Chúng tôi đã được gì?

Nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức văn hóa, tấm lòng nghệ sĩ trong ngoài nước, những quới nhơn muốn góp sức giới thiệu văn hóa nghệ thuật Việt ra thế giới, nữ nghệ sĩ Nguyễn Thị Minh Ngọc đã và sẽ đưa kịch Việt lên sân khấu New York.

Để đưa vở diễn đến New York tôi phải giải nhiều bài toán khó như tự kiếm tiền vé, tự lo lấy phần ăn ở cho những nghệ sĩ từ Việt Nam. Pan Asian sẽ lo rạp và thù lao cho mỗi người trong suốt 12 xuất diễn cùng vài ngày tập tại New York là 500 USD (giờ chót xin được tài trợ nên thành 1.000 USD). Thanh Hải của MFC, Thắng Trần, Viện Trao đổi văn hóa giáo dục Quốc tế tại Mỹ cùng với Thành Lộc, Hải Phượng, Mỹ Hằng và NSƯT Ngọc Đáng với ít nhiều hy sinh của họ đã giúp tôi vượt được khó khăn lớn về tài chính này. Hai nghệ sĩ của New York là Léon Lê và Thục Hạnh, ngoài việc biểu diễn đã giúp tôi nhiều việc khác như chỉnh phục trang, làm lại toàn bộ cảnh trí từ Việt Nam đưa sang.

Nhờ nhiều quới nhơn giúp đỡ

Những quới nhơn cho đợt diễn năm 2008 và cho vở Chúng tôi là (We are) năm 2011 này còn nhiều. Ngoài những nhân viên làm việc cho Pan Asian, chúng tôi còn có những khán giả trên cả tuyệt vời. Vở diễn 12 xuất, họ có mặt đến trên 15 lần, với những thức ăn và địa chỉ nhà hàng độc đáo về chất lượng và giá rẻ bất ngờ. Có những chủ nhân ngoài việc tiết kiệm tiền khách sạn cho mấy nghệ sĩ còn thức suốt đêm để nấu nồi bún bò chất lượng cao để giúp tôi đãi toàn đoàn cùng các người bạn Mỹ trợ giúp kỹ thuật. Có những khán giả không nhận vé tặng, mà còn tặng thêm vé của những tác phẩm nghệ thuật khác coi như một cách tưởng thưởng cho cả nhóm.

Chúng tôi đã được gì? ảnh 1

Một cảnh trong vở diễn Chúng tôi là. Ảnh: NTMN

Dù tiền tài trợ của chúng tôi bị cắt giảm nhưng Pan Asian vẫn giữ nguyên con số 800 USD trong ba tuần và 200 USD phụ trội cho mỗi người. Sống, ở, ăn và di chuyển được ba tuần ở New York với tiền trợ cấp kiêm thù lao khiêm tốn như vậy, lại được xem vài vở hay ở đây, với nhiều người đó là một kỳ tích. Tôi tiếc không thể ở lại thêm để được xem vở thứ hai trong Chương trình Dự án Việt Nam 2 kỳ này. Đó là vở Quái thú (Monster) của Derek Nguyễn. Đi xem các bạn ấy tập, tôi thấy nhiều trăn trở cảm động về thân phận người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có chuyện người mẹ Việt phải bỏ con khiến đứa nhỏ khốn khổ về vật chất lẫn tinh thần giữa hai nền văn hóa, có cả chuyện hậu quả chiến tranh trong quá khứ, chuyện hiện tại du học sinh Việt Nam mới sang bị đối xử kỳ thị.

Tấm lòng, tài năng nghệ sĩ

Nhưng bù lại kỳ này chúng tôi lại có Léon Lê, người ca hát cải lương xuất sắc (hơn cả chính anh khi đóng film), đến độ có người tưởng anh là NSƯT Hữu Quốc khi xem lớp Hồ Tôn Hiến với Kiều.

Chúng tôi có NSƯT Ngọc Đáng, người đã bỏ ba tuần bay show để sống với Chúng tôi là, người đã giúp tôi đi chợ cá ở Broolyn để có món bún cá tuyệt vời trên đất Mỹ.

Chúng tôi có Chantal Thủy, cô gái trẻ tài năng của Canada, đã tốt nghiệp khoa kịch của ĐH New York, đã trăn trở vì sao cô vợ Việt Nam phải nhẫn nhục đến độ bị anh chồng ở Seoul sát hại, Chantal xin cho nhân vật cô đóng phản kháng lại người chồng để rồi sau vài xuất diễn, chính cô đề nghị phải phục hồi ý cũ. Chatal cũng được nhiều tràng pháo tay hoan hô khi ngay sau lớp đóng vai cô vợ Việt Nam Huỳnh Mai, cô biến ngay thành cô gái trợ lý giám đốc vui vẻ, cung cấp chi tiết quan trọng cho anh chàng viết kịch bản film về từ Holywood về là khán giả của Việt Nam rất thích cười.

Chúng tôi có Tienne Nguyễn (tức Tuyết Nhung) người đã có khá nhiều vai hay trong một số film với người Mỹ, nay thành người vợ Đài Loan ngoại tình trước mắt người chồng liệt và cô Việt kiều phát hành những film Mỹ hot nhất về cho khán giả Việt Nam, dù hồi mới mở cửa, nhiều người vẫn hiểu lầm cô là một loại me Mỹ mới.

Chúng tôi có Lucy Eng, cô diễn viên hài gốc Hoa, người giờ chót phải “cứu bồ” cho Minh Phượng, đã không thể kiếm người gửi con trong ba tuần để sang đóng vai bà vú bị thưa ra tòa vì tội quấy rối tình dục.

Sẽ có thêm vở mới

Chúng tôi còn có nhiều nữa, những khán giả Mỹ, Việt chưa về ngay sau đêm diễn mà cứ lần khân đứng đợi để trao đổi trò chuyện thêm về một Việt Nam mà họ đã lưu tình. Chúng tôi còn có Tisa Chang và Pan Asian trong giờ từ biệt với lời mời một dịp khác đem một nhóm có thể diễn cả hai vở Người đàn bà thất lạcChúng tôi là. Câu đáp lại của những người bạn của chúng tôi là: Tại sao không là một vở mới về Việt Nam? Dân tộc tôi, văn hóa tôi, dù sống nơi đâu, cũng không hề thiếu những chuyện cần phải kể thêm nữa cho cả thế giới nghe và chiêm nghiệm!

Nữ đạo diễn hai lần đưa kịch Việt đến New York

Nguyễn Thị Minh Ngọc hiện đang định cư ở nước ngoài nhưng gắn bó với hoạt động nghệ thuật ở Việt Nam. Chị được biết đến ở ca ba lĩnh vực văn học - sân khấu - điện ảnh. Chị có nhiều tác phẩm văn xuôi. Chị vừa là diễn viên vừa là tác giả kịch bản phim truyện như Thời gian và vĩnh cửu, Hải Nguyệt, Sống trong sợ hãi… Chị thuộc lớp nghệ sĩ tiên phong hình thành Sân khấu nhỏ 5B, góp phần vào sự ra mắt của Sân khấu kịch IDECAF. Chị cũng nhận được nhiều giải thưởng sân khấu ở nhiều vai trò. Chị là tác giả kịch bản nhiều vở diễn nổi bật như Đứng giữa đồi cao, Giấc mộng kê vàng, Cô đào hát, Người tốt thành Tứ Xuyên, Hãy khóc đi em, Một nửa của tôi đâu, Trái tim nhảy múa, Hãy yêu nhau đi… vừa qua, chị đã hai lần đưa kịch Việt Nam diễn ở sân khấu New York. Lần gần đây nhất là vở Chúng tôi là (We are) diễn trong 12 đêm liên tục từ ngày 18 tới 26-3 tại Nhà hát Liên Á, 263 West 86th Street, thành phố New York. Vừa trở lại TP.HCM, chị có bài viết riêng cho Pháp Luật TP.HCM về tấm lòng những nghệ sĩ, người hâm mộ và bạn bè quốc tế đã hỗ trợ cho việc đưa nghệ thuật sân khấu Việt lên sân khấu Mỹ.

HB

Muốn diễn ở New York phải có nhà hát riêng

Cuối năm 2002, tôi nhận được tài trợ của Hội đồng Văn hóa châu Á (Asian Cultural Council - ACC) đến Mỹ vài tháng để tiếp xúc với nghệ thuật biểu diễn của đất nước này. Tôi đã được gặp gỡ nhiều sân khấu nhỏ mà La Mama là tiêu biểu. Giám đốc ở đây (vừa mới mất), đã sang Việt Nam nhiều lần tìm hiểu và cộng tác với sân khấu Việt Nam (vài nhà hát ở Hà Nội). Khi được gặp lại bà ở New York, tôi có đề cập đến việc đưa tác phẩm sân khấu ở Việt Nam trình diễn tại khán phòng của bà. Bà cười nói tôi không phải là người đầu tiên có ý định đó nhưng để có thể làm được điều này, việc đầu tiên là phải đợi vì sân khấu của bà hiện đã kín lịch từ đó đến vài năm sau cho cả năm châu.

Lúc được ACC đưa đến Nhà hát Liên Á (Pan Asian), bà Tisa Chang là giám đốc nghệ thuật nói với tôi bà đã làm trợ lý tại La Mama một thời gian dài và nhận ra rằng để có thể giúp chính mình và nhiều nước châu Á khác chường mặt ra sân khấu Broadway (*) (dù có hay không vài chữ off đứng trước), chỉ còn một cách là đứng ra lập một nhà hát cho riêng châu Á. Bà đã mời được vài sân khấu nhỏ tiêu biểu của Hoa, Ấn, Hàn, Nhật rồi và bà rất muốn thực hiện được một hợp tác với Việt Nam mà điều kiện đầu tiên là ít nhất phải có hai diễn viên sống tại New York để nhận được tài trợ từ Hội đồng Văn hóa thành phố. Tôi đưa cho bà kịch bản vở Người đàn bà thất lạc của tôi. Người đàn bà thất lạc lên đường vào phút thứ 89 và khi về nước được diễn tại Nhà văn hóa Phụ nữ cùng thu phát trên HTV.

NTMN

NGUYỄN THỊ MINH NGỌC

Việt Nam, tháng 5-2011

* Sân khấu Broadway, hay gọi đơn giản là Broadway, là hệ thống bao gồm 39 nhà hát chuyên nghiệp (500 ghế trở lên) nằm trong khu vực Theatre District, Manhattan, New York.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm