Gặp lại Ba Cẩn của “Biệt động Sài Gòn”

Nổi tiếng với vai Ba Cẩn của "Biệt động Sài Gòn" gần 30 năm trước, ông lại hoá thân vào một nhân vật lấy nguyên mẫu từ Năm Cam.

Nổi danh sau nhân vật phản diện với tên Ba Cẩn khét tiếng trong phim Biệt động Sài Gòn cách đây gần 30 năm trước, diễn viên Hai Nhất khẳng định đó là vai diễn để đời trong số hàng trăm bộ phim ông đã tham gia. Sau từng ấy năm, giờ mái tóc đã điểm bạc pha sương, ít ai nghĩ Hai Nhất lại quay trở lại màn ảnh cũng với vai diễn phản diện (nguyên mẫu Nam Cam) trong phim "Những đứa con biệt động Sài Gòn".

Gặp lại Ba Cẩn của “Biệt động Sài Gòn” ảnh 1

+ Nối tiếng với vai Ba Cẩn của Biệt động Sài Gòn. Nghệ danh lại là Hai Nhất, không ít người nhầm tưởng ông là người Nam bộ?

- Đúng vậy (cười), ít ai biết tôi là người người gốc Ninh Bình. Ở nhà tôi là con cả, tên thật là Nguyễn Mai A nên khi theo nghề diễn, quyết định lấy nghệ danh Hai Nhất. Bộ phim đầu tiên tôi tham gia là Thành phố tình yêu do Trần Phương đạo diễn quay cách đây đã 35 năm. Sau đó là phim Hòn đất (đạo diễn Hồng Sến) nhưng phải đến phim Biệt động Sài Gòn (đạo diễn Long Vân) tôi mới được nhiều người biết đến qua vai Ba Cẩn. Quả thực, sau vai diễn này, tôi nổi tiếng nhưng ai cũng nghĩ tôi là người Nam bộ. Điều này khiến tôi rất vui, vì sau từng ấy năm lăn lộn với nghề diễn, giờ tôi đã có một gia đình lớn với vợ và 7 người con đều đã trưởng thành và sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh. Điều khiến tôi vui nhất là có cậu con trai cũng nối nghiệp diễn, đó là Thành Đạt (từng đóng phim Hương phù sa cùng bố). Tôi vẫn luôn dạy con một điều rằng làm nghề này thắng không kiêu mà bại cũng chẳng nản lòng. Có khi cả đời mình chỉ cần một vai diễn thành công là đủ. Còn tiếng tăm, danh vọng chỉ là phù du…

Điều tôi tự hào và thấy mình may mắn nhất, đó là giờ đây, đi đâu, khu vực miền Tây Nam Bộ, người ta cũng gọi tôi là Bảy Xoài, thay vì nhớ đến Ba Cẩn ngày xưa

+ Sau gần 30 năm, khán giả vẫn nhớ vai Ba Cẩn trong phim Biệt động Sài Gòn do Hai Nhất đảm nhận. Tuy nhiên, đây lại là nhân vật đại ác, theo ông, vì sao vai diễn này lại có sức sống lâu bền như vậy?

- Điều quan trọng là bộ phim có sức sống mãnh liệt, tất cả những nhân vật trong bộ phim khán giả đều nhớ chứ không riêng gì vai Ba Cẩn. Hồi đóng phim này tôi mới 35 tuổi, trẻ và đầy nhiệt huyết. Thú thực ngày xưa làm phim không như bây giờ, một bộ phim quay mấy năm trời, từ đạo diễn đến diễn viên đều chăm chút, cẩn trọng và tỉ mỉ đến từng chi tiết.

+ Sau gần 20 năm vắng bóng trên màn ảnh, nhiều người nghĩ ông đã “rửa tay gác kiếm”, vui tuổi già với con cháu. Vì sao ông lại tái xuất với nghệ thuật thứ bảy?

- Vắng bóng trên màn ảnh nhưng tôi không có nghĩa tôi không làm gì liên quan đến nghệ thuật. Có thể nói tôi một trong những người lập hãng phim tư nhân đầu tiên ở Việt Nam, thậm chí manh nha ý tưởng lập phim trường nhưng sự cạnh tranh quá khốc liệt khiến tôi rút lui. Trong số hơn 100 vai diễn đã từng tham gia, tôi đóng rất nhiều vai phản diện nhưng quả thực khi đọc kịch bản phim Những đứa con biệt động Sài Gòn, trong đó có vai Bảy Xoài (được phân do tôi đảm nhiệm) khiến tôi rất thích. Quả thực những người làm nghề như tôi, tìm được kịch bản hay như kịch bản này rất quý. Nhưng đọc kịch bản tôi cũng có phần e ngại, thứ nhất nhân vật Bảy Xoài - nguyên mẫu Nam Cam, thứ hai tôi cũng đã già. Thế nhưng, đã quyết là làm, với kinh nghiệm của mình, vai diễn của tôi được đánh giá rất thành công.

Sau khi phim được chiếu trên đài truyền hình Vĩnh Long và Bình Dương, đi đâu khán giả cũng gọi tôi là Bảy Xoài hết. Tôi thấy vai Ba Cẩn trong Biệt động sài gòn là vai diễn để đời, nhưng không ngờ đến tuổi này, tôi lại có thêm một vai để đời nữa là Bảy Xoài- đây là niềm hạnh phúc quá lớn với một diễn viên ở tuổi tôi. Thú thực, vai Bảy Xoài khác với Ba Cẩn ở chỗ nó được nhiều đối tượng khán giả biết đến, từ đứa trẻ 5-7 tuổi đến người già. Bây giờ tôi chỉ mong là bộ phim sẽ mau chóng được chiếu cho khán giả phía Bắc xem.

+ Nghe nói đoàn làm phim rất khó khăn, ông vào một vai diễn nặng ký như vậy, tiền cát-xê của ông chắc cũng cao?

- So với các diễn khác trong đoàn, tôi được trả cát xê cao nhất, một tập phim là 3 triệu quay trong 8 ngày. Chi phí cho việc đi lại cũng kha khá nên số tiền mang về sau khi phim đóng máy cũng không nhiều. Thật ra, thế hệ chúng tôi chưa bao giờ so đo, đong đếm cát-xê phải bao nhiêu, thế nào mới xứng tầm, xứng công sức mà chỉ trọn vẹn một tình yêu với điện ảnh, lúc nào cũng nghĩ rằng đã nhận vai diễn thì phải làm tới nơi, tới chốn, không thể qua loa, đại khái được.

Gặp lại Ba Cẩn của “Biệt động Sài Gòn” ảnh 2
  Bảy Xoài (vai diễn mới của Hai Nhất sau gần 20 năm) còn tàn độc hơn vai Ba Cẩn

+ Thêm một vai diễn “để đời”, ông cho rằng đó có phải là may mắn?

- Đúng là tôi may mắn hơn các diễn viên cùng thế hệ với mình, nhưng tôi cho rằng, để vai diễn được thành công, chính bản thân người diễn viên cũng phải nỗ lực hết mình, cùng với đó là các yếu tố khác như kịch bản hay, đạo diễn giỏi… Khi nhận vai diễn này, tôi chỉ nghĩ đơn thuần nó là một kịch bản hay và một phần vì tình bạn giữa tôi và đạo diễn Long Vân, thật không ngờ trong cuộc đời diễn viên của tôi lại có thêm Bảy Xoài- tàn độc và khủng khiếp nữa, một vai diễn còn ghê gớm hơn cả Ba Cẩn ngày xưa.

Điều tôi tự hào và thấy mình may mắn nhất, đó là giờ đây, đi đâu, khu vực miền Tây Nam Bộ, người ta cũng gọi tôi là Bảy Xoài, thay vì nhớ đến Ba Cẩn ngày xưa.

+ Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Theo Hồng Hà (Tổ quốc) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm