Bội thực “sàn diễn” âm nhạc

Từ truyền hình đến sân khấu lớn, các chương trình giải trí, các cuộc thi âm nhạc đang được sản xuất ngày càng nhiều hơn, chương trình nào cũng quy tụ đông đảo ca sĩ, thu hút hàng ngàn thí sinh đăng ký tham gia nhưng thực tế vẫn chưa tạo ra được một chương trình có tầm và sự khác biệt để khán giả náo nức chờ đợi.

Kịch bản mới, hình thức cũ

Khi chương trình Bài hát yêu thích được phát sóng trên VTV3, người xem đã ngờ ngợ nghĩ về chương trình Bài hát Việt. Và khi số thứ hai được phát sóng, với kịch bản và kết quả trao giải thì khán giả có dịp so sánh với tiêu chí lựa chọn tiết mục đặc biệt trong đêm chung kết Bài hát Việt 2011 diễn ra vào ngày 18-2-2011 tại Nhà hát TP.HCM (truyền hình trực tiếp trên kênh VTV6). Ngoài ra, một số ca khúc từ chương trình trước lại được diễn ở chương trình sau theo kiểu “bổn cũ soạn lại”. Ví dụ, Lá cờ của ca sĩ Tạ Quang Thắng từng đoạt giải Thể nghiệm sáng tạo Bài hát Việt 2010 lại xuất hiện trên sân khấu Bài hát yêu thích.

Nhằm thu hút đông đảo khán giả trẻ chịu bỏ tiền nhắn tin bầu chọn ca khúc, BTC Bài hát yêu thích đã mời gọi những gương mặt đang nổi tham gia chương trình như Hồ Ngọc Hà, Văn Mai Hương, Uyên Linh… Hội đồng tuyển chọn của chương trình này ngoài các nhạc sĩ, nhà báo, nhà sản xuất âm nhạc, còn được bổ sung các người đẹp: cựu hoa hậu Mai Phương Thúy, người mẫu Võ Hoàng Yến… Nhưng những gì khán giả thấy trên màn ảnh nhỏ chỉ là Bài hát Việt nối dài về hình thức và nội dung.

Bội thực “sàn diễn” âm nhạc ảnh 1

Dù quy tụ nhiều ca sĩ nổi tiếng như Hồ Ngọc Hà nhưng Bài hát yêu thích vẫn bị cho là một kịch bản nhạt.

Các cuộc thi hát trên truyền hình hiện tại cũng khiến người xem ngán ngẩm vì những kịch bản na ná nhau, thậm chí khó phân biệt và không nhớ nổi. Sao Mai vẫn bị lẫn lộn với Sao Mai Điểm Hẹn. Nguyên nhân dễ thấy một phần vì cấu tạo của hai chương trình này đều mang tính “ăn theo” các chương trình thi hát quốc tế. Tại TP.HCM, cuộc thi Tiếng hát truyền hình lại không còn thu hút khán giả bởi sự già cỗi và khuôn khổ của nó.

Ngoài ra, những chương trình như Trò chơi âm nhạc, Con đường âm nhạc, Điểm hẹn âm nhạc, Song ca cùng thần tượng, Tiếng ca học đường… cũng không còn là sự chờ đợi của khán giả truyền hình bởi chẳng có gì mới so với nhiều năm về trước. Kể cả một số chương trình càng làm càng đuối như Con đường âm nhạc - thay từ đạo diễn đến MC mà chất lượng của chương trình sau… nhạt hơn chương trình trước.

Các cuộc thi trở thành “sàn diễn” âm nhạc

Chương trình Tìm kiếm tài năng đang diễn ra với hy vọng tìm được một “tài năng” thật sự của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực giải trí. Nhưng sau nhiều vòng sàng lọc, chương trình lại đang sa đà vào mô típ “thi hát” như những chương trình khác, chỉ khác là mở rộng đối tượng hơn, hình thức đa dạng hơn. Tuy nhiên, cách thể hiện và dàn dựng của chương trình đã khiến không ít người so sánh với Vietnam Idol - một “sàn diễn” âm nhạc nổi trội nhưng cũng đầy tai tiếng sau mấy mùa giải. Mặt khác, việc các thí sinh và cả giám khảo chạy từ cuộc thi này sang cuộc thi khác cũng khiến các cuộc thi hát trên màn ảnh nhỏ chỉ còn khác nhau về tên gọi.

Thay vì củng cố và nâng chất lượng các cuộc thi hát đã có sẵn, các công ty tổ chức sự kiện và đối tác truyền hình lại chạy đua “mua sóng”, mua bản quyền Việt hóa chương trình mới. The Voice - một chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc của Mỹ dự kiến sẽ mở đợt tuyển thí sinh tại Việt Nam vào tháng 6 tới trước khi lên sóng vào tháng 9-2012. Tuy nhiên, chỉ với sự khác biệt của chiêu “xoay ghế” và không quan tâm hình thức của thí sinh, không biết các nhà sản xuất tại Việt Nam có làm nổi cho The Voice một ấn tượng đặc biệt nào khi lên sóng!

NGÔ BÙI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm