Bừng bừng hào khí chống xâm lăng!

Sử ghi năm 1282, trước nguy cơ giặc Nguyên tràn sang xâm lấn bờ cõi, vua Trần Nhân Tông đã tổ chức hội nghị bàn kế chống quân Nguyên ở bến Bình Than. Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản đã bóp nát quả cam vua ban cho vì không được tham dự hội nghị do mới 16 tuổi. Lòng yêu nước sục sôi, vị anh hùng 16 tuổi đã tự mình chiêu lập một đội binh mã hơn ngàn người, may một lá cờ to đề sáu chữ “Phá cường địch, báo hoàng ân” (PHÁ giặc mạnh, đền ơn vua), lập nhiều chiến công lớn ở các trận Tây Kết, Chương Dương... Tái hiện câu chuyện lịch sử trên, vở Lá cờ thêu sáu chữ vàng đã thành công khi làm sống dậy hào khí chống xâm lăng bừng bừng của cha ông.

Trên sân khấu, NSƯT Thành Lộc trong vai Trần Quốc Toản - một trang thiếu niên vẫn còn những dỗi hờn của con nít nhưng đầy dũng khí trước sự hống hách của quân thù. Trần Quốc Toản tung hoành ngang dọc với những vũ đạo mang nhiều đặc trưng của nghệ thuật hát bội, cải lương tuồng cổ, tạo được không khí hào hùng nơi người xem.

Bên cạnh đó, những cảnh dựng đông người, lúc mô tả quân giặc giết hại dân lành, lúc là những trận đánh nhau khốc liệt, lúc là cảnh rèn tập binh mã... khiến sân khấu luôn bừng bừng sự căm thù giặc hay hùng tâm bảo vệ quê hương.

Trong từng suất diễn ở mùa Trung thu này, Lá cờ thêu sáu chữ vàng sẽ được Kịch IDECAF diễn song song với vở kịch Phù Đổng THIÊN vương đã từng ra mắt khán giả nhí gần một năm về trước qua một số suất diễn miễn phí. Phù Đổng THIÊN vương cũng ca ngợi tinh thần chống ngoại xâm của dân Nam qua truyền thuyết Thánh Gióng đánh giặc Ân.

Dựng kịch lịch sử khó gấp nhiều lần kịch thần tiên vì không thể hư cấu hay tung tẩy nhiều quá, nên với Lá cờ thêu sáu chữ vàng và Phù Đổng Thiên vương, có thể nói một lần nữa chương trình “Ngày xửa ngày xưa” của IDECAF đã thành công. Lần này, sự thành công ấy còn mang dấu son bởi tấm lòng của những người làm kịch sử muốn lưu truyền tinh thần yêu nước, hùng khí của tổ tiên đến các em thiếu nhi.

HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm