KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY BÁC HỒ RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC:

30 năm hát về “dấu chân trăn trở của Người”

Trong những dịp mừng sinh nhật Bác Hồ, nhất là trong đợt kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ từ bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911), những lời ca trầm hùng của bài hát Dấu chân phía trước ngày đêm vang lên trên mọi ngả đường Tổ quốc. Ca khúc Dấu chân phía trước thường được các giọng nam biểu diễn cùng dàn hợp xướng càng làm cho lời ca nốt nhạc khắc họa sâu đậm những “dấu chân trăn trở của Người”. Bài hát thành công bởi sự kết hợp lời thơ chân thành, giản dị của nhà thơ Hồ Thi Ca hòa quyện giai điệu khi sâu lắng, trầm hùng lúc ngợi ca, hào sảng của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn và sự chuyển tải cảm xúc lắng đọng đầy trân trọng của các giọng ca nam hàng đầu: Tuấn Phong, Hữu Nội, Cao Minh, Tạ Minh Tâm, Anh Bằng... Gần đây các giọng nữ Đoan Trang, Trang Nhung... đem lại hơi thở mới lạ cho ca khúc này.

30 năm hát về “dấu chân trăn trở của Người” ảnh 1

Sau gần 30 năm viết chung ca khúc Dấu chân phía trước, NS Phạm Minh Tuấn và nhà thơ Hồ Thi Ca mới có dịp cùng đi trên đường Hồ Chí Minh trong chuyến đi thực tế sáng tác ca khúc về các nữ anh hùng TNXP Ngã ba Đồng Lộc do Báo CATPHCM tổ chức

Có sự trùng hợp khá độc đáo: kỷ niệm 100 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước cũng là dịp đánh dấu đúng 30 năm bài thơ và ca khúc Dấu chân phía trước ra đời. Nhà thơ Hồ Thi Ca cho biết, ông viết bài thơ Dấu chân phía trước vào năm 1981 khi vừa rời ghế giảng đường Đại học Sư phạm TPHCM. Bài thơ được nhà thơ Bảo Định Giang, TBT Báo Văn Nghệ TPHCM, cho đăng trang trọng nguyên một cột của trang báo khổ lớn. Hồ Thi Ca nhớ lại: “Khi viết Dấu chân phía trước, tôi đã nghĩ về năm 1911 khi Nguyễn Tất Thành đến Sài Gòn, dấu chân Người đã in những bước lịch sử trên bến Nhà Rồng. Viết về Bác Hồ vô cùng khó, vì rất nhiều thơ nhạc đã viết về Người. Tôi nghĩ mình phải viết rất thật tâm trạng của mình, cũng là tâm trạng của thế hệ chưa từng một lần được gặp Bác nên tôi đã viết mà không cần văn vẽ: “Khi ấy tôi chưa ra đời. Khi tôi còn là hạt bụi. Bay trong bão giông lầm lũi. Đọa đày cùng mẹ cùng cha. Bác bước lên tàu đi xa...”. Tôi muốn cám ơn nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã rất đồng cảm, nắm được cốt tủy của bài thơ nên anh mở đầu ca khúc rất ấn tượng: “Khi tôi còn là hạt bụi, Người đã  lên tàu đi xa...”.

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn nổi tiếng với nhiều ca khúc Bài ca không quên, Đất nước, Khát vọng, Sao biển... cho biết khi đọc bài thơ Dấu chân phía trước ông tâm đắc với nhiều đoạn và những đoạn thơ đó đã được ông đưa vào bài hát, tuy nhiên có chuyển đổi vị trí một số câu, đoạn cho phù hợp âm nhạc. Phóng sự của Hãng phim TFS thuộc Đài truyền hình TPHCM (HTV) về bài thơ và ca khúc Dấu chân phía trước (phát sóng hồi tháng 5 vừa qua) kết thúc bằng lời bình đánh giá: “Từ những rung cảm sâu sắc, tình cảm chân thành - Dấu chân phía trước đã trở thành bản hùng ca bất tử, là một trong số ít những sáng tác hay viết về Bác sau 1975”. 

Theo NHÃ THI (CATP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm