Cô gái Việt chu du thế giới với 700 USD

“Xách ba lô lên và Đi” tên của một Fanpage đã thu hút được hơn 11000 likes trên Facebook cũng là tựa đề cuốn sách của Huyền Chip một “Ta ba lô” đã đi 25 nước khi mới 20 tuổi.

Vượt ra ngoài khuôn khổ câu chữ, nghệ thuật của một tác phẩm văn học, “Xách ba lô lên và đi” với phần một mang tên “Châu Á là nhà. Đừng khóc!” là cuốn du ký của một cô gái kỳ lạ. Tốt nghiệp trung học, không chọn vào đại học như bao bạn bè cùng lứa Huyền Chip sang Malaysia để làm những việc “phù hợp hơn với mình”. Rồi đột ngột, cô quyết định từ bỏ tất cả để thực hiện một hành trình không biết trước có thực hiện được hay không.

Cô gái Việt chu du thế giới với 700 USD ảnh 1

Huyền Chip- cô gái 20 tuổi đã đến 25 quốc gia trên khắp thế giới

Với 700 USD trong túi, Huyền Chip đã đi tới 25 quốc gia trên thế giới, ngay cả những khu vực nguy hiểm như Kashmir, Palestine, Israel và châu Phi xa xôi. Cô đã làm đủ nghề để kiếm sống từ hái hoa quả, làm việc trong sòng bạc, tổ chức sự kiện đến viết bài cho một trang web về công nghệ. Mất hai năm để đi và cũng mất ngần ấy thời gian Huyền Chip hoàn thành cuốn sách này.

Không sai khi gọi đây là một cuốn nhật ký hành trình bởi 82 câu chuyện trên hơn 400 trang giấy hoàn toàn có thật, không nhằm mục đích gì ngoài trải nhiệm. Đúng như lời Huyền viết trong tựa sách: “Trước hết, tôi cần nhấn mạnh lại rằng tôi đi chuyến đi này đơn giản vì đó là mơ ước của tôi. Tôi đi không để chứng minh điều gì cả. Tôi cũng không đi để thay đổi cuộc sống của ai cả, trừ cuộc sống của chính tôi”.

Ngoài việc kể về những miền đất Huyền Chip đã đến, cuốn sách còn chứa đựng những bài học trong suốt cuộc hành trình.Đó là những giọt nước mắt trào ra khi ngồi một mình trước cổng siêu thị vắng tanh vắng ngắt, không có nơi nào để đi, không có ai để nhờ giúp đỡ tại Brunei. Đó là những đấu tranh tư tưởng giữa đi và ở khi có một tình yêu đẹp, một công việc ổn định, những người bạn tốt ở Mumbai xinh đẹp… Lúc này địa danh hoàn toàn đúng với khái niệm của nó còn hành trình được định nghĩa bằng những cuộc gặp gỡ, những người bạn cô yêu mến, gắn bó.

Huyền chip tự nhận mình là dân chuyên toán không thạo về cấu trúc, thể loại, sẽ bị đánh giá không hay nếu so sánh cuốn sách này với một tác phẩm văn học. Tuy nhiên đây sẽ là một động lực thôi thúc người trẻ lên đường, theo cách nói của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: “Đây là quyển nhật ký ghi lại trải nghiệm của Huyền bằng ngôn ngữ thô ráp nhưng sinh động. Đọc nó, ta như được cùng tác giả sánh bước trên con đường cô ấy từng đi. Cuốn sách có tính chất mời gọi chúng ta hãy đi đi. Gấp sách lại, tôi thấy không thể ngồi yên được, muốn đi tiếp, đi mãi trên mọi nẻo đường”.

Theo Nha Trang (Dân trí)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm