Chuyên nghiệp = đánh mất hồn nhiên

Từ những cuộc thi này đã tạo ra một lớp ca sĩ hiện nay như Hà Anh Tuấn, Đinh Mạnh Ninh, Hạ Trâm, Khởi My, Chí Thiện, Đông Nhi, Anh Khang...

Trên truyền hình hiện nay rất nhiều chương trình dành cho thiếu nhi, thiếu niên. Ngoài những chương trình phù hợp với lứa tuổi, thời gian học của trẻ: Ai thông minh hơn học sinh lớp 5?, Ước mơ của con, Chúc bé ngủ ngon... thì rất nhiều chương trình truyền hình thực tế mà cụ thể là các cuộc thi mang tính chất tìm kiếm tài năng, ca hát đang nở rộ hơn. Trong đó rất nhiều cuộc thi có đối tượng là trẻ em ở độ tuổi thiếu nhi, thiếu niên: Đồ Rê Mí, The Voice Kids, Vietnam’s Got Talent... Phải thừa nhận rằng tất cả chương trình này đều được tổ chức ngày càng chuyên nghiệp từ thiết kế sân khấu, âm thanh, ánh sáng để thu hút khán giả xem đài. Và để tăng thêm phần chuyên nghiệp, các thí sinh dự thi cũng được ban tổ chức trang bị chuyên nghiệp hơn. Thí sinh dù 3-4 tuổi hay 10-12 tuổi cũng đều được đầu tư luyện thanh, trang điểm, trang phục diễn... với mục đích tỏa sáng trên sân khấu.

Như ở Đồ Rê Mí, dù chỉ 5-10 tuổi các em còn được luyện vũ đạo cùng biên đạo múa, làm tóc, trang phục theo phong cách người lớn. Ngoài ra các em còn phải tham gia ghi hình hoạt động bên lề: Học hát nhạc kịch, hát quan họ, nấu ăn, thăm làng từ thiện... như các cuộc thi hoa hậu. Có những thí sinh sau cuộc thi, mẹ đã bỏ việc để đi theo với vai trò là người quản lý, đưa rước con đi học hát, học nhảy, nhận hợp đồng biểu diễn...

Khoan nói đến việc thời gian cuộc thi kéo dài làm ảnh hưởng thời gian học, chỉ tính riêng yếu tố như là sân chơi cho trẻ em thì những sân chơi này hầu như chuyên nghiệp như người lớn. Sự hồn nhiên, trong trẻo của các em dần mất đi mà thay vào đó là tính thi thố cạnh tranh tài năng, cách chọn bài hát thể hiện trong nhiều cuộc thi không còn phù hợp với lứa tuổi của các em.

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm