Chuyện xưa chuyện nay: Bà Thiên Y A Na là ai?

ANH PHÓ trả lời: Thưa ông Cao Văn Tấn,

Tỉnh Bến Tre ngoài địa phương ông, hiện nay ở huyện Ba Tri cũng có miếu thờ Bà Thiên Y A Na (thường gọi là Bà Chúa Ngọc). Tục thờ Bà Chúa Ngọc là sự kết hợp giữa tục thờ Mẫu (Mẹ) của người Việt Nam với tín ngưỡng thờ thánh mẫu Pô Inư Na Ga mà theo truyền thuyết là người tạo lập ra nước Chiêm Thành (thời xưa nước Chiêm Thành, còn gọi là nước Champa, có lãnh thổ từ Quảng Bình-Quảng Trị vào tới Bình Thuận ngày nay). Ở điện Hòn Chén (Thừa Thiên-Huế) và ở Nha Trang có tháp điện lớn thờ Bà. Khắp Nam Bộ, có nhiều nơi khác như ở tỉnh An Giang cũng có nhiều miếu thờ Bà Thiên Y A Na…

Chuyện xưa chuyện nay: Bà Thiên Y A Na là ai? ảnh 1

Tượng Bà Thiên Y A Na tại Tháp Bà, Nha Trang. Ảnh: TRÍ BỬU

Theo tiếng Chăm, tên Bà ghi đầy đủ là “Yang Pô Inư Na Ga”. “Yang” là thần, “Pô” là tôn kính; “Inư” là mẫu, mẹ; “Na Ga” là xứ sở, đất nước. “Y A Na” là đọc trại của từ Pô Inư Na Ga; triều đình Nguyễn thêm chữ “Thiên” thành ra Thiên Y A Na.

Theo truyền thuyết của đồng bào Chăm (Chiêm Thành) thì Pô Inư Na Ga là một vị nữ thần được người Chăm sùng bái nhất. Ngày xưa, Bà do những áng mây trời và bọt biển mà hóa thân. Pô Inư Na Ga là thần tạo lập trái đất, sinh ra gỗ quý, cây cối và lúa gạo… Người Việt qua cuộc Nam tiến từ Bắc vào Nam cũng có nhiều truyền thuyết về Bà. Năm 1856, Lễ bộ Thượng thư Phan Thanh Giản khi đến viếng tháp Bà ở Nha Trang, ông cho lập bia ca ngợi công đức và lược ghi sự tích của Bà, có viết: “Vì không có sử sách để kê cứu, tôi không được biết tích của Thiên Y Thánh mẫu cho tường tận, chính lúc đi qua Khánh Hòa là nơi nguồn gốc của thánh mẫu, được nghe các bậc bô lão kể lại và được đọc dã sử, cũng chỉ biết sơ lược thôi”. Phan Thanh Giản đã kính cẩn khắc trên bia danh hiệu của Bà là “Thiên Y A Na diễn Chúa Ngọc Thánh phi”. Triều đình nhà Nguyễn đã sắc phong cho Bà là “Hồng nhân phổ tế linh ứng Thượng đẳng thần”.

Nói chung, Bà Chúa Ngọc của người Việt cũng là Thánh mẫu Thiên Y A Na của người Chăm, nên có người gọi là “Bà Chúa Ngọc Thiên Y A Na”. Đó là một vị thiên thần, có sắc chỉ của vua nước Việt phong làm “Thượng đẳng thần” là bậc thần cao cấp nhất. Sách Kiến thức du lịch, giáo trình của Trường Đào tạo nghiệp vụ du lịch Sài Gòn, NXB TP.HCM, 1995 có nhận xét: “Trong truyện dân gian, giữa người Việt và người Chăm có những điểm giống nhau về chủ đề, cấu trúc, hình tượng và ý nghĩa mà truyện Bà Thiên Y A Na là một ví dụ. Đó là kết quả của sự giao lưu, trao đổi, bồi đắp và hòa hợp văn hóa của hai dân tộc” (trang 163).

Kính chào ông.

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 11-2010)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm