GS Trần Văn Khê: Mong lúc xuôi tay, nhà tôi là thư viện

Thư viện GS-TS Trần Văn Khê hiện đặt tại tư gia của ông ở 32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Nằm trên lầu một của khuôn viên rộng rãi và yên tĩnh, căn phòng dùng làm thư viện chỉ đủ phục vụ cho 10 bạn đọc. Thư viện đã cơ bản hoàn tất xử lý nghiệp vụ nhưng GS Trần Văn Khê cũng trăn trở rất nhiều trước tâm nguyện đưa thư viện vào hoạt động.

Thư viện gắn với nhà lưu niệm GS Trần Văn Khê

. Các đầu sách ở đây có gì khác các thư viện khác, thưa giáo sư?

+ Hơn 6.000 đầu sách và hơn 4.000 đầu báo, tạp chí chủ yếu là tài liệu nghiên cứu âm nhạc được viết bằng tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Trung. Ngoài ra còn có khoảng 80 cuốn tự điển bách khoa, các sách nghiên cứu về thế giới tự nhiên, danh lam thắng cảnh…

. Trong số đó, những cuốn sách nào mà giáo sư đặc biệt yêu quý?

+ Đó là các quyển sách do hai người thầy của tôi tặng vào thời tôi làm luận án tiến sĩ ở Pháp. Trong đó, người thầy đầu tiên của tôi ở ĐH Sorbonne là thầy Jacques Chailley, dạy ngôn ngữ âm nhạc, tặng tôi hai cuốn L’imbroglio des modes (Những điều rắc rối trong quan điểm điệu thức) và Précis de musicologie (Những điều cần biết trong lĩnh vực âm nhạc học) đặc biệt hữu ích và quý giá. Hoặc là các quyển sách mà vào thời hàn vi tôi đã mua. Tất cả gắn với nhiều kỷ niệm. Chúng là những cuốn sách gối đầu giường của tôi và tôi xem như những người bạn thâm giao.

GS Trần Văn Khê: Mong lúc xuôi tay, nhà tôi là thư viện ảnh 1

Toàn cảnh Thư viện GS-TS Trần Văn Khê. Hiện có hai nhân viên Thư viện Tổng hợp TP.HCM vẫn tiếp tục đến xử lý nghiệp vụ số sách báo, tài liệu vào mỗi ngày tại thư viện. Ảnh: H.THU

. Từ đâu mà giáo sư có tâm nguyện chia sẻ thư viện riêng với bạn đọc?

+ Toàn bộ sách báo, băng đĩa ở thư viện hiện nay là những hiện vật gắn liền với đời sống cá nhân và nghề nghiệp của tôi. Tôi mong muốn sau khi mình nhắm mắt xuôi tay, căn nhà này trở thành nhà lưu niệm Trần Văn Khê, trong đó có thư viện.

Thiếu cả một hệ thống nhân sự vận hành

. Nguyên nhân nào thư viện không thể đi vào hoạt động sớm hơn mà phải chờ đến khi giáo sư nhắm mắt xuôi tay?

+ Đó cũng là mong muốn của tôi nhưng hiện tại còn có nhiều cái khó. Cần cả một hệ thống nhân sự để vận hành thì thư viện mới có thể đi vào hoạt động. Việc này nằm ngoài khả năng của cá nhân tôi. Mặc dù Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM đã hết sức hỗ trợ, mỗi ngày có 7-10 người đến nhà xử lý nghiệp vụ số sách báo, liên tục suốt hai năm nay nhưng công việc cơ bản hoàn thành, chứ chưa thực sự được xử lý rốt ráo cả số lượng băng từ, đĩa hát.

. Vì sao giáo sư không để lại thư viện cho các con của mình, thay vì dành cho mọi người?

+ Con trai lớn của tôi (GS-TS âm nhạc Trần Quang Hải - PV) cũng có số sách báo, tài liệu ở Pháp với số lượng tương đương của tôi. Chỉ quản lý sách báo của mình thì con tôi cũng đủ mệt rồi. Con trai kế là kiến trúc sư, không có sự quan tâm đặc biệt với lĩnh vực âm nhạc. Hai con gái đã lấy chồng, cũng không đủ khả năng tiếp quản thư viện. Thư viện và các tư liệu nghiên cứu là sự nghiệp tinh thần, tôi muốn để lại cho những người VN già trẻ tham khảo.

. Giáo sư có mong muốn gì đối với những bạn đọc sẽ tìm đến thư viện hay không?

+ Đây là nơi dành cho tất cả những ai muốn học tập, nghiên cứu nghiêm túc, nhất là trong lĩnh vực âm nhạc. Thực tế là trong mấy năm qua, có một số sinh viên nhạc viện làm luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ tìm đến, tôi đều sẵn lòng hỗ trợ tài liệu.

Phần lớn số sách báo, tài liệu tại thư viện GS-TS Trần Văn Khê được viết bằng ngoại văn, cần được dịch sang tiếng Việt mới có thể phục vụ đông đảo bạn đọc. Gần 200 bài viết nghiên cứu của GS về âm nhạc truyền thống cũng chỉ được viết bằng tiếng Pháp. Chưa kể khoảng 3.000 băng cassette, 700 đĩa hát, băng cối, băng từ, ông đã âm thầm nhờ người chuyển sang đĩa CD và DVD miệt mài từ bốn năm nay mà vẫn chưa xong; khoảng 30.000 bức ảnh tư liệu cũng cần được hiệu đính, chú thích, xếp loại…

HỒNG THU thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm