TRÒ CHUYỆN VỚI TỔNG ĐẠO DIỄN ĐÊM NGHỆ THUẬT BẾ MẠC ĐẠI LỄ:

Bữa tiệc âm nhạc và ánh sáng

Ở thời khắc thủ đô tròn 1.000 năm tuổi, tôi muốn chúng ta vừa nhớ tới tiền nhân vừa tự vấn chính mình: Con người hiện đại đang đứng trước nhiệm vụ như thế nào. Tôi muốn khơi gợi ý thức công dân qua không khí lễ hội” - nhạc sĩ Trọng Đài, tổng đạo diễn chương trình, cho biết.

Sau buổi tổng duyệt (ngày 6-10), hàng ngàn nghệ sĩ, vận động viên và diễn viên quần chúng vẫn miệt mài tập luyện tại sân vận động Mỹ Đình, chuẩn bị cho lễ hội văn hóa nghệ thuật, là điểm nhấn kết thúc các hoạt động của đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Đa dạng loại hình sân khấu

Phóng viên:Từ kịch bản văn học của nhà văn Nguyễn Khắc Phục đến kịch bản dàn dựng lễ hội có nhiều điểm cần phải điều chỉnh không, thưa ông?

+ Nhạc sĩ Trọng Đài: Chúng tôi làm theo quy trình chặt chẽ: Từ ý tưởng ban đầu, nhà văn Nguyễn Khắc Phục xây dựng kịch bản văn học, sau đó nhóm thực hiện làm kịch bản phân cảnh dàn dựng. Có một điều chỉnh lớn là đầu tiên thì dự định làm ở Hồ Tây nhưng sau đó chuyển sang sân vận động Mỹ Đình. Với ưu thế là sức chứa của sân vận động, tôi hy vọng chương trình tạo điều kiện cho nhiều người xem hơn. Việc lắp đặt các thiết bị kỹ thuật, an ninh cũng thuận lợi hơn.

. Người xem rất hào hứng với các màn đồng diễn quy mô lớn sẽ diễn ra vào đêm bế mạc. Điểm hấp dẫn của đồng diễn đêm bế mạc sẽ là gì, thưa ông?

+ Chúng tôi chủ trương không đi sâu vào chi tiết mà coi trọng hình khối, tạo những đại cảnh hoành tráng. Tuy thế nhưng khi người xem muốn “zoom” vào một không gian cụ thể nào vẫn thấy những nét tinh tế. Có những lúc sân khấu hội tụ hàng ngàn người nhưng cũng có khi xóa hết toàn cảnh, cả sân khấu chỉ còn ánh sáng trình diễn, chụm vào làm nổi bật hình ảnh một nghệ sĩ đàn bầu tấu những giai điệu linh thiêng về đất nước.

Bữa tiệc âm nhạc và ánh sáng ảnh 1

Sẽ là một đêm nghệ thuật đầy màu sắc trên nền âm nhạc truyền thống kết hợp hiện đại. Trong ảnh: Một tiết mục tại buổi tổng duyệt tối 6-10. Ảnh: QUANG THẮNG

Ngoài ra, chúng tôi chủ trương phân bổ các không gian cao thấp khác nhau để tạo sự phong phú. Không chỉ có một sân vận động hình chữ nhật cho các màn đồng diễn mà có ba không gian biểu diễn: Sân cỏ, sân khấu tròn (sân khấu trống đồng) và sân khấu con đê.

. Ông có thể nói rõ hơn về ý tưởng “sân khấu con đê”?

+ Xuất phát từ mong muốn tạo nhiều không gian nên chúng tôi đã xây dựng sân khấu này, mô phỏng bản đồ Việt Nam. Mặt khác còn lấy cảm hứng từ những hình ảnh đậm bản sắc văn hóa Việt Nam như sân khấu tròn lấy cảm hứng từ chiếc trống đồng.

Thăng hoa và ngẫu hứng

. Là người đạo diễn chương trình lễ hội đêm 1-10 khá ấn tượng, vậy đêm 10-10 sẽ có gì khác lạ?

+ Đêm 10-10 và “Đêm Hồ Gươm lung linh” (đêm khai mạc trước đó - NV) đều rất tập trung vào yếu tố ánh sáng. Chương trình đêm bế mạc sẽ gồm ba chương: Hai chương đầu nói về giai đoạn dựng nước, chương thứ ba là thời đại Hồ Chí Minh. Chúng tôi chủ trương hai chương đầu nói bằng ngôn ngữ huyền thoại và ước lệ, vì vậy vai trò của ánh sáng rất quan trọng. Sẽ không có vua Lý Công Uẩn thật cùng với quan quân ngồi trên thuyền rồng với quần áo, mũ mão cân đai thời Lý mà tái hiện không khí lịch sử chủ yếu bằng ánh sáng. Chẳng hạn đời Lý, chúng tôi tạo không khí bằng ánh sáng màu ghi - lấy cảm hứng từ men gốm thời Lý-Trần, thời Trần tạo không khí bằng màu vàng - màu thiền, thời Lê Lợi là màu chàm - gợi nhớ thời dấy nghĩa Lam Sơn… Ngoài ra sẽ tạo không khí bằng các áng văn thơ các thời kỳ - đây là yếu tố không có trong “Đêm Hồ Gươm lung linh”.

. Là một nhạc sĩ thực hiện vai trò đạo diễn lễ hội, ông sẽ đưa yếu tố âm nhạc vào kịch bản như thế nào?

+ Âm nhạc của đêm 10-10 sẽ là âm nhạc truyền thống kết hợp hiện đại. Người nghe sẽ cảm nhận giai điệu hào hùng của 100 trống hội, âm hưởng trầm bổng của 100 trống đồng Đông Sơn, âm điệu của ca trù và nhã nhạc... Các ca khúc quen thuộc về Hà Nội như Người Hà Nội, Cảm xúc tháng 10, Hà Nội niềm tin và hy vọng sẽ chủ yếu là nhạc không lời. Quan điểm của tôi về âm nhạc trong chương trình này là đưa âm nhạc vào theo yêu cầu kịch bản chứ không phải làm một gala các ca khúc về Hà Nội. Ví dụ trong phần kết của chương ba, ca sĩ Mỹ Linh sẽ biểu diễn ca khúc Hà Nội đêm trở gió. Nhưng điểm nhấn không phải là ca khúc mà là 2.000 tà áo dài màu thiên thanh xuất hiện trên nền bài hát ở các không gian sân khấu.

Chúng tôi không chủ trương làm một kịch bản an toàn, “sạch sẽ” mà đánh giá cao sự thăng hoa, ngẫu hứng.

. Xin cảm ơn và chúc ông thành công.

Chương trình văn hóa-nghệ thuật đặc biệt bế mạc đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội mang tên Thăng Long-Hà Nội - Thành phố rồng bay. Chương trình bắt đầu vào 20 giờ tối 10-10, sẽ có 70 phút dành cho các màn trình diễn trên sân vận động Mỹ Đình và có tới 20 phút trình diễn pháo hoa.

Chương trình gồm ba chương. Chương I - “Quyết định trọng đại” sẽ tái hiện lịch sử từ thuở tạo lập đất nước đến năm 1010. Chương II - “Hào khí đất thiêng - Tinh hoa 1.000 năm văn hiến” sẽ tái hiện giai đoạn lịch sử từ thời Trần đến thời Nguyễn. Chương III - “Thời đại Hồ Chí Minh - Ngày hội non sông, thông điệp thành phố vì hòa bình” sẽ tái hiện hình ảnh đất nước, thủ đô thời hiện đại.

BẢO PHƯỢNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm