Cuộc sống ‘lập dị’ của người Amish

Vào ngày cuối thu tháng 11, trời se lạnh khoảng 50 độ F, tức khoảng 9 độ C, tôi đưa cô sinh viên từ Việt Nam mới sang lên vùng thảo nguyên, nơi có một cộng đồng dân cư đặc biệt, nơi có cuộc sống giản đơn, thô sơ tồn tại trong lòng một xã hội tân tiến bậc nhất của thế giới: cộng đồng người Amish.

 Cổng chào đầu làng Amish.

“Sự cố” nhỏ giữa đường

Xe chạy băng qua những cánh đồng bắp màu vàng úa, sau mùa thu hoạch chỉ còn trơ lại gốc. Xen lẫn giữa màu vàng úa của cánh đồng bắp lại là những thảo nguyên cỏ trải dài hút tận chân trời. Sau gần hai giờ đồng hồ băng qua những cung đường quanh co, tiếp nối bởi những cánh đồng thảo nguyên và núi rừng, chúng tôi vào đường East 62, chuẩn bị đến làng Amish.

Tuy nhiên khi gần đến, một sự cố nhỏ đã xảy ra. Một xe bán tải nhỏ chắn ngang đường. Người phụ nữ có lẽ là chủ nhân của chiếc xe bán tải chạy đến xe tôi ra hiệu rằng có một cây to ngã chắn ngang con đường sâu trong hẻm núi, khiến xe cộ không thể lưu thông trên đường East 62 này mà phải vòng qua ngả rẽ khác để đến nơi cộng đồng Amish sinh sống.

Thầm cảm ơn người phụ nữ tóc vàng làm thay công việc của cảnh sát giúp chúng tôi tiếp kiệm chút thời gian, vòng ngược lại cung đường khác mất thêm nửa giờ chạy xe, chúng tôi cũng đến được Holmes County, nơi có ngôi làng người Amish sinh sống.

Phương tiện đi lại chính là xe ngựa

Cuộc sống ‘lập dị’ của người Amish ảnh 2

 Những chiếc Buggy - xe ngựa là phương tiện di chuyển chính và gần như duy nhất của người Amish.

Đầu làng là nơi tập trung những gian hàng bán đồ gia dụng, tất cả đều là thủ công mỹ nghệ làm từ gỗ và da của bò, ngựa, cừu. Có khá nhiều xe hơi của những người du lịch từ Columbus, Cleveland ở Ohio và những bang xung quanh đến chơi, mua sắm, tìm hiểu con người và cuộc sống lập dị nơi đây. Nói lập dị cũng đúng bởi cuộc sống nơi đây khác hẳn với thế giới văn minh. Nhưng nói cuộc sống giản đơn có lẽ đúng hơn.

Trong bãi đậu xe, xen lẫn những chiếc xe hơi mới cáu cạnh là những chiếc Buggy -xe ngựa - phương tiện di chuyển chính và gần như duy nhất của người Amish.

Chủ nhân ở đây là những người đàn ông râu dài rậm rạp, trong bộ quần áo ghi lê màu đen, hoặc đóng thùng có dây quai đeo hai bên rất chỉnh tề khuôn mẫu. Chủ nhân chiếc xe ngựa cũng có thể là cô gái nhỏ má hồng hồng trong bộ quần áo như những cô gái vắt sữa bò ta thường thấy trên quảng cáo tivi.

Bụng khá đói, tôi và cô sinh viên mỗi người tự chọn cho mình một khay thức ăn bày bán sẵn. Cô bé ồ lên khi thấy giá quá rẻ, đã vậy trên tờ hóa đơn không tính thuế như những hóa đơn thường ngày ta gặp “dưới xuôi".

Ngồi vào bàn ăn có sẵn, tôi lấy điện thoại để “search” vài thông tin thêm về người Amish, hỏi thêm vài cư dân nơi đây, tôi có cái nhìn rõ hơn về nguồn gốc lịch sử cũng như cuộc sống giản đơn của chính họ. Đồ ăn của người Amish thiên về rau quả và các chế phẩm từ sữa như cheese. Người Amish trên đất Mỹ có nguồn gốc từ người Thụy sỹ và Đức. Vào thế kỷ 18, khi phương tiện vượt biển bằng tàu thuyền phát triển, người Amish di cư sang Mỹ, Canada, nơi những thảo nguyên với đất đai màu mỡ, bao la rộng lớn. Họ không dùng máy móc, nông cụ hiện đại chạy điện hoặc xăng dầu. Trong nhà, họ không dùng máy giặt, máy sấy mà giặt tay và phơi quần áo trên dây ngoài sân vườn. Họ không dùng điện thoại, ô tô, nhà không có điện mà thắp nến. Đốt lò sưởi vào mùa đông thay cho máy sưởi ấm bằng điện. Họ không sử dụng tivi để giải trí mà chỉ giao tiếp với nhau trong cộng đồng, không có tủ lạnh hay bếp điện, tất cả phương thức chế biến thức ăn đều thô sơ như đốt củi trong lò.

Trường học chỉ một phòng học

Trong cụm dân cư có một trường học và trường học chỉ có một lớp học hay nói đúng hơn là chỉ một phòng học! Có lẽ vì không dùng công nghệ nên đối với các em, không học môn khoa học kỹ thuật để làm gì, cũng chẳng cần học kinh tế để làm giàu, vì thế giáo lý là thứ quan trọng và có lẽ duy nhất các em học và lớp 8 là lớp cuối cùng trong trường học.

 Trường học duy nhất giữa thảo nguyên, chỉ có một phòng học! 

Khi chúng tôi dừng lại bên ngoài một ngôi trường cũng là lúc các em nhỏ ra chơi. Bé gái có “đồng phục” của bé gái, bé trai cũng vậy, rất lịch sự nhưng vô cùng đơn điệu. Chúng cười đùa nô giỡn và chơi trò chơi giống như là đuổi bắt. Thấy chúng tôi, các em nhỏ vẫy tay chào. Nhưng khi tôi đưa máy lên chụp, các em khoa khoa tay, tỏ ý không được phép chụp ảnh. Được biết ngôn ngữ giao tiếp chính trong gia đình và cộng đồng của họ là tiếng Đức. Tuy nhiên, giao tiếp với bên ngoài lại hoàn toàn bằng tiếng Anh-Mỹ.

Tiếng kẻng vang lên khi tôi đang ngồi trong xe nhìn các em học sinh vui đùa trong sân trường. Các em trật tự, từng em một bước vào lớp học, không quên vẫy chào tôi với nụ cười trên đôi má đỏ hồng sau trò đuổi bắt.

Không có chỗ cho chủ nghĩa cá nhân

Với cách sống giản đơn, nhẹ nhàng, quây quần với thiên nhiên, với làng xóm cộng đồng, chủ nghĩa cá nhân không có chỗ trong cộng đồng người Amish. Mặc dù rất sùng đạo nhưng họ không có nhà thờ, thay vào đó vào mỗi Chủ nhật cả cộng đồng vài chục gia đình đến nhà này hoặc nhà kia một cách luân phiên. Họ phản đối bạo lực cho nên họ không bao giờ tham dự vào cuộc chiến nào của nước Mỹ. Tuy nhiên, họ vẫn làm các công việc thiện nguyện trong chiến tranh như cách để hàn gắn vết thương xung đột.

Một cửa hàng bán hàng cho du khách của người Amish. Cửa hàng này có điều đặc biệt là có dùng hệ thống tính tiền quản lý bằng điện tử để tiện lợi cho du khách.

Tôi thắc mắc về việc cưới xin thì được biết khi trong cộng đồng có một cặp cưới nhau, cả cộng đồng chung tay xây dựng một ngôi nhà cho cặp vợ chồng mới cưới. Vào mùa thu hoạch, họ lại đi làm chung đổi công cho nhau trên những cánh đồng lớn vào vụ mùa. Họ gần như sống trọn đời với nhau, hiếm khi xảy ra li dị, tuy nhiên nếu có li dị họ không đi thêm bước nữa, nếu như người chồng cũ hay vợ cũ còn sống. Chắc có lẽ vì vậy mà họ chẳng dại gì mà bỏ nhau?!

Thế còn khi bệnh tật thì sao? Họ không có bệnh viện hay máy móc hiện đại, khi có bệnh tật vặt vãnh thì tự cứu chữa là chính theo các phương cách truyền thống. Nhưng cũng may vì họ đi xe ngựa, dùng đồ thô sơ nên không có tai nạn nặng nề. Tuy nhiên, nếu có bệnh nặng, tất cả cộng đồng góp tiền đưa người bệnh vào bệnh viện để chữa.

-------------------

 Hai bé gái điều khiển Buggy trên đường đi học về.

Tạm biệt Amish, Holmes County, xe tôi quay về lại Columbus, Ohio. Trên đường về, quãng đường bị cây đổ lúc sáng gây kẹt đường đã được dọn sạch. Vượt qua một chiếc xe ngựa Buggy, tôi thấy hai bé gái chừng 12-15 tuổi điều khiển chú ngựa đang đi về nhà, có lẽ là từ lớp học gần đó. Các em đâu cần bằng lái để lái xe ngựa đâu, vì các em không chụp hình mà, tôi mỉm cười với ý nghĩ hài hước trong đầu và ngoái nhìn hai em nài ngựa rẽ vào triền núi.

Dòng chảy xã hội thế giới vận động không ngừng, phần lớn loài người lao động tạo của cải vật chất hiện đại để hưởng thụ nên xu hướng là tôn thờ chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa cá nhân, xung đột, giết chóc thậm chí khủng bố. Hôm nay đây, sau chuyến đi này, tôi thấy được một dòng chảy khác, dòng chảy của những tâm hồn trong sạch, giản đơn của một cộng đồng yêu thương gắn bó vượt lên ham muốn vật chất, tham vọng tầm thường để bảo vệ giá trị văn hóa cao đẹp, bảo vệ môi trường sống an lành, gần gũi thiên nhiên, làm phong phú bức tranh cuộc sống đầy màu sắc dù tưởng chừng tẻ nhạt không son phấn nhưng không đố kỵ, oán ghét.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm