Khi lời ca, tiếng hát sẻ chia cùng đồng bào…

Không chỉ dừng lại ở một đêm nhạc đỉnh cao, những tiếng hát xuất phát từ trái tim của các ca sĩ đã làm rung động bao trái tim người xem với những xúc cảm sâu lắng.

1. Mấy ngày nay, đi qua Cung văn hóa Hữu Nghị Hà Nội ai cũng nán lại trước tấm băng rôn hình ảnh một bàn tay yếu ớt chìa lên khỏi mái ngói như cầu cứu cùng với một phép toán ngộ nghĩnh “1 triệu đồng = 16 thùng mì gói = nửa tạ gạo = 10 áo phao = 100 cuốn sách giáo khoa”. Đây là tấm băng rôn giới thiệu đêm nhạc hội “Là người con đất Việt” chia sẻ nỗi đau với đồng bào miền Trung ruột thịt. Nhiều người bộc bạch cũng muốn tham gia đêm nhạc hội để ủng hộ đồng bào miền Trung nhưng giá vé đắt quá. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ: “Chương trình không có vé mời, chúng tôi cố gắng bán vé giá 1 triệu đồng để có thể quyên góp được càng nhiều càng tốt”.

Chưa có đêm nhạc hội nào có thể quy tụ đến gần 100 nhạc sĩ, ca sĩ mà tính từ lúc phát động đến khi diễn chính thức chỉ vỏn vẹn trong 12 ngày. Các ca sĩ phải cố gắng 200% công sức, còn ban nhạc và êkíp chỉ đạo chương trình phải túc trực tại Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật Quân đội ròng rã suốt một tuần để chạy nước rút. Tại buổi tổng duyệt, các anh còn phải nhịn ăn trưa để chạy chương trình một mạch từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều không nghỉ. Có một người không xuất hiện trên sân khấu nhưng ánh mắt không rời là nhạc sĩ Đỗ Bảo. Anh chính là người đứng ra kêu gọi, kết nối tất cả nghệ sĩ lại với nhau và từng phút túc trực bên ban nhạc. Và những cố gắng của tập thể ca sĩ đã được đền đáp bằng những tràng vỗ tay không ngớt và cả những giọt nước mắt xúc động trong đêm diễn.

Khi lời ca, tiếng hát sẻ chia cùng đồng bào… ảnh 1

Dù chỉ là hát mộc, ca khúc Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do Bống trình bày vẫn khiến người xem rung động. Ảnh: Nguyễn Á

2. Khán phòng lặng im khi giọng ca Thanh Lam cất lên đầy day dứt: “Sáng sáng ra mẹ ngồi ngóng trông biển, những đứa con của mẹ mãi không về. Về đi vợ dại con thơ thèm nghe tiếng bố, nén nhang thơm em ngồi ngóng trông biển…”. Cùng với giọng hát và ánh mắt đầy tình cảm của ca sĩ Thanh Lam, hình ảnh cuồng phong nhấn chìm nhà cửa, người vợ đỏ mắt trông chồng trước dòng lũ, em bé ngồi chỏng chơ trên mái ngói và chiếc xe định mệnh ngập ngụa trong biển nước… đã đẩy sự đau xót lên đến tận cùng. Để rồi mọi người không thể kìm được nước mắt khi Thanh Lam kết thúc bài hát bằng những hình ảnh da diết:“Những ánh mắt ngơ ngác cần sẻ chia, những mái ấm tan nát cần sẻ chia, những em bé không bố cần đến trường. Những trang giấy trắng viết lên tình người...”.

Dù không có vũ đạo, không có những tiết mục múa minh họa nhưng chương trình lại lôi cuốn mạnh mẽ nhờ những hiệu ứng hình ảnh. Ngôn ngữ không lời ấy một lần nữa lại gây xúc động với những ánh mắt trẻ thơ tìm kiếm“ánh mắt mẹ dịu hiền, mong ngóng những lời mẹ ru thiết tha” trong ca khúc Cơn bão do hai mẹ con Mỹ Linh - Mỹ Anh trình bày. Mỹ Linh chia sẻ: “Nhìn những đứa trẻ sớm mất mẹ sau bão lũ, tôi cảm thấy mình còn may mắn và hạnh phúc rất nhiều. Vì mỗi đêm sau khi đi làm về tôi còn được ngửi thấy mùi tóc của con mình. Mong mọi người hãy góp một phần nhỏ của mình để giúp đỡ những em bé tội nghiệp”.

Còn tiết mục độc tấu đàn tranh Chân trời xa thẳm của người con xa quê Vanessa Võ Vân Ánh với tiết tấu lúc sâu lắng, lúc dữ dội lại đọng lại trong mỗi người những suy ngẫm khác nhau. Vân Ánh chia sẻ: “Khi nhận được email mời tham gia, tôi đồng ý ngay. Nếu không may mắn có mặt tại Việt Nam khi đêm nhạc diễn ra, tôi vẫn sẽ tìm cách chia sẻ với đồng bào bằng cách này hay cách khác. Tôi chọn ca khúc của Đỗ Bảo để thể hiện vì nhạc của anh ấy cho tôi khoảng lặng để suy ngẫm. Và tôi mong khi nghe tiếng đàn của tôi, mọi người sẽ lắng lòng, suy ngẫm và bằng cách của riêng mình hãy chia sẻ với những mất mát, khó khăn mà đồng bào miền Trung đang gánh chịu”.

3. Miền Trung/ Bao giờ em về thăm/ Mảnh đất nghèo mùng tơi không kịp rớt/ Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ/ Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ/ Không ai gieo mà trắng mặt người/ Miền Trung/ Eo đất này thắt đáy lưng ong/Cho tình người đọng mật/ Em gắng về/ Đừng để mẹ mong… Những câu thơ trích Trường ca Trầm tích của Hoàng Trần Cương với giọng đọc đầy tình cảm của cô Bống Hồng Nhung càng trở nên da diết trong tiếng đàn bầu của Hồ Hoài Anh. Nhiều người thốt lên sao miền Trung khổ dữ vậy… Không cầu kỳ, từng tiết mục diễn ra một cách mộc mạc như thế nhưng lại có sức lay động vô cùng.

Đêm nhạc khép lại bằng những câu hát quen thuộc: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì, em biết không, để gió cuốn đi…” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Người xem hài lòng vì mình đã được nghe những bài hát thực sự được hát bằng chính trái tim của những nghệ sĩ thực thụ và đây cũng là dịp để mỗi người tự nhìn lại xem tim mình đã bao lần thổn thức trước nỗi đau của người khác…

Đêm nhạc hội quyên góp được 1,2 tỉ đồng

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cho biết tổng số tiền quyên góp được tại đêm nhạc là 1,2 tỉ đồng, gồm ba khoản: khán giả mua vé, quyên góp tại chỗ và các nhà hảo tâm, doanh nghiệp chuyển qua tài khoản. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân không kìm được xúc động nói: “Tôi muốn khóc trước sự nhiệt tình của các ca sĩ. Ngoài 100 ca sĩ, nhạc sĩ tham gia vào chương trình, còn có rất nhiều ca sĩ khác xin đăng ký tham gia nhưng vì thời lượng chương trình không cho phép. Tôi vui vì chính lời ca tiếng hát của mình đã lay động những tấm lòng trắc ẩn và phần nào xoa dịu những nỗi đau của đồng bào”.

Khi lời ca, tiếng hát sẻ chia cùng đồng bào… ảnh 2

Các nghệ sĩ chung tay vì miền Trung. Ảnh: TTO

Vào 9 giờ tối 3-11, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức một đoàn ca sĩ, nhạc sĩ và phóng viên đến Hà Tĩnh và Quảng Bình để trao tận tay số tiền từ thiện này cho đồng bào miền Trung.

YÊN THẢO

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

(PLO)- Ngay sau thông báo về đợt casting, Nhanh như chớp nhí mùa 5 đã nhận được sự chờ đón nồng nhiệt từ quý khán giả, đặc biệt là từ các bậc phụ huynh có con nhỏ trong lứa tuổi tham gia chương trình.