Hệ lụy từ những chiếc HCV: Hội diễn ở đâu, tai tiếng ở đó

Theo sau những chiếc huy chương ấy là lắm lời phê phán từ dư luận đến chốn hậu trường…

Cứ năm năm một lần giới nghệ thuật biểu diễn lại có một kỳ hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc do bộ quản lý văn hóa tổ chức. Tại đây, các đoàn nghệ thuật cùng lĩnh vực sẽ thi thố với nhau để tranh huy chương vàng, bạc… Số huy chương này có ý nghĩa rất quan trọng với nhiều đoàn nghệ thuật công lập của các tỉnh, thành khắp cả nước. Những tấm huy chương không chỉ là thành tích để các đoàn báo cáo với cấp trên nhằm xin kinh phí hoạt động hằng năm mà còn giúp những người quản lý đoàn, quản lý tỉnh nhà lên chức, lên lương. Thế nên kỳ hội diễn nào cũng có dư luận về việc các trưởng đoàn đi cửa sau với ban giám khảo để chạy huy chương vàng…

Lùm xùm chuyện cái huy chương

Ở hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc gần đây nhất (năm 2009), khi hội diễn kịch nói vừa kết thúc, báo chí đã lên tiếng mạnh mẽ chuyện mưa huy chương. Chính các nghệ sĩ đoạt huy chương vàng cũng phát biểu rằng cách rải huy chương ào ạt, dễ dãi của hội diễn là một sự xem thường, gây tổn thương họ... Quả thật, có những vở diễn chỉ mang tính giải trí đơn thuần, diễn xuất của diễn viên chỉ ở mức trung bình nhưng cũng nhận đến vài cái huy chương vàng, bạc. Đặc biệt, trước khi thi, ban tổ chức đã họp báo, rào trước đón sau, kể khổ rằng đã khống chế số huy chương rồi và không biết phải làm sao trước áp lực phải có huy chương của các đoàn. Bức xúc về hội diễn kịch nói chưa lắng xuống thì ở Hội diễn cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009 lại bùng lên sự phẫn nộ ghê gớm hơn. Chưa đến ngày trao giải mà người phụ trách các đoàn cải lương ở miền Tây như Bạc Liêu, Long An… đã níu phóng viên lại tố cáo rằng đã biết trước kết quả. Diễn viên thì tụ tập thành từng nhóm lớn tiếng bàn tán. Sau đó lãnh đạo Đoàn Tây Đô lên báo tuyên bố “không nhịn nữa”. Có sự căng thẳng như vậy vì năm 2009, số huy chương vàng cho vở diễn bị khống chế. Nỗi lo của các đoàn là đơn vị nào mạnh về tài chính sẽ chiến thắng đã thành sự thật. Không chỉ trong giới to tiếng mà khán giả đến rạp cũng lớn tiếng bức xúc. Sự tình ồn ào đến mức sau khi công bố kết quả, ban tổ chức phải mở một cuộc họp báo... Trước sự căng thẳng này, một số thành viên ban tổ chức, ban giám khảo cho là... cũng bình thường. Có vị còn bảo từng trải qua những kỳ hội diễn ghê gớm hơn, có khi còn đánh nhau vì kết quả và cảnh kiện cáo thường xuyên xảy ra sau hội diễn.

Hệ lụy từ những chiếc HCV: Hội diễn ở đâu, tai tiếng ở đó ảnh 1

Vở cải lương Trở về miền nhớ gây tai tiếng khi đoạt huy chương vàng tại Hội diễn cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009 vì có đạo diễn là trưởng ban giám khảo trong khi vở bị phê bình rằng dàn dựng không hợp lý, làm mất chất cải lương. Ảnh: HÒA BÌNH

Sau những ồn ào, những chiếc huy chương vàng cho vở diễn của các đoàn hay của cá nhân một số nghệ sĩ dù bị dè bỉu, tai tiếng đến đâu vẫn cứ là huy chương vàng, vẫn đi vào thành tích khi lên báo kể về bản thân hay dùng để xin danh hiệu NSND, NSƯT.

Lãng phí chồng lãng phí

Hàng chục năm qua, không thể đếm xuể số bài báo phản ứng chuyện lãng phí của các đoàn nghệ thuật công lập khi dựng vở đi thi ở hội diễn xong về xếp kho. Vậy nhưng đến kỳ hội diễn năm 2009, tình trạng này vẫn thế. Chẳng có mấy vở diễn của các đoàn công lập đến được với công chúng sau hội diễn. Hơn thế, để dễ lấy huy chương, các đoàn thường đầu tư kinh phí rất lớn cho vở tham dự hội diễn. Tại Hội diễn cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009, Đoàn Cải lương Đồng Tháp gây sốc với vở Trở về miền nhớ có kinh phí hơn 1 tỉ đồng. Mấy chục cái trống được huy động để tạo sự hoành tráng cho vở diễn nhưng lại thừa đến mức những diễn viên quần chúng phải ôm trống đứng thành hai hàng dài tràn xuống cả lối đi của khán phòng. Chưa bàn đến sự hay dở của vở diễn, với hình thức dàn dựng như thế, vở diễn khó tìm được một sân khấu phù hợp để đến với công chúng sau khi trở về từ hội diễn.

Đạo diễn - tác giả sân khấu Nguyễn Thị Minh Ngọc, người từng tham gia không ít hội diễn sân khấu với nhiều vai trò, kể lại mà rưng rưng: “Tôi từng nhiều lần xuống các tỉnh làm vở hội diễn, thấy tội nghiệp quá! Lương của diễn viên ở các đoàn tỉnh đâu bao nhiêu. Đời sống của họ còn khó khăn hơn bởi lãnh đạo đoàn nhín kinh phí hoạt động để dành làm vở lớn tham dự hội diễn. Vậy mà lãnh đạo đoàn lại mời những đạo diễn tên tuổi, có khi là đạo diễn thuộc ban giám khảo về dựng vở. Mời người nổi tiếng nên phải cơm nước, ăn ở sang trọng hằng ngày; phải có xe đưa xe đón, lo ăn nhậu, lo phong bì, vé máy bay… Nhưng những vở ấy diễn xong rồi bỏ chứ có được gì đâu trong khi những vở bình thường của đoàn khi dựng kinh phí thường thiếu trước hụt sau...”.

Không biết bao nhiêu lần giới nghệ sĩ đã yêu cầu đừng nên tổ chức hội diễn một cách lãng phí như trước nay nhưng mọi chuyện vẫn như cũ.

Đạo diễn Lê Hoàng “thỉnh cầu” ban giám khảo

Năm 2008, trước giờ khai mạc Liên hoan Sân khấu thể nghiệm toàn quốc, dư luận cả nước xôn xao khi báo chí đăng nguyên văn bức thư đạo diễn Lê Hoàng gửi ban giám khảo liên hoan như một lời thỉnh cầu. Trong thư, xưng là học trò, Lê Hoàng viết:

“Liên hoan sân khấu với các nghệ sĩ sân khấu trẻ là một cơ hội. Liên hoan sân khấu thể nghiệm càng là cơ hội lớn… Vậy mà em vô cùng thất vọng khi đọc danh sách ban giám khảo liên hoan sân khấu thể nghiệm này có năm người thì đều là năm người tuổi đã quá cao… Trong bất cứ ngành nào của đất nước lớp trẻ chẳng phải là lớp quyết định, lớp tiên phong, do đó là lớp cần lắng nghe và có tiếng nói. Nhưng thực tế thì sao? Đã bao nhiêu liên hoan sân khấu rồi những vị trong hội đồng giám khảo đều là những người già. Em xin nhắc lại lần nữa, em vô cùng kính trọng người già... Nhưng tuổi già phải có những hạn chế. Điều này khoa học và thực tế cuộc sống đã chứng minh…”.

Lá thư của Lê Hoàng như một giọt nước tràn ly trước thực trạng ban giám khảo các hội diễn luôn là những nghệ sĩ gạo cội lớn tuổi khiến cách chấm vở đi vào lối mòn, cản bước tiến của sân khấu nói chung. Không chỉ thế, nhiều nghệ sĩ lão thành ở các kỳ hội diễn vừa có chân trong ban giám khảo, lại vừa là đạo diễn dựng vở, viết kịch bản… cho nhiều đoàn dự thi. Vậy nên những huy chương vàng, bạc phần lớn đều rơi vào tay những vị vừa đá bóng vừa thổi còi này. Chính điều này dẫn đến tệ nạn “chạy huy chương vàng” bằng cách mời thành viên ban giám khảo dựng vở dự thi cho chắc ăn ở các đoàn.

Thật buồn khi nền sân khấu Việt Nam cứ thế quẩn quanh, cũ mòn ở đề tài và cách thể hiện khiến khán giả nhàm chán, các đoàn công lập không bán vé được. Càng buồn hơn khi các kỳ hội diễn cứ đến hẹn lại lên mà tiêu tốn một khoản ngân sách không nhỏ của nhà nước, các huy chương vàng cứ được rải như mưa để rồi chẳng tác động gì đến đời sống thực của sân khấu nước nhà.

Ì xèo chuyện ban giám khảo Hội diễn cải lương 2009

Kết quả Hội diễn cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009 đã gây nên sự bất bình, ồn ào. Nguyên nhân do vở cải lương tiền tỉ Trở về miền nhớ của Đoàn Cải lương Đồng Tháp (đạo diễn là NSND Doãn Hoàng Giang - kiêm Trưởng Ban giám khảo và tác giả là soạn giả Lê Duy Hạnh - kiêm Trưởng Ban chỉ đạo hội diễn) dù bị dư luận chê dàn dựng không hợp lý, làm mất chất cải lương vẫn được huy chương vàng. Tương tự, vở cải lương hoành tráng Dời đô của Đoàn Cải lương Đồng Nai (tác giả kịch bản: Lê Duy Hạnh) bị khán giả, báo chí chê dở cũng đoạt huy chương vàng.

HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm