Báo động nạn trộm cổ vật cung đình Huế!

Quyết tâm thì lớn nhưng biện pháp khả thi để bảo vệ cổ vật vẫn chưa có.

Cách đây ba ngày, di tích lăng Khải Định, còn gọi là Ứng Lăng, ở thôn Châu Chữ, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, nằm trong quần thể di tích cố đô Huế đã bị mất một số cổ vật và một thùng công đức. Trước đó, tháng 7, cũng có thông tin Đại nội Huế và lăng Minh Mạng bị mất cắp thùng công đức và có thể cũng bị mất cổ vật.

Lăng bị trộm, mộ bị đào

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết số cổ vật mới bị mất ở lăng Khải Định bằng bạc, có giá trị. Được biết, số cổ vật này đều là đồ dùng sinh hoạt của vua Khải Định, có xuất xứ từ Pháp và Việt Nam.

Cơ quan chức năng chưa thông báo cụ thể nhưng thông tin báo chí cho biết bảy cổ vật bị mất là bộ khay hình bầu dục từ Pháp có khắc chữ Khải Định niên tạo; bình rượu bằng bạc; bộ đồ xoáy trầu làm bằng đá, bạc, kim loại màu vàng; bộ ấm bằng bạc; gạt tàn thuốc…

Báo động nạn trộm cổ vật cung đình Huế! ảnh 1

Nhà nghiên cứu Phan Thuận An cùng bản ghi chép của ơ mật viện về các bảo vật trong hoàng cung thời vua Bảo Đại. Ảnh: MAI PHƯƠNG

Thực tế, chuyện các lăng tẩm bị trộm cổ vật không phải mới mẻ. Nhà nghiên cứu văn hóa Huế Phan Thuận An nhớ lại: “Riêng lăng Khải Định, cách đây 20 năm cũng từng bị mất một bát nhang lớn, đó là một cổ vật rất quý. Khi đó, một kẻ trộm đóng vai khách du lịch đã bỏ bát nhang vào trong chiếc áo khoác và ra khỏi di tích một cách dễ dàng. Thậm chí, có một số cổ vật dùng làm tùy táng (mai táng) cũng bị kẻ trộm đào bới lên để lấy. Đau lòng nhất là vào khoảng năm 1975-1985, một số lăng mộ ở Huế cũng liên tục bị đạo tặc đào bới. Lăng bà Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức) cũng đã bị đào bới và lấy trộm mũ vàng”.

Ông Phùng Phu thừa nhận rằng ông đang mất ăn mất ngủ vì các sự cố vừa xảy ra. Ông nói: “Chúng tôi đã rất cố gắng. Có đến 200 nhân viên bảo vệ ở các di tích, lăng tẩm. Các thiết bị an ninh như khóa chống trộm được lắp đặt. Nhưng khó khăn hiện nay chính là quần thể di tích quá rộng”. Cũng theo ông Phùng Phu, trách nhiệm để làm mất cổ vật đã được quy rõ cho từng cá nhân.

Cổ vật quý không còn ở Huế!

Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, chuyện cổ vật của triều Nguyễn bị mất là chuyện của lịch sử và của cả con người. “Có một thực tế mà chúng ta phải thừa nhận đó là bao nhiêu cổ vật cung đình triều Nguyễn quý giá nhất thì đã không còn nằm trên đất Huế” - nhà nghiên cứu nói.

Nguyên nhân mất mát này một phần do nhiều biến cố lịch sử. Đó là vụ thất thủ kinh đô vào ngày 23-5 năm Ất Dậu, Pháp tấn công vào Đại nội, chiếm kinh thành đã lấy đi rất nhiều cổ vật quý. Vào tháng 2-1947, khi Pháp trở lại xâm chiếm Việt Nam nói chung và kinh thành Huế nói riêng, một số cung điện hư hỏng, Tử cấm thành cháy ba ngày ba đêm khiến cho tất cả cổ vật quý giá trong hoàng cung tiếp tục bị mất. Tiếp sau đó là những năm chiến tranh khiến hoàng cung trong cảnh vườn không nhà trống và trong những lúc tranh tối tranh sáng, cổ vật lại bị mất mát thêm.

Nhiều thông tin cho biết hiện có rất nhiều cổ vật quý của triều Nguyễn đang được trưng bày ở nhiều bảo tàng của châu Âu. Ví như, tượng con giải trãi đúc bằng vàng, cao 12 cm, nặng 211,7 g đã được đấu giá tại Paris với giá 12.000 euro.

Hiện Huế vẫn còn giữ hàng ngàn cổ vật có giá trị rất lớn về lịch sử, văn hóa. “Dù còn lại không bao nhiêu nhưng con cháu phải cố giữ gìn chừng nào hay chừng đó. Làm như thế để giữ một chút hồn của quá khứ. Nó giống như vô một cái nhà, dù là nghèo thì cũng phải có đồ để trưng bày. Lăng tẩm, cung điện không có cổ vật thì như xác không hồn” - ông Phan Thuận An nhấn mạnh.

Liên lạc qua điện thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, ông Ngô Hòa, cũng khẳng định hiện tỉnh đã chỉ đạo biện pháp tăng cường an ninh nhằm bảo vệ các cổ vật và di tích.

85 kim ngọc bảo tỉ

Báo động nạn trộm cổ vật cung đình Huế! ảnh 2

Một trong những cổ vật quý giá nhất là bảo tỉ đang được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Ảnh: MAI PHƯƠNG

Hiện tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đang lưu giữ 85 cổ vật quý của cung đình triều Nguyễn. Đó là 85 kim ngọc bảo tỉ, tức là những khuôn dấu bằng vàng, ngọc rất quý giá của các đời vua triều Nguyễn. Cụ thể như sắc mệnh chi bảo được đúc từ thời vua Minh Mạng, bằng vàng, nặng 8,3 kg; hoàng đế tôn thân chi bảo cũng được đúc từ thời Minh Mạng, bằng vàng, nặng 8,7 kg. Ngoài ra, khuôn dấu xưa nhất mà Việt Nam còn lưu giữ là Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo, nặng sáu thoi bốn lạng bốn tiền ba phân. Bảo vật này do chúa Nguyễn Phúc Chu đúc năm 1709 và được truyền cho người kế vị ngôi báu.

MAI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm