Cần có hồ sơ khoa học về di hài

Ngày 30-10, Thủ tướng đã có công văn  đồng ý hoàn táng thi hài vua Lê Dụ Tông tại xã Xuân Quang (Thọ Xuân, Thanh Hóa). Trước đó, hội đồng họ Lê Việt Nam dự kiến ngày 26-11 (tức ngày 10-10 âm lịch) sẽ tổ chức nghi lễ này. Nhưng cho đến nay, vẫn còn ý kiến băn khoăn về những dữ liệu khoa học cần lưu trữ lại sau khi hoàn táng.

Hoàn táng không ảnh hưởng đến việc nghiên cứu

Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, một trong những người đã dõi theo hành trình xin hoàn táng di hài vua Lê từ những ngày đầu tiên cho biết: Năm 1996, lần đầu tiên đại diện dòng họ Lê đề xuất xin đưa di hài vua về hoàn táng nhưng không được chấp nhận do có một vị giáo sư đầu ngành đề nghị giữ di hài vua lại để nghiên cứu.

Đến năm 2006, ban liên lạc dòng họ Lê lại có đề xuất xin hoàn táng và Hội Sử học đã có công văn lên Bộ Văn hóa Thông tin, trong đó có đoạn: “Yêu cầu của hậu duệ dòng họ Lê xin đưa về mai táng tại quê hương là rất chính đáng nhưng việc lưu giữ đầy đủ hồ sơ tư liệu để tiếp tục nghiên cứu về sau cũng rất cần thiết”. Để đáp ứng cả hai yêu cầu này, Hội Sử học khi đó đề xuất Bộ Văn hóa Thông tin kiểm tra lại bộ hồ sơ cũ. Nếu bị mất mát hay chưa đủ thì thành lập hội đồng khoa học để lập một hồ sơ đầy đủ về di hài vua Lê Dụ Tông trước khi hoàn táng.

Cần có hồ sơ khoa học về di hài ảnh 1

Di hài vua Lê Dụ Tông và các hiện vật được chôn theo vua bảo tồn tại Bảo tàng Lịch sử.

Cần có hồ sơ khoa học về di hài ảnh 2

Cần có hồ sơ khoa học về di hài ảnh 3

Theo giáo sư Phan Huy Lê, trình độ khoa học hiện tại đã phát triển hơn rất nhiều so với giai đoạn phát hiện ngôi mộ táng vua Lê Dụ Tông. Vì vậy, hoàn toàn đủ điều kiện để thành lập một bộ hồ sơ khoa học đầy đủ hơn bao gồm ảnh chụp, các kết quả chụp X quang, mẫu ADN, các mẫu phẩm về tóc, da, nội tạng... để lưu giữ cho mục tiêu nghiên cứu lâu dài về sau này khi trình độ khoa học phát triển cao. Sau khi đã hoàn thành bộ hồ sơ nên để dòng họ đưa di hài về hoàn táng với những nghi thức trang trọng của một vị đế vương.

Làm sao để các vua đừng phải vào kho?

Vua Lê Dụ Tông (1679-1731) là vị vua đầu tiên và duy nhất (cho đến thời điểm này) mà các nhà khoa học có cơ hội tiếp cận nghiên cứu thi hài. Mộ vua Lê Dụ Tông được mai táng theo hình thức “trong quan ngoài quách”. Giáo sư Phan Huy Lê cho biết khi mở quan tài, thi hài vua còn nguyên vẹn với đầy đủ đồ tùy táng, đặc biệt là nước da, gương mặt còn như mới chết, các khớp xương co duỗi được.

Giáo sư-bác sĩ Đỗ Xuân Hợp và một nhóm nghiên cứu liên ngành đã nghiên cứu và tiến hành cả thực nghiệm rất công phu về ngôi mộ vua Lê Dụ Tông để giải thích tại sao thi hài được bảo tồn tốt qua thời gian như vậy. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Quan tài được làm bằng gỗ ngọc am, một loại gỗ quý rất dày và có hương thơm được khai thác từ Tây Bắc. Bên ngoài là lớp quách kiên cố, gọi là quách tam hợp, được trộn bởi nhiều loại chất liệu như vôi, sò, cát, mật... Lớp quan và quách này cùng với một số vật phẩm trong quan tài như gạo, giấy... có tác dụng hút ẩm đã ngăn chặn vi trùng xâm nhập, làm chậm quá trình phân hủy.

Giáo sư Lê cho biết thêm lăng mộ các vua Lê cũng như các vương triều khác còn khá nhiều nhưng ngành văn hóa có chủ trương bảo tồn nguyên trạng. Mộ vua Lê Dụ Tông là mộ vị vua đầu tiên được khai quật khi một người dân ở thôn Bái Trạch, xã Xuân Giang tình cờ đào thấy trong vườn. Giáo sư  Phan Huy Lê nói: “Đưa di hài vua Lê Dụ Tông về Bảo tàng Lịch sử để bảo quản và nghiên cứu là cần thiết nhưng phải có phương tiện rất hiện đại. Ở nước ta mới chỉ đưa thi hài vào tủ kính gắn kín và giữ môi trường vô trùng tương đối nên việc bảo tồn rất khó. Vì vậy sau một thời gian trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử, thi hài càng ngày càng xuống cấp, trở thành gần như một bộ xương với lớp da bọc ngoài ngả sang màu đen xám”. Chính vì vậy, bảo tàng không thể tiếp tục trưng bày và phải chuyển vào trong kho bảo quản.

Việc hoàn táng di hài vua Lê Dụ Tông vậy là đã có quyết định. Tuy nhiên, một câu hỏi lớn hơn đặt ra: Làm sao để có một phương cách bảo quản, nghiên cứu thống nhất để nếu di hài của những vị vua khác được phát hiện sẽ không phải lặp lại một “số phận” truân chuyên như di hài vua Lê Dụ Tông?

BẢO PHƯỢNG

dotung

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm