40 năm điệu kèn buồn

Nghe tiếng gõ cửa, một người đàn ông trung niên với mái tóc muối tiêu, vóc dáng vạm vỡ, lần từng bước chân ra mở cửa, bởi đôi mắt không còn nhìn thấy. Ông chính là nghệ sĩ Lê Tấn Quốc, nổi tiếng trong giới với biệt danh “cây saxophone tâm sự”. Người đã gắn bó với chiếc kèn saxophone hơn 40 năm qua.

Tối mắt, sáng lòng

Đưa tay khuấy nhẹ ly cà phê đen trên bàn rồi nhướng cặp mắt mà tròng mắt chỉ còn lại một màu trắng sáng, như thể cố tìm kiếm một hình ảnh mờ làm điểm tựa, nghệ sĩ saxophone Lê Tấn Quốc chào khách bằng một câu thăm dò: “Cô nghe đĩa của tôi chưa? Có nghe được không?” (album hòa tấu saxophone Đường xưa lối cũ của ông vừa mới phát hành- PV). Chưa kịp nhận câu trả lời, ông nói như tự sự với chính mình: “May mà còn âm nhạc, còn saxophone, đời tôi còn chút thi vị. Nếu một ngày, tiếng saxophone của tôi dừng lại thì cũng là lúc hơi thở của tôi không còn”.

Ảnh do nhân vật cung cấp
Ảnh do nhân vật cung cấp

Cảm nhận được cảm xúc của khách, ông nở nụ cười buồn: “Nghe có vẻ phiến diện nhỉ nhưng đó là sự thật. Bởi, đôi mắt tôi đã mù lòa. Muốn đọc một tờ báo cũng chẳng xong, đọc một bản nhạc chẳng thành. Đi đâu cũng cần người dìu, thậm chí lên xe cũng cần người vịn.

Một việc hết sức đơn giản là kiểm tra tập vở học của con mình, tôi chẳng thể làm được thì sao tôi có thể làm được việc gì hơn. Điểm nổi bật của những người khiếm thị như tôi là một cuộc sống hướng nội nên dễ trầm cảm. Cũng may, cuộc đời tôi còn có âm nhạc. Tôi thổi kèn saxophone không chỉ vì gánh nặng mưu sinh mà còn để trải lòng mình. Nếu không còn thổi kèn được nữa, tôi thật khó kiếm được cảm xúc thi vị trên cuộc đời này”.

Không biết bao lần, ông không dằn nổi lòng mình rồi buông lời oán trách tạo hóa sao bắt ông phải chịu cảnh mù lòa. Nhưng “Cũng may trời chẳng lấy đi hết của ai bao giờ. Không cho tôi sáng mắt nhưng ông trời cho tôi trí nhớ. Tôi có thể nhớ như in tất cả những bản nhạc mà tôi từng thể hiện từ thuở tôi mới đi làm, cả nhạc Tây lẫn ca khúc Việt. Với những bản nhạc mới, tôi chỉ cần nghe qua hai lần là có thể thuộc hết nốt nhạc”- nghệ sĩ Lê Tấn Quốc cho biết. Và rồi, những bản nhạc mới được ông thể hiện lại theo cảm nhận rất riêng của ông.

Như một bảo tàng sống, chứa đầy dữ liệu âm nhạc từ lâu năm, chỉ cần lục lại là có, nghệ sĩ Lê Tấn Quốc được nhiều phòng trà ca nhạc chuộng nhạc xưa mời đến biểu diễn hằng đêm. Ngoài ra, ông còn nối nghiệp cha, trở thành nhà sư phạm, với sự hỗ trợ của những người bạn tốt trong việc soạn giáo trình, truyền dạy lại những kiến thức và kinh nghiệm về âm nhạc của mình cho lớp trẻ.

Trong họa có phúc

Ông kể từ hồi còn trẻ, ông mê theo ngành y. Nhưng không hiểu sao, ông cứ nhận được rất nhiều lời mời biểu diễn từ các vũ trường, phòng trà. Cha mẹ cấm đoán và ông cũng chẳng hào hứng lắm với âm nhạc nhưng cứ nghĩ: “Thôi kệ! Làm kiếm tiền để chủ động trong cuộc sống.

Sau này, chắc chắn mình sẽ trở thành bác sĩ”. Nhưng đúng là đời, chẳng ai có thể sắp xếp được cuộc sống của mình theo ý muốn. Khi cặp mắt của ông ngày càng mờ và sau đó tối hẳn, ông biết mình chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài âm nhạc. Lựa chọn duy nhất của ông là chiếc kèn saxophone. Cứ thế, cuộc đời ông gắn chặt với nghệ thuật không chỉ vì yêu thích mà còn vì mưu sinh.

Dẫu biết mình đang phải gánh căn bệnh quái ác này nhưng chưa bao giờ nghệ sĩ Lê Tấn Quốc thôi hy vọng, rằng một ngày nào đó mình cũng sẽ được sáng mắt. Ông không bỏ lỡ bất cứ cơ hội chữa trị nào, dù phải đi xuống miền xuôi hay lên miền ngược, kể cả tìm đến những bệnh viện nổi danh ở trời Tây.

Nhưng ở đâu, ông cũng nhận được cái lắc đầu. “Nói hơi tâm linh, số tôi phải chịu kiếp nạn này thì tôi phải gánh thôi”- ông nói. 56 tuổi, đã chứng kiến bao sự đổi thay của cuộc đời và của chính mình và dù kết luận rằng “đời tôi buồn nhiều hơn vui” nhưng ông bảo: “Hãy nhìn đời một cách nhẹ nhàng hơn. Những năm gần đây, tôi ngộ ra rằng hãy chấp nhận những ngọt ngào và cả cay đắng của số phận”.

Vì điều đó, ông không còn kêu than oán trách số phận nữa. Ông bảo nghĩ mà thấy cuộc đời con người ngắn ngủi lắm, ai rồi cũng phải đi đến điểm cuối con đường của đời mình. Con người khi sinh ra, mọi người xung quanh vui cười còn mình thì khóc. Đến khi mất đi, người thân xung quanh thì khóc còn mình sẽ phải được mỉm cười.

Cuộc trò chuyện của khách với ông bị ngắt quãng bởi vài cuộc điện thoại. Trở lại câu chuyện, ông bảo “trong họa có phúc. Tôi mù lòa nhưng được nhiều người yêu mến”. Ông cho biết mỗi ngày ông tiếp không ít những cuộc điện thoại của người hâm mộ gọi đến như thế. Họ vừa gọi hỏi lịch diễn của ông để đi xem. “Công bằng mà nói, tôi vẫn là người may mắn” - ông mỉm cười mãn nguyện.

Theo Thùy Trang (NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm