Kịch về Lý Thường Kiệt, NSƯT Thành Lộc: “Tôi chỉ làm kịch giải trí”

Sau thành công vang dội của Bí mật vườn Lệ Chi, dư luận đang rất chờ đợi, kỳ vọng vào vở kịch Ngàn năm tình sử về danh tướng Lý Thường Kiệt do NSƯT Thành Lộc dàn dựng. Khá nhiều báo đã gọi đó là một vở kịch lịch sử. Vậy nhưng trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM, NSƯT Thành Lộc cho biết: “Tôi làm Ngàn năm tình sử như một vở kịch giải trí, hấp dẫn người xem”...

Lịch sử chỉ là cái cớ

. Điều đầu tiên khiến anh muốn dàn dựng kịch bản Tình sử ngàn năm của nhà văn Nguyễn Quang Lập vì đó là một kịch bản hay, hay vì đó là một kịch bản lịch sử, lại rơi vào đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội?

+ Tôi rất dị ứng với thực tế là có nhiều vở được dàn dựng nhân kỷ niệm một dịp nào đó rồi cất kho, không ai xem nữa. Cá nhân tôi thấy làm vở như vậy là xem thường nhau, xem thường khán giả.

Tôi cũng không thích dựng những kịch bản đoạt giải cao trong các trại sáng tác. Nó thường mang nặng tính chủ đề được quy định hơn là cảm xúc riêng. Tình sử ngàn năm của anh Nguyễn Quang Lập cũng là một kịch bản trong đợt vận động sáng tác về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội nhưng tôi thú vị với thông tin nó không được một đoàn nào ở ngoài Bắc nhận dàn dựng. Tôi muốn khám phá vì sao nó bị từ chối.

Đọc kịch bản xong, tôi bần thần, chấn động, có cảm giác nghèn nghẹn nơi cổ. Trước mắt tôi như hiện lên hình ảnh một người đàn ông tóc bạc phơ vì nắng gió của chiến tranh, của những đợt sóng thù trong giặc ngoài bao phủ đời ông, dội vào ông lạnh lùng, dữ dội. Ông đứng im lặng, cô đơn trước cổng chùa khép chặt cũng lạnh lùng, cô đơn như người đàn bà đã xuống tóc quy y đứng bên kia cổng khép chặt lòng mà khóc. Người đàn ông già buồn bã ấy sau khi để lại bài thơ Nam quốc sơn hà trên vách đá, ông đi thẳng xuống sông, để lại sau lưng mọi công tích hiển hách để tắm gội. Đó là một sự gột rửa gánh nặng thế sự, trọng trách của một thái úy Lý Thường Kiệt để được trở lại chỉ là chính mình - một Ngô Tuấn bình thường như bao người bình thường, muốn được sống, được yêu, được hạnh phúc trong tình yêu: yêu người chứ không chỉ là yêu nước.

Kịch bản với tôi vì thế là một câu chuyện tình rất buồn của một anh hùng, một bi kịch thương tâm của vĩ nhân dân tộc. Khi đó, lịch sử chỉ còn là cái cớ nên tôi đổi tên kịch bản thành Ngàn năm tình sử. Tôi thấy dấy lên cảm xúc như mình là người có lỗi. Chúng ta - những người sống ở thế hệ sau có mấy ai chịu quan tâm đến đời sống tình cảm, niềm vui, nỗi buồn, hay những nỗi niềm chôn giấu trong tâm can của bậc tiền nhân đã hy sinh cho nước non, cho con cháu ngàn đời được vững bền bờ cõi, sống an vui. Dường như chúng ta đã tước đi cái quyền làm người bình thường với những hỷ nộ ái ố thường tình của những anh hùng khi thần thánh hóa họ. Tôi và anh Lập gặp nhau ở điểm này.

Sẽ là vở kịch giải trí hiện đại

. Anh bảo lịch sử chỉ là cái cớ trong vở kịch này, song với những nhân vật và tình tiết lịch sử có xác định, thiết nghĩ bất cứ tác giả nào cũng không thể thay đổi. Thế nhưng được biết, anh sửa lại kịch bản khá nhiều?

+ Với tôi, tình tiết lịch sử chỉ tôn trọng được đến mức có thể, còn lại tác giả có quyền hư cấu để vở diễn hấp dẫn. Như vở cải lương Câu thơ yên ngựa có lớp diễn Lý Đạo Thành xử án Thượng Dương hoàng hậu vô cùng nổi tiếng, đến tận nay nhiều nghệ sĩ vẫn diễn lại và được khán giả hoan hô. Thế nhưng lớp diễn này lại hư cấu hoàn toàn so với sử.

Tôi không sửa kịch bản mà chính xác là biên tập cho gọn lại vì anh Lập viết chi tiết, nhiều bối cảnh theo kiểu kịch bản phim, không hợp với sân khấu. Có những nhân vật khi anh Lập kể miệng với tôi thì có, khi viết lại không có thì tôi tự viết thêm vào. Tôi không nghiên cứu lịch sử nhiều mà viết dựa trên nguyên tắc hư cấu. Nhưng tôi có thể nói Ngàn năm tình sử được anh Lập viết rất gần với các yếu tố lịch sử.

. Dàn dựng một tác phẩm về một danh nhân đáng kính của dân tộc, anh nghĩ gì khi tuyên bố mình chỉ làm kịch giải trí?

+ Tuyên bố chỉ làm kịch giải trí ở kịch bản này vì tôi quá ngưỡng mộ đạo diễn Phùng Tiểu Cương qua phim Dạ yến khi ông cũng tuyên bố chỉ làm phim này như phim giải trí. Nếu giải trí mà làm được như Dạ yến thì quá tuyệt vời để mình xin theo học hỏi. Chọn cách làm kịch giải trí ở đây vì tôi còn bị áp lực từ chính mình với thành công của Bí mật vườn Lệ Chi. Tôi muốn mình mới hơn, không bị lặp lại trong phong cách dàn dựng. Tôi nghĩ giải trí cũng có nhiều cấp độ, nhiều cách làm. Vở diễn của tôi mức độ giải trí nằm ở đâu xin nhường đánh giá cho khán giả.

. Anh có thể tiết lộ đôi điều về ý đồ chế tác, dàn dựng của vở diễn cùng thành phần diễn viên?

+ Ngay từ đầu tôi đã hình dung hình thức nhạc kịch hiện đại chính là chìa khóa để tôi dàn dựng kịch bản này. Trang phục sẽ được cách điệu hiện đại gần với trang phục múa balê. Đặc biệt, giai điệu từ âm nhạc sẽ là phương thức hữu hiệu nhất để tôi dẫn dắt người xem vào câu chuyện, chạm vào trái tim họ về nỗi buồn của nhân vật. Tôi mời nhạc sĩ Đức Trí làm nhạc cho vở một số bài hát mới vừa có giai điệu dân gian vừa hiện đại. Ngay bài hát Nắng có còn xuân đang quen thuộc trên sân khấu ca nhạc hiện nay của Đức Trí tôi cũng đưa được vào vở kịch của mình một cách rất phù hợp.

Đưa vở ra Nhà hát Bến Thành để có được một sàn diễn rộng, có thể làm được nhiều điều trên sân khấu nhưng chúng tôi sẽ chỉ sử dụng 500 ghế cho một suất diễn. Phần ghế dư chúng tôi sẽ dùng nghệ thuật sắp đặt để trang trí, che lại.

Thành phần diễn viên chính của vở không nhiều. Tôi sẽ vào vai Lý Thường Kiệt từ năm 18 đến năm hơn 45 tuổi. Thanh Thủy vai Thụy Khanh - người yêu Lý Thường Kiệt. Hữu Châu - Lý Đạo Thành, Hoàng Trinh - Thượng Dương hoàng hậu, Lê Khánh - vương phi Ỷ Lan. Tuy nhiên, số diễn viên trên sàn diễn sẽ khá đông vì tôi vẫn sẽ sử dụng thủ pháp dàn đồng ca dẫn chuyện như trong Bí mật vườn Lệ Chi.

Sẽ có hai vở kịch từ Tình sử ngàn năm

Được biết, dù Kịch IDECAF đã mua độc quyền kịch bản Tình sử ngàn năm của nhà văn Nguyễn Quang Lập và công bố dàn dựng trước dư luận, song Nhà hát Kịch Hà Nội và đạo diễn Doãn Hoàng Giang đã thương lượng với Kịch IDECAF để được cùng dàn dựng kịch bản này nhằm chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hiện Kịch IDECAF đã đồng ý. Như vậy, khán giả cả nước sẽ có dịp được cùng xem Ngàn năm tình sử theo phong cách kịch giải trí của NSƯT Thành Lộc và Tình sử ngàn năm theo phong cách kịch phía Bắc của đạo diễn Doãn Hoàng Giang. Theo NSƯT Thành Lộc, đây là một động lực thú vị để anh làm vở kỹ hơn.

HÒA BÌNH thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm