá khi nghe ông giãi bày: “Viết văn là tu thân, là đương đầu với nỗi buồn, nếu không biến được nỗi buồn thành người bạn đường, thì cũng không để nỗi buồn nhận chìm mình trong trầm cảm”. Và rằng: “Không nên viết những gì mà mình chưa yêu mến”. Với nhà văn Trang Thế Hy, ông không “tu Phật” nhưng “tu Tiên”.

PHAN LỮ HOÀNG HÀ

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 1-2011)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm