Câu chuyện về sự tử tế

những người đã để lại trong ký ức ông một niềm tin, dù mong manh, rằng cuộc đời này vẫn còn nhiều người tử tế.

Không có nghề nào hèn mọn. Thừa nhận thực tế ấy nhưng Trần Văn Thủy, nhà làm phim tài liệu nổi tiếng thế giới, người đã quay những thước phim bằng chính sinh mạng của mình, người luôn trăn trở làm sao để có thể sống tử tế ở đời, lại gọi cái nghề mình đang làm là một “nghề hèn, nghề mọn”. Tại sao thế? Trăn trở của một người đã từng sống chết, vinh nhục với nghề trong suốt cuộc đời chứa đựng nhiều sự chua chát, bất lực. Dường như sự tử tế là một niềm tin rất mong manh, đã lùi vào ký ức từ xa xưa lắm. Cái thuở con người còn tự cung tự cấp, còn nguyên sơ, hàng đổi hàng, con người còn chân chất hồn nhiên.

Lần giở từng trang sách là những câu chuyện buồn vui chứa đựng nhiều tâm tư, số phận, chiêm nghiệm của một con người đã 70 năm “ăn ở” với đời. Câu chuyện hôm qua nhưng vẫn nóng hổi hơi thở của cuộc sống hôm nay.

Theo bước chân của Thủy, những khuôn mặt tử tế “hiếm hoi” hiện ra như Nông Ích Đạt, người giúp Thủy khi ông đang “láng cháng” ở Trường Điện ảnh chưa biết đi đâu về đâu vì bom đạn chiến tranh nên từ Tây Bắc xuống trễ. Như Đặng Thùy Trâm, người bác sĩ “gốc Huế dịu hiền, người bạn tốt”. Như nhà thơ Thanh Thảo, người Thủy “quý trọng về nhân cách và văn tài”. Là ông Tý, bút danh Triều Phương, người đã thương và đi theo ông, bởi “không để tôi đi theo với nó thì trước sau thế nào nó cũng chết. Nó chẳng biết gì cả”… Giữa chiến trường ác liệt, những con người tử tế gặp được là những thanh âm trong trẻo, dẫu rất mong manh, là những người đã giúp ông vượt qua cái chết theo mọi nghĩa đen sì của cuộc sống.

Câu chuyện về sự tử tế ảnh 1

Một cảnh người cựu binh trong phim Chuyện tử tế.

Tính cách của mỗi người thể hiện qua những lúc con người ta đói nhất, khó khăn và cơ cực nhất. Cái con người thà chết đói cũng không dám sờ vào một hạt gạo rang để bảo quản túi phim đã quyết định ăn cắp con cua của một đứa trẻ đói khát để ăn. Để rồi hai chục năm sau khi đã là khách mời ngồi ở những phòng tiệc sang trọng ở khắp nơi trên thế giới, Trần Văn Thủy vẫn ám ảnh về cái con ma đói, thân tàn ma dại đầy “thú tính” năm xưa.

Đói khát, bệnh tật, kiệt sức nhưng trên vai Thủy vẫn nguyên vẹn từng ấy hộp phim. Ông chắt chiu từng hình, từng cảnh, liều lĩnh để quay những cận cảnh chiến sự, có cả cảnh máy bay bổ thẳng vào ống kính… nhưng giờ đây không tráng được. Thủy đối mặt với án tù, với tội “B quay”, một kẻ lừa dối. May mắn thay cuối cùng phim đã tráng được, Thủy thoát tội nhưng chết lặng người vì phim tráng hỏng! Những người trong phim có đến hàng trăm, may lắm hai người còn sống. Tuy nhiên, trong cái rủi có cái may, chính những cảnh hỏng đó lại giúp cho bộ phim của ông gây ấn tượng mạnh đến không ngờ. “Xem xong tất cả đều choáng váng”. Và phim đoạt giải quốc tế.

Tự ví mình là “một cỗ xe cũ không phanh”, Trần Văn Thủy lao thẳng vào Hà Nội trong mắt ai khởi quay vào năm 1982, rồi sau đó đâm sầm vào Chuyện tử tế khởi quay năm 1985. Không còn ẩn dụ nhẹ nhàng như Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế đốp chát trực diện. Nó gây ra hàng loạt “tiếng nổ” khiến tác giả của nó lao đao, điêu đứng. Số phận chìm nổi của hai bộ phim tài liệu này có thể trở thành kịch bản của một cuốn phim truyện ly kỳ có đầy đủ mở thắt, cao trào… Và nó còn đặc biệt ở chỗ không cần hư cấu vì những chuyện việc thực, người thực. Bị cấm xuất ngoại nhưng Chuyện tử tế vẫn có mặt và đoạt giải Leipzig. 20 năm sau Chuyện tử tế tới Viennale (2008).

Ở tuổi 70, đoạn cuối của con đường làm nghề, Trần Văn Thủy nghiệm ra “sức lực để che chắn, để đứa con tinh thần của mình được đến bờ đến bến còn mệt mỏi hơn nhiều sức lực để làm ra một bộ phim”. “Nếu đi hết biển rồi sẽ tới đâu?”. Câu hỏi thuở bé thơ phải mất gần cả đời người ông mới có thể trả lời được...

Qua mỗi trang sách và cả cuộc đời làm phim của mình, Trần Văn Thủy luôn đau đáu với số phận con người, những giá trị đang dần biến mất, khi sự nói dối trở thành bình thường, xói mòn nhân tính. Cuốn sách, không chỉ bó hẹp trong phạm vi của một nghề, một người. Đó còn là câu chuyện của thế sự, của hôm nay. Những chuyện chưa bao giờ cũ. Giống như những bộ phim tài liệu của ông, sức nặng của nó nằm ở sự thật. Một sự thật hoàn toàn không hư cấu.

NSND Trần Văn Thủy là đạo diễn phim tài liệu. Ông sinh năm 1940 tại Nam Định. Trong chiến tranh, ông là phóng viên chiến trường. Ông đã đạo diễn trên 20 phim, trong đó có nhiều phim tài liệu đoạt giải cao trong các kỳ liên hoan phim. Các bộ phim nổi tiếng của ông:

Những người dân quê tôi, phim đầu tay quay ở chiến trường Quảng Đà, đoạt giải Bồ Câu Bạc tại Liên hoan phim Quốc tế Leipzig (1970).

Hà Nội trong mắt ai, giải vàng LHP Việt Nam 1988.

Chuyện tử tế (1985) bộ phim nói về thân phận của những người nghèo khổ và những mâu thuẫn xã hội. Phim được đánh giá là tác phẩm đặc sắc nhất của ông, đoạt giải Bồ Câu Bạc Liên hoan phim Quốc tế Leipzig, được báo chí nước ngoài gọi là “Quả bom đến từ Việt Nam nổ tung ở TP Leipzig”.

Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai 1999, giải Phim ngắn hay nhất, Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 43.

Chuyện từ một góc phố (2003), phim về những hậu quả của chất độc màu da cam để lại trong gia đình một cựu phóng viên chiến trường.

“Từ rất xa xưa, cha bác có dạy rằng: Tử tế vốn có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức sự tử tế, đặt nó trên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài quốc gia, bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có nỗ lực tột bậc và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người, người tử tế trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang, hoặc siêu phàm…”.

(Lời trong phim Chuyện tử tế)

NGÂN HOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm