QUY HOẠCH NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN NGANG TẦM CHÂU Á

GS Hoàng Chương: 'Tôi thấy buồn cười lắm'

Chúng ta chỉ có thể phấn đấu được đối với một số loại hình nghệ thuật hiện đại. Không thể gói các loại hình nghệ thuật làm một rồi nhắm mắt làm một cách vô lý.

Bộ VH-TT&DL vừa công bố Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn (NTBD) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Quy hoạch được đưa ra sau một năm góp ý, tuy nhiên nội dung quy hoạch vẫn khiến nhiều đại biểu, chuyên gia lo ngại ở tính khả thi trong thực tiễn.

Không thể gói các loại hình khác nhau vào rồi đặt tiêu chí phấn đấu

. Phóng viên: Ông nghĩ gì về một số mục tiêu của quy hoạch như định hướng đến năm 2030, Việt Nam “phấn đấu đưa NTBD có vị trí vững chắc trong khu vực và châu Á”?

+ GS Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc: Tôi thấy buồn cười lắm, bởi vì có thể so sánh nền kinh tế Việt Nam đến năm 2030 phát triển như thế nào. Kinh tế phát hiện rõ, văn hóa không phải thế, văn hóa là cái gì đó phi vật thể, không nhìn thấy được. Nó vừa cụ thể vừa trừu tượng, ta không thể nhìn thấy được như một mặt bằng kinh tế.

Mỗi dân tộc có một nền nghệ thuật riêng, trong NTBD có cả nghệ thuật truyền thống mà loại hình đó có bước đi rất chậm. Chúng ta chỉ có thể phấn đấu được đối với một số loại hình nghệ thuật hiện đại, ví dụ như có thể phấn đấu đến năm 2030 đưa Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam ngang hàng dàn nhạc giao hưởng của Tokyo thì được. Không thể gói các loại hình khác nhau vào làm một rồi đặt ra tiêu chí phấn đấu cho nó.

. Vậy theo ông, vì sao một quy hoạch lớn như thế lại không tìm được tiếng nói đồng thuận cao?

+ Vì rõ ràng họ làm không mời chuyên gia như chúng tôi nói. Họ nhắm mắt làm một cách vô lý như thế thì ai chấp nhận được.

Nhà hát Kim Mã được đầu tư lớn, thời gian xây dựng lâu… nhưng hiện ít khi sáng đèn và khuôn viên phía trước đã được cho thuê để bán cây cảnh. Ảnh. V.THỊNH

Ăn cơm nhà vẫn viết ra tác phẩm hay

. Quy hoạch cũng đưa ra mục tiêu trong năm năm tới, Việt Nam sẽ có các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, quảng bá không chỉ trong nước mà cả ở quốc tế?

+ Mục tiêu này cũng không khả thi. Năm 1973 tôi về nước được đưa về làm đạo diễn đoàn tuồng Liên khu 5, bây giờ là Nhà hát tuồng Đào Tấn. Tôi dựng vở Trưng Nữ Vương của tác gia Tống Phước Phổ và Lưu Trọng Lư, vở đó năm nay Liên hoan sân khấu tuồng Tống Phước Phổ thì có tới bốn đơn vị đều dựng lại. Thế thời đó có phát động năm năm hay 10 năm để có tác phẩm hay hay không, dĩ nhiên là không mà vẫn có tác phẩm đỉnh cao đó thôi. Vấn đề nó không nằm ở việc phát động, nó nằm ở chỗ khác.

. Vậy là chỗ nào, thưa ông?

+ Phát động trước hết phải tìm được tài năng, phải đầu tư cho một hoặc hai tài năng chứ không phải đầu tư đại trà. Đầu tư đại trà như phấn đấu xây dựng một nhà máy thì không phải. Không bao giờ NTBD lại tính theo năm, lúc nào cũng tìm trong tài năng đó, đầu tư tài năng đó. Chúng ta cào bằng hàng mấy chục năm nay. Chúng ta mở bao nhiêu trại sáng tác nhưng không có tác phẩm đỉnh cao. Ngày xưa những tác giả nổi tiếng với những tác phẩm đỉnh cao họ tự ăn cơm nhà viết ra tác phẩm đấy chứ. Vì họ có tài, có tâm huyết.

Nhà hát sang trọng có đêm chỉ có hai khán giả

. Quan điểm của ông về việc quy hoạch NTBD thì nên như thế nào?

+ NTBD không nên có giai đoạn này, giai đoạn khác. Phải phấn đấu đừng biến kế hoạch của NTBD trong đó có rất nhiều loại hình nghệ thuật như một kế hoạch phát triển kinh tế. Không nên đổ đồng, rập khuôn.

. Tại buổi công bố nhiều nhà hát cũng “kêu” việc chưa có nhà hát, ông nghĩ đó cũng là việc quy hoạch phải quan tâm không?

+ Tôi đã sang nghiên cứu từ Mỹ đến Đức, Pháp… thì thấy không phải là dựng nhà hát to như thế mới là nước phát triển về nghệ thuật. Họ chỉ có những nhà hát to, mang tính chất biểu trưng cho một văn hóa thủ đô như Nhà hát lớn Hà Nội chẳng hạn. Chạy đua xây dựng nhà hát nhiều, hiện đại theo tôi không cần. Hãy sử dụng những nhà hát đang có, trang bị nó lên. Đoàn nghệ thuật nào chưa có nhà hát riêng cho mình cũng nên xây dựng cho họ một nhà hát. Hà Nội xây dựng thêm Nhà hát Công Nhân, Kim Đồng, Đại Nam nhưng không thể sử dụng hết, đa phần là đóng cửa và cho thuê dịch vụ. Nhà hát biểu diễn rất cần cho các đơn vị biểu diễn chuyên nghiệp thì phải lo nhưng có rồi lại sử dụng không hết công suất. Nhà hát Hồng Hà là nhà hát sang trọng nhưng diễn có tối chỉ có hai khán giả thôi, tôi đã chứng kiến rồi.

. Theo ông, vì sao các nhà hát đó lại rơi vào tình trạng bị lãng phí như vậy?

+ Nguyên nhân một phần vì tác động của cơ chế thị trường. Nghệ thuật thương mại tấn công nghệ thuật truyền thống. Kéo lực lượng khán giả trẻ về giải trí thông thường. Về chủ quan thì nghệ thuật chưa đủ sức thuyết phục họ. Vì thế cốt lõi là phải làm sao nghệ thuật đủ sức thuyết phục, làm cho họ cảm thấy đêm diễn thực sự có ích đó mới là việc nên làm.

. Xin cám ơn ông.

NSND LÊ TIẾN THỌ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam:

Lấy tiêu chí chỉ để vươn tới hội nhập?

GS Hoàng Chương: 'Tôi thấy buồn cười lắm' ảnh 3
Quy hoạch lần này có nhiều cái mới, đánh giá được tiềm năng phát triển của khu vực, vùng miền. Tuy nhiên, điều chưa thỏa mãn chính là chưa có thời gian thực hiện giải pháp cụ thể. Đề án hỗ trợ ngân sách cho sáng tác tác phẩm chất lượng cao phải đến năm 2019 mới xong. Nếu chúng ta không có giải pháp cụ thể thì tôi tin rằng chỉ năm năm nữa chúng ta lại triển khai một quy hoạch khác. Nếu là kỹ thuật thì vươn tới hội nhập, còn với các loại hình nghệ thuật lấy tiêu chí gì để nói rằng vươn tới sự hội nhập, để so sánh là tầm khu vực và châu Á? Trong khi các loại hình nghệ thuật truyền thống thì lại luôn chú trọng việc gìn giữ bản sắc.

TS nghệ thuật học PHẠM THỊ THÀNH:

Làm cho nghệ thuật truyền thống trở nên lai căng

GS Hoàng Chương: 'Tôi thấy buồn cười lắm' ảnh 4
Rõ ràng trong NTBD bao gồm cả nghệ thuật truyền thống, nếu cứ đem nghệ thuật truyền thống đi so với khu vực và thế giới thì không những không phù hợp mà còn có thể làm cho nghệ thuật truyền thống trở nên lai căng. Với nghệ thuật truyền thống, mỗi dân tộc lại có những bản sắc riêng, không hề giống nhau. Ví dụ, nghệ thuật múa rối của chúng ta chẳng hạn, tại sao lại được khách quốc tế yêu quý như thế, vì nó là nét riêng, độc đáo, mang bản sắc của dân tộc ta, nếu lại đem múa rối đi so với các nước thì so như thế nào được.

Về mục tiêu tác phẩm đỉnh cao cũng thế, theo tôi chỉ có thể xuất hiện những tác phẩm xứng tầm như mục tiêu đề ra ở các loại hình như kịch nói. Còn rộng ra, quan điểm của tôi thì NTBD ở Việt Nam nó cứ bằng bằng mà lại đem so như thế tôi thấy không thể được.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm