Cuộc sống có nhiều “Điều kỳ diệu”

Trên các kênh truyền hình hiện nay không thiếu những chương trình truyền hình mang ý nghĩa nhân đạo: Vượt lên số phận, Ngôi nhà mơ ước, Vượt lên chính mình, Chắp cánh tương lai… Mỗi chương trình mang một thông điệp khác nhau nhưng điểm chung hướng đến những giá trị nhân văn trong cuộc sống.

“Lá rách ít đùm lá rách nhiều”

Vừa khởi chiếu số đầu tiên vào tháng 1-2010, chương trình “Điều kỳ diệu” đã nhận được nhiều sự đồng cảm, chia sẻ từ khán giả. “Điều kỳ diệu” cũng chọn giới thiệu những hoàn cảnh khó khăn, vượt lên chính số phận nghèo khó. Thế nhưng đặc biệt, “Điều kỳ diệu” còn là câu chuyện về những con người bình dị, nghèo khó lựa chọn cách sống vì mọi người. Đạo nghĩa của người Việt có câu “Lá lành đùm lá rách” và về sau còn có cả “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Chương trình “Điều kỳ diệu” hướng đến cả hai ý nghĩa đó.

Trong căn nhà vách tôn tạm bợ chỉ cơn gió lay nhẹ cũng có thể sập lại chứa một phụ nữ thường được gọi đùa “người đàn bà ba nhất”. Đó là nhân vật Phan Thị Trừ trong một tập của chương trình. Chị Trừ được gọi đùa là ba nhất bởi chị là người hiến máu nhân đạo nhiều nhất (hơn 50 lần) với nhiều giấy khen vì thành tích hiến máu nhân đạo nhất và… nhà nghèo thuộc hàng nhất ở ấp 3, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh (TP.HCM). Không ít hoàn cảnh nghèo xác xơ như chị đã phải bán máu, bán tóc… để mưu sinh nhưng khi hỏi chị tại sao không đến các điểm bán máu để nhận tiền từ 140.000 đến 260.000 đồng/lần kèm theo quà thay vì chỉ nhận 40.000 đồng/lần mà Hội Chữ thập đỏ xã bồi dưỡng, chị Trừ chỉ cười mà rằng: “Làm phước ai lại tính tiền! Mình khổ có người còn khổ hơn, không có tiền giúp thì giúp máu cứu người vậy”. Nặng lòng với chữ “làm phước” của chị mà cả nhà chị từ chồng, con đến em trai cũng cùng đi hiến máu.

Cuộc sống có nhiều “Điều kỳ diệu” ảnh 1

Cụ Điệp đã 86 tuổi nhưng vẫn mở lớp dạy tiếng Anh cho các em nghèo. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp.

Rất nhiều nhân vật trong chương trình “Điều kỳ diệu” là những cô bé, cậu bé như Nguyễn Lê Hoàng Trung (Bình Phước), Nguyễn Thị Hà (Quảng Nam), Trần Cà Bay (Đồng Tháp), Võ Thành Ni (Vĩnh Long)… đang tuổi ăn tuổi học nhưng vì số phận long đong mà phải làm, phải chịu cực để học. Không ít trường hợp như anh Đỗ Văn Ái (Long An) ngày ngày âm thầm nhặt đinh trên tuyến đường để cho các bác tài an tâm hơn trên xa lộ.

Ông lão 80 đứng lớp

Ở quận Hải Châu, Đà Nẵng, cứ mỗi tối dù mưa lạnh hay trời trong, một ông cụ đã 86 tuổi đạp xe lỏn tỏn đến dạy tiếng Anh cho các em nghèo. Cụ Trần Ngọc Điệp và lớp học tiếng Anh của cụ đã mở được gần hai năm, nằm trong khuôn viên nhà văn hóa phường. Lớp giản đơn, thầy ngoài 80, trò thì nheo nhóc từ trẻ em đường phố đến con nhà nghèo, thế mà trò rất chăm học, người thầy già luôn cần mẫn viết từng từ, đọc chậm, to, rõ.

Dạy học, vận động các nguồn tài trợ, xin học bổng cho các em, cụ Điệp còn dành lương hưu lập tủ sách cho các em. Đến học tiếng Anh còn được đọc cơ man nào sách từ truyện thiếu nhi, tiểu thuyết, sách học tiếng Anh và cả sách chính trị, kinh tế với hơn 300 đầu sách… trẻ em nào chẳng khoái!

Ông thầy mù vượt đường xa

Cũng dạy tiếng Anh nhưng thầy giáo Phước Thiện lại lặn lội từ Sài Gòn ra Phan Thiết dạy cho tụi nhỏ bỏ học kiếm sống ở đồi cát Mũi Né (Bình Thuận). Ước mơ trở thành nghệ sĩ đàn tranh nhưng bị hỏng mắt sau lần té từ hồi lớp 5, anh đành theo nghề khác.

Học trò của “Lớp học đồi hồng” có trẻ bán hàng dạo đến trẻ dẫn khách du lịch, cho thuê ván trượt… Cuộc sống tự do, kiếm tiền hấp dẫn bọn trẻ hơn trường học. Trong số đó có cả những đứa trẻ quên mất khái niệm lễ phép, thưa gửi. Nhưng từ ba tháng nay, bọn trẻ trên đồi cát dường như đều ngóng cho nhanh đến cuối tuần. Bởi cuối tuần là thầy Phước Thiện từ Sài Gòn ra.

Thầy Thiện không nhìn thấy bọn trẻ được bằng đôi mắt nhưng với tấm lòng, anh hiểu rõ tụi nhỏ mong chờ gì ở lớp học. Thầy luôn chọn cách “học mà chơi, chơi mà học”. Trước giờ vào lớp, trò và thầy lại lên đồi cát cùng nhau hát bài Đồi hồng thân thương thầy viết tặng cho bọn trẻ…

Cuộc sống vốn kỳ diệu và điều kỳ diệu lớn nhất thường nằm ở những người chẳng giàu có và không may mắn. Bởi khó nghèo mới hiểu hơn khó nghèo, bởi khó nghèo mới không quản ngại xa xôi, vất vả mà thầm lặng đem đến cho con trẻ một chút tri thức làm vốn lận lưng. Hay đem đến cho những hoàn cảnh kém may mắn hơn một chút ấm lòng.

Chương trình “Điều kỳ diệu” do Ban Thể thao-Văn hóa Đài Truyền hình TP.HCM phối hợp cùng Công ty Truyền thông TV Cộng (TVPlus) sản xuất. Chương trình phát sóng vào lúc 21 giờ ngày Chủ nhật hằng tuần, trên kênh HTV9. Số thứ hai của chương trình sẽ phát sóng vào 21 giờ ngày 28-2 trên kênh HTV9.

Khán giả truyền hình có thể ủng hộ nhân vật trong chương trình hoặc cung cấp thông tin về những nhân vật mới cho chương trình thông qua đường dây nóng: 0915676767, hoặc: Chương trình “Điều kỳ diệu” - Phòng Chương trình - Công ty TV Cộng, tầng 7, tòa nhà 255 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM.

Mỗi nhân vật trong chương trình sẽ nhận được 10 triệu đồng do nhà đồng hành (nhãn hiệu Sơn SPEC - Công ty 4 Oranges) tài trợ. Bên cạnh đó, chương trình cũng mở riêng tài khoản cho mỗi nhân vật tại Ngân hàng Đông Á và công bố số tài khoản vào cuối mỗi chương trình phát sóng.

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm