Kịch Sài Gòn một năm loay hoay

Mấy năm gần đây, tình trạng chung của sân khấu phía Nam là không có được những vở diễn lớn, có sức lay động xã hội từ kịch bản văn học có tầm cho đến số kinh phí đầu tư cao để có cảnh trí, phục trang, âm thanh, ánh sáng cho hiệu quả đặc biệt. Thêm vào đó, ngay cả những vở diễn mới chất lượng trung bình cũng ít hẳn đi khiến giới làm sân khấu TP.HCM rất lo ngại. Cho nên, ngay từ đầu năm 2012, gần như tất cả sân khấu kịch TP đã chạy đua nhau lên kế hoạch ra vở mới khá ào ạt. Thậm chí nhiều sân khấu còn lên kế hoạch làm những tác phẩm lớn, những vở diễn tạo dấu ấn để lấy lại vị thế, tiếng vang của mình.

Kịch Sài Gòn một năm loay hoay ảnh 1

Vở diễn hoành tráng nhất năm 2012 - Vua thánh triều Lê của sân khấu kịch IDECAF vẫn không qua nổi cái bóng của những vở diễn lớn trước đó. Ảnh: HB

Kịch mới dở hơn kịch cũ

Vậy nhưng, những tác phẩm có thể gọi là vở diễn lớn của sân khấu TP.HCM trong năm nay lại không thể hơn được những vở diễn lớn của quá khứ từ giá trị văn học của kịch bản cho đến giá trị nghệ thuật ở vở diễn.

Có thể nói, Vua thánh triều Lê ở sân khấu IDECAF là một vở kịch lịch sử rất hoành tráng và đáng giá, xứng đáng là vở diễn giá trị nhất năm 2012 của cả sân khấu Sài Gòn. Đạo diễn Vũ Minh đã bỏ ra rất nhiều công phu, tâm trí để làm cho vở diễn trau chuốt từng chi tiết kịch, từng cảnh trí độc đáo, bắt mắt. Kịch bản cũng có nội dung thấm đẫm tính nhân văn, cổ vũ tinh thần yêu nước, thương dân bừng cháy nơi người xem. Tuy nhiên, khi IDECAF với mục đích muốn nối dài nội dung một câu chuyện lịch sử, xếp Vua thánh triều Lê diễn liền sát vở kịch lịch sử Bí mật vườn Lệ Chi thì vô tình người xem thấy được một khoảng cách khá rõ giữa hai vở diễn mà Bí mật vườn Lệ Chi xếp phần hơn.

Trong năm 2012, vở kịch Làm… ở Sân khấu kịch Phú Nhuận, chuyển thể từ truyện Làm đĩ của nhà văn Vũ Trọng Phụng đã tạo được sự chú ý về chủ đề nhạy cảm và cũng đã được đầu tư, dàn dựng công phu. Song, nếu so với những vở kịch khác cũng lấy gốc từ tác phẩm văn học của nhà văn Vũ Trọng Phụng như Số đỏ, Kỹ nghệ lấy Tây thì Làm… có một khoảng lùi. Giá trị xã hội của Làm đĩ ở ý nghĩa cảnh báo lối sống Tây hóa kệch cỡm lẫn quan niệm cổ hủ về tình dục đã đẩy nhiều thanh niên vào hố sâu, nay đã bị Làm… đẩy chệch sang chuyện lên án một xã hội khắt khe với chữ trinh ở người phụ nữ. Cách xây dựng các tính cách, trang phục một số nhân vật quan trọng trong Làm… khiến không ít người xem băn khoăn.

Thêm một điểm sáng của sân khấu kịch TP năm nay là vở kịch Đời như ý, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư, trên sân khấu Sài Gòn Phẳng. Những người làm nghề trẻ ở sân khấu rất trẻ này đã làm nên một vở diễn mượt mà, nhân hậu nhiều chăm chút. Tuy nhiên, Đời như ý cũng lại khiến người xem nhớ về vở diễn Cánh đồng bất tận, cũng chuyển thể từ truyện của Nguyễn Ngọc Tư trước đó mà Đời như ý không thể sánh kịp.

Có lẽ vì thế mà những vở diễn “đinh” của năm 2012 chẳng mấy gây tiếng vang trong xã hội.

Quẩn quanh vở cũ

Trong năm 2012 có đến hai cuộc liên hoan sân khấu kịch nói và cải lương chuyên nghiệp. Theo lẽ thường đây sẽ là dịp để các đơn vị sân khấu cả nước trình làng những vở diễn mới mẻ, đặc sắc của riêng mình để tranh tài, tranh giải và cũng là sự khẳng định bản lĩnh của mình với đồng nghiệp trong cả nước. Vậy nhưng, thật đáng kinh ngạc là tại hai liên hoan này lại bộc lộ rõ nhất sự cũ kỹ, quẩn quanh của kịch nói cả nước, trong đó có kịch nói TP.HCM.

Có rất nhiều kịch bản cũ kỹ trên dưới 20 năm về trước như Mùa hạ cay đắng hoặc là 5-7 năm gần đây được mang ra làm lại như Đôi bờ… ở liên hoan kịch nói. Không chỉ cũ kỹ, quẩn quanh về kịch bản, cách dựng, cách diễn của những tác phẩm hôm nay vẫn luôn bị người xem đặt ở tầm thấp hơn, ít nhất là về cảm xúc, không khí thời sự so với các vở của nhiều năm về trước.

Tình hình sân khấu về mặt hình thức, danh nghĩa, danh hiệu đã thế, tình hình đời sống thực cũng chẳng lấy gì làm khả quan về mặt nghề nghiệp, nghệ thuật. Gần hết các sân khấu hiện nay vẫn sống nhờ những vở kịch hài cười rồi thôi, hay những vở kịch ma vừa nhát ma vừa diễu hài mua vui cho khán giả. Đó là nỗi đau lòng mà nghệ sĩ Việt Anh bày tỏ không giấu giếm. Hay như khát khao của đạo diễn - diễn viên Đức Thịnh: “Tôi chỉ ao ước sao sân khấu kịch nghệ TP được trả lại vẻ đẹp trang trọng đúng nghĩa sân khấu là thánh đường của nó. Bây giờ sân khấu TP chủ yếu chỉ là kịch sinh hoạt mà thôi”.

Kịch Sài Gòn một năm loay hoay ảnh 2

NSND Hồng Vân: “Nếu UBND TP, các sở, ban, ngành quản lý vẫn không có một kế hoạch cụ thể nào để hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị sân khấu để duy trì thành quả của một nơi có đời sống sân khấu sôi động nhất nước thì trước sau gì thành quả này cũng mất đi hay chuyển sang một nơi khác”.

***

“Gần một năm qua tôi rất ít đi xem kịch. Còn suốt hơn 10 năm trước đó tôi là một khán giả thường xuyên, gần như không bỏ sót bất cứ một vở mới nào của nhiều sân khấu kịch uy tín như IDECAF. Càng ngày tôi càng thấy các vở kịch ở nhiều nơi trở nên quá nhảm. Bây giờ tôi chỉ đi xem một số vở mới ở sân khấu Hoàng Thái Thanh”

Khán giả Quế Chi, làm việc tại một doanh nghiệp địa ốc

HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm