Đua nhau boléro

Không phải đợi đến khi chương trình Duyên dáng Việt Nam 23 tôn vinh thì dòng nhạc boléro (khái niệm gần đây được dùng để chỉ chung những tác phẩm trước 1975 ở miền Nam) mới khẳng định giá trị của mình. Trước đó, nhiều ca sĩ như Ngọc Sơn, Phương Thanh, Cẩm Ly... vẫn đều đặn hát boléro, phát hành album riêng được công chúng nhiệt tình đón nhận.

Năm tháng thăng trầm

Có lẽ không có dòng nhạc nào tại Việt Nam đạt đến độ phổ biến rộng rãi như boléro - xuất hiện ở những sân khấu lớn, sang trọng nhất đến những tụ điểm nhỏ nhất. Từ quan chức, trí thức đến tầng lớp bình dân, thậm chí các nhà sư, linh mục... cũng biết và hát boléro. Lý do thật đơn giản: Dòng nhạc này không yêu cầu quá nhiều kỹ thuật, không đòi hỏi người biểu diễn phải qua trường lớp đào tạo hay các nhạc cụ chuyên biệt. Thứ duy nhất mà nó yêu cầu là cảm xúc của người hát và người nghe. Sự thành công của một ca sĩ hát boléro có thể được xác định chỉ sau một câu mở đầu - nếu khán giả không vỗ tay, xem như tiết mục không đủ hấp dẫn.

Đua nhau boléro ảnh 1

Ca sĩ Mạnh Đình tham gia chương trình Duyên dáng Việt Nam 23 bằng những ca khúc boléro. Ảnh: Việt Cường

Tuy chiếm được cảm tình của đông đảo người hâm mộ, đã có một dạo boléro phải chấp nhận lùi bước trước các dòng nhạc khác. Sau 1975, boléro gần như bị khai tử khỏi đời sống văn nghệ chính thức, chỉ còn tồn tại lẩn khuất trong những cuộn băng cassette, trong ký ức của mọi người để những lúc vui buồn mang ra hát cho nhau nghe. Mãi đến đầu thập niên 1990, sự ra đời và thành công lớn của loạt vidéo Mưa bụi đã giúp boléro được nhìn nhận lại giá trị. Những ca khúc cũ dần được tái phát hành dù rất nhỏ giọt theo sự ngẫu hứng của các cơ quan chức năng. Những năm cuối thế kỷ, chuyển sang thiên niên kỷ mới, trào lưu hip-hop, dance, nhạc lai Hoa... phát triển mạnh mẽ cộng với những định kiến cũ, boléro lại phải nhường sân trong sự miệt thị của nhiều tác giả tên tuổi, tự thấy mình hàn lâm, bác học. Boléro bị đánh đồng với “nhạc sến” theo cái nghĩa là chẳng tốt đẹp gì.

Nhưng boléro vẫn cứ sống trong lòng những người thương yêu nó.

Tiếng ca thân phận

Những trào lưu đi qua, số lượng sáng tác mới tuy nhiều nhưng không đạt chất lượng mong muốn, hàng loạt ca sĩ hẫng hụt khi không biết phải hát gì đã tìm về với boléro. Chỉ trong vòng hai tháng đã có đến sáu album nhạc xưa được phát hành và dù không phải tất cả đều là boléro vẫn được gọi tên là đĩa boléro. Cuộc tình đã mất (Dạ khúc cho tình nhân 4) của Đàm Vĩnh Hưng, Hoàng tử trong mơ của Thanh Thảo, đến của Triệu Trang, Lặng của Thành Lê, Từ lúc em đi của Mỹ Dung hay Khúc tình xưa của Lệ Quyên đều gây được những tiếng vang nhất định. Có thể sự thành công của các đĩa nhạc mới chỉ đơn thuần nằm ở những tiểu tiết như chuyện Thanh Thảo chụp ảnh 3D, Lệ Quyên tự tay chép ca từ bằng mực tím, Mỹ Dung đổi nghệ danh thành Mỹ Dzung... song có lẽ đúng như Đàm Vĩnh Hưng đã nói - 2011 sẽ là năm của boléro. Thi sĩ Đỗ Trung Quân thì xác nhận boléro chính là tình cảm, tình đời dẫy đầy trong cuộc sống, gắn liền với tầng lớp bình dân chiếm tuyệt đại đa số trong xã hội nên dễ được đồng cảm.

Khi tiếng nhạc techno, dance xa lạ không nói được lòng dân, những ca khúc lai Hoa, lai Hàn không thống trị được tâm thức Việt, người ta đã phải nhìn lại mình để biết đâu là cái dành cho bản thân. Sẽ còn nhiều điều phải bàn trong chất lượng của những đĩa nhạc mới phát hành nhưng ít nhất qua chúng khán giả đã nghe được những tiếng nói thân quen tưởng chừng đã mất.

Thắng lợi của Tuấn Vũ, Hương Lan tại Nhà hát lớn Hà Nội hay những đêm nhạc xưa của Đàm Vĩnh Hưng có thể khiến nhiều người không hài lòng nhưng đã cho thấy sức mạnh của một dòng nhạc thuộc về nhân dân. Những ngày sắp tới, khi các nghệ sĩ hải ngoại tiếp tục mang boléro về với quê nhà và các đĩa nhạc tiếp tục được phát hành, sự trỗi dậy của boléro sẽ là điều tất yếu.

 CLB Boléro tại TP.HCM quy tụ một lượng lớn trí thức, doanh nhân - những thành phần ưu tú của xã hội mà không ít trong số họ xuất thân từ phong trào sinh viên đô thị từng góp phần vào dặm trường thống nhất đất nước. Giờ đây, khi tóc đã ngả màu, họ đến với nhau để hát về nhân tình thế thái. Những đĩa nhạc boléro của các thành viên CLB Doanh nhân hát vẫn cứ đều đặn phát hành mà theo lời nhà sản xuất Phương Nam Film là “bán chạy đến ngạc nhiên”.

- Tôi không nghĩ boléro đang trở lại mà chỉ là đã đến lúc người ta nhận ra giá trị của nó. Những tác phẩm chất lượng thuở xưa, sau sự thử thách của thời gian vẫn tiếp tục được công chúng đón nhận trong một hình thức mới - qua tiếng hát của những giọng ca trẻ cho thấy cái gì đẹp, giản dị, phù hợp sẽ tồn tại. Thuở ấy, chỉ một cái nắm tay cũng đủ thành tác phẩm, một lần trễ hẹn chiều mưa cũng đủ là kỷ niệm để đời. Lãng mạn nhưng không sướt mướt, yêu lắm nhưng không có hận thù. Đó chính là những cái khiến boléro được yêu thương.

Nhạc sĩ TIẾN LUÂN

TRẦN PHONG LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm