Hoạ sĩ Nguyễn Doãn Sơn: Vẫn một mình với bức sơn dầu kỷ lục

Và hôm 22/11,bức tranh khổng lồ này đã trở lại với công chúng thủ đô với một diện mạo mới, hoàn thiện hơn tại 45- Tràng Tiền trong một triển lãm chung với các tác phẩm đoạt Tặng thưởng Bùi Xuân Phái.

Hoạ sĩ Nguyễn Doãn Sơn.
Hoạ sĩ Nguyễn Doãn Sơn.

5 tháng sau cuộc triển lãm đầu tiên, Doãn Sơn đã miệt mài bên giá vẽ để hoàn thành công trình này vào tháng 2/2010. Một mình với toan, màu và… giàn giáo cao ngất nghểu ở nhà gửi xe của một công ty, hoạ sĩ xứ Nghệ 33 tuổi này quả là có cái cần mẫn của “đồ Nghệ”, nhưng hơn cả là sự say mê và quyết tâm theo đuổi niềm đam mê sáng tạo… Với cách diễn tả theo từng mảng đa diện nhưng cô đọng, tác giả đã tái hiện được những hình ảnh không thể nào quên của những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội năm 1946, với những giao thông hào, trận chiến giá lá cà trong phố, với hình ảnh những chiến sĩ tự vệ, em bé giao liên,cô gái tiếp tế mang cả hoa vào chiến lũy, những giây phút cảm động giữa 2 trận đánh...

* Anh đã đi tìm nguyên mẫu cho các nhân vật trong bức tranh này ra sao?

Thế hệ tôi không sinh ra trong chiến tranh nên lớn lên chỉ thấy chiến tranh qua vỏ đạn, xác xe tăng, những câu chuyện kể và những gì được ghi chép, phản ánh qua sách báo, phim ảnh... Việc thể hiện những tác phẩm lịch sử đòi hỏi phải hư cấu và tưởng tượng và trong nhiều trường hợp, việc này mang đến ý nghĩa thẩm mĩ mới. Để thể hiện hình ảnh người mẹ tóc bạc lưng còng, bưng chiếcđèn dầu trên tayđi bên cạnh đứa con bị thương được dìu về nhà mình sau trận chiến cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh, tôi đã mất thời gian khá lâu nhưng vẫn không tìm được hình ảnh người mẹ như tưởng tượng, mà người đứng mẫu cũng rất khó tìm. Có lần, tôi đến chơi nhà người bạn ở Hà Đông. Tôi đứng ở ban công nhìn thấy nhà bên kia có bà cụ đang tưới cây. Cách ăn vận, búi tóc và dáng điệu toát lên dáng nét của người Hà Nội xưa và tôi bấm máy ảnh liên tục. Tôi đã bắt gặp nhân vật giữa đời thường tình cờ như thế...

Không muốn bỏ trống ngày nào trong 600 ngày tới

* Nhưng tranh khổ lớn từ những trích đoạn tranh ghép lại liệu có bị… khập khiễng?

Có nhiều người nhầm tưởng ghép các bức nhỏ thành bức lớn nhưng thật ra từ tranh tổng thể, tôi trích ra thành từng tranh riêng. Theo gợi ý của một thầy giáo, việc trích những hình ảnh khó để vẽ riêng trước lúc đưa vào bức tranh lớn sẽ thuận lợi hơn. Nhưng đến lúc “ghép” các tranh nhỏ này vào bức khổ lớn lại nảy sinh những vấn đề mới. Mỗi ngày lại có một công việc để giải quyết. Chẳng hạn, phải xử lý khoảng tối sáng, độ hài hòa về màu sắc, và có những nhân vật hay sự vật không còn đóng vai trò như mình mong muốn nữa khi đặt trong bức tranh lớn...

* Vì sao anh không vẽ phác thảo đen trắng rồi mới vẽ màu?

Mỗi họa sĩ có thói quen làm việc riêng. Tôi vẽ theo lối biểu hiện. Cũng có người chê nhưng tôi vẫn theo đuổi và đề ra phương pháp để đi theo con đường này. Tôi cho rằng, nếu vẽ đen trắng trước thì cũng không thể hiện được suy nghĩ của tôi. Tôi vẽ lần sau đè lên lần trước và dự kiến khi hoàn thành bức tranh thì vẽ qua 4 lớp. Thật ra, cũng có hoạ sĩ vẽ 4 lớp và tôi chỉ đi theo sao cho phù hợp với tác phẩm này. Tôi vẽ được lớp thứ nhất và thứ hai. 20 tuần nữa thì hết lớp thứ 3 và lớp thứ 4 thì 10 ngày/m2. Dự kiến vào tháng 9 sang năm, tôi vẽ xong. Lúc đầu, thấy khối lượng công việc đồ sợ, tôi sợ nhưng bây giờ tôi đã quen và mỗi ngày, tôi đều dành khoảng thời gian nhất định để vẽ đều đặn. Tôi quan niệm, không có cái đẹp hoàn hảo mà chỉ có cái này phù hợp hơn cái kia. Vì vậy, trong quá trình làm việc, tôi thấy cái nào phù hợp thì làm chứ không thể vẽ ngay là có phác thảo hoàn hảo. Tôi vẽ từ đơn giản đến phức tạp, từ thô đến tinh. Tôi không đợi chín chắn mới làm. Kinh nghiệm là do công việc đem lại. Vì vậy, nếu không đương đầu thì làm sao biết sẽ xảy ra những gì. Thực tế là người thầy nghiêm khắc nhất. Còn gần 600 ngày nữa, tôi cố gắng không để trống khoảng thời gian nào...

Tôi tự lo nên tự làm

* Chọn khổ lớn (2,15m x 9,3m), có phải vì anh muốn lập kỷ lục về tranh sơn dầu?

- Tôi quan niệm, việc vẽ giống như xây nhà. Xây nhà 2 tầng khác so với yêu cầu kỹ thuật nhà 5 hay 10 tầng. Vẽ to có giá trị biểu hiện cũng khác và đòi hỏi thể hiện phải có những khả năng kỹ thuật riêng để đáp ứng. Tôi chọn khổ lớn không vì mục đích lập kỷ lục mà chỉ nghĩ làm gì xứng đáng với sự kiện 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Nếu chỉ phong trào hay thành tích thì việc gì phải bỏ nhiều tiền và thời gian để làm như vậy.

Một trích đoạn bức tranh “Hà Nội chiến luỹ và hoa”
Một trích đoạn bức tranh “Hà Nội chiến luỹ và hoa”

* Với một công trình đồ sộ, việc tìm cộng sự để chia sẻ ý tưởng và hỗ trợ nhau là cần thiết. Sao anh vẫn vò võ một mình?

Thật ra, ban đầu, tôi chỉ nghĩ làm trong 3, 4 tháng với quy mô vừa phải. Sau, tôi thấy đề tài thuyết phục, và trong quá trình làm phác thảo, tôi thấy… nhiều lỗi nên cứ làm đến đâu sửa đến đó. Tự mình phải quyết định hình khối to nhỏ, màu sắc và đường nét của từng chi tiết, nghĩa là mình tự kiểm soát từng thứ một nên không nhờ được ai làm hộ. Lối vẽ của tôi cũng khó chia sẻ cùng ai. Nếu trước đây, tôi quan niệm cái đẹp nằm ở sự khéo léo trong sắp xếp màu sắc, bố cục…, thì bây giờ tôi nghĩ, cái đẹp nằm chính ở ý tưởng. Vả lại, nhờ ai thì cũng liên quan đến vấn đề tế nhị là kinh phí. Ngay cả nhờ học trò của tôi thì vẫn phải trả thù lao cho các em. Tôi tự lo nên tự làm.

* Anh đã được hỗ trợ kinh phí ra sao để thực hiện tác phẩm này?

Hoạ sỹ Nguyễn Doãn Sơn tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Công nghiệp; giải đồng hạng Philip Morrist 1998, giải Nhất Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô 2000. Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”. Đã tổ chức 2 triển lãm riêng tại Hà Nội.

Kinh phí thì… nhiều người chưa hiểu. Tôi đã làm bản tường trình về kinh phí cho bức tranh 21 m2 . Nếu chỉ chi phí cho sơn và bút thì chưa đến 40 triệu đồng. Nhưng tôi còn mua sách vở, đi các nơi tham quan chụp ảnh và chi phí làm phác thác trên giấy, làm triển lãm, rồi việc đóng khung khá phức tạp và lúc trưng bày cũng phải thuê vận chuyển… Chỉ riêng chi phí thuê mặt bằng để tranh vẽ thì mỗi tháng cũng mất 5 triệu đồng.

Mặc dù chưa có tiền tài trợ nhưng tôi vẫn quyết tâm làm. Tôi muốn đi tìm lối đi khác cho tranh lịch sử, để nó có đời sống trong sinh hoạt văn hóa xã hội. Thay vì kêu ca không có tiền và trách móc xã hội không quan tâm đến tranh lịch sử thì mình cứ cố gắng làm tốt trong khả năng của mình. Tôi gửi báo cáo đến Hội Mỹ thuật VN để Hội biết chứ không có ý đòi hỏi Hội phải đầu tư. Nếu Hội giúp được đến đâu thì càng tốt, không thì tôi vẫn làm. Tôi muốn làm tốt để gây tiếng vang và chiếm được cảm tình của công chúng trước đã. Khi chiếm được chỗ trong lòng công chúng thì hy vọng sẽ có nhà tài trợ. Tôi tin rằng tác phẩm có đời sống thực thì nhà tài trợ sẽ bỏ tiền tài trợ. Tác phẩm được công chúng đón nhận cũng có nghĩa sản phẩm của nhà tài trợ hay thương hiệu của họ được biết đến rộng rãi hơn. Tôi không muốn làm nghệ thuật cứ theo cái vòng luẩn quẩn: cho ít tiền thì chất lượng tác phẩm thấp và vì tác phẩm chất lượng thấp nên nhận được ít tiền…

* Cảm ơn anh và chúc anh thành công!

Theo Long Nghệ (TT&VH)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm