Thi ngữ văn không còn học thuộc lòng

Đề thi tốt nghiệp môn ngữ văn sẽ ra theo hướng đề mở, học sinh không phải học thuộc, qua đó phát huy được năng lực, trí tuệ, tình cảm, đạo đức của học sinh, gắn với thực tiễn cuộc sống. Đó là thông tin được Bộ GD&ĐT đưa ra tại hội thảo Đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập môn ngữ văn ở trường phổ thông, diễn ra ngày 10-4 tại Hà Nội.

Phải có bước đi phù hợp

Bày tỏ sự đồng tình khi Bộ đổi mới cách ra đề, ông Trần Tiến Thành, Sở GD&ĐT TP.HCM, cho rằng nếu không đổi mới thì khi học sinh làm bài sẽ cho sản phẩm là bữa ăn đã dọn sẵn, thậm chí nhai sẵn cho các em vì đề thi có sẵn trong sách giáo khoa. Tuy nhiên, Bộ cần có văn bản hướng dẫn cấu trúc cụ thể của đề thi để các thầy cô an tâm.

PGS-TS Hoàng Văn Cẩn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng việc giảm thời gian thi môn văn là chưa hợp lý. “Là giáo viên dạy văn, tôi đọc một đề tham khảo của Bộ GD&ĐT đưa ra hết chín phút. Thi chỉ 120 phút, như vậy thời gian đâu mà làm bài” - ông Cẩn lo lắng. Thêm nữa, dự kiến lại có thêm phần đọc hiểu, đây là phần mà học sinh chỉ được học ở tiểu học, còn lên trên không được học. Liệu học sinh có đáp ứng được không?

 
Các thí sinh ôn thi môn ngữ văn trước khi vào phòng thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Ảnh: HTD

Đại diện Sở GD&ĐT Thừa Thiên-Huế cho rằng đổi mới là hợp lý vì cách thi của chúng ta đã quá lạc hậu. Nhưng thực tế xưa nay học thế nào thi thế đó. Đổi mới nhanh quá liệu thầy cô và học sinh có làm tốt không? “Đổi mới cần có lộ trình, giáo viên và học sinh tiếp cận dần dần. Học sinh giỏi cảm thấy hứng thú nhưng học sinh nông thôn, học sinh trung bình sẽ tá hỏa” - vị này nói.

Bà Phạm Thị Huệ, Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định, cho rằng chỉ còn hai tháng, giáo viên dạy văn cảm thấy khó và lo lắng. “Nếu đề thi gồm hai phần đọc hiểu và viết thì tỉ lệ điểm mỗi phần là bao nhiêu? Liệu phần đọc hiểu ra theo hướng tích hợp cho một đoạn văn rồi đưa ra một hệ thống câu hỏi, hay sẽ là những câu hỏi rời nhau”.

Trả lời băn khoăn của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết mấy năm nay Bộ không có cấu trúc đề thi mà chỉ nói đến ma trận đề thi. Cách ra đề sẽ dựa vào cách đánh giá của PISA, tức là hướng đến phát triển toàn diện năng lực của người học, kiến thức không bắt học sinh phải học thuộc máy móc.

Cũng theo ông Hiển, đổi mới kiểm tra đánh giá phải đi trước một bước, năm sau yêu cầu cao hơn năm trước nhưng sẽ có bước đi phù hợp để học sinh vẫn làm được bài.

Đề mở nhưng chấm có mở?

Nhiều ý kiến cho rằng trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH gần đây, nội dung các câu hỏi đã có phần mở nhưng hướng dẫn chấm (thực chất là đáp án) vẫn cứng nhắc, chưa thực sự mở.

Với tư cách là một phụ huynh có con đang học phổ thông, PGS-TS Bùi Mạnh Nhị cho rằng mặc dù đề mở nhưng cách chấm không mở. Học sinh làm văn nhất nhất phải theo yêu cầu của cô. Vì vậy đã không kích thích được sự say mê, sáng tạo, tìm tòi của học sinh.

Đồng quan điểm trên, PGS-TS Nguyễn Trí cho rằng hiện nay khi chấm bài, giáo viên hoặc không tôn trọng hoặc lúng túng, đánh giá chưa đúng mức những sáng tạo riêng, thiên hướng và năng khiếu ngữ văn của học sinh. Ông đề nghị cần phải chấp nhận tất cả phương án khác nhau, đặc biệt là phương án độc đáo của học sinh.

PGS-TS Đỗ Ngọc Thống, Vụ phó Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT, cho biết phương thức đánh giá mới sẽ không chú trọng yêu cầu học sinh học thuộc, nhớ máy móc, nói đúng và đủ những điều thầy cô đã dạy mà coi trọng ý kiến và cách giải quyết vấn đề của mỗi cá nhân người học, động viên những suy nghĩ sáng tạo, mới mẻ, giàu ý nghĩa, tôn trọng phản biện trái chiều, khuyến khích những lập luận giàu sức thuyết phục. “Muốn thế đề thi và đáp án cần theo hướng mở, với những yêu cầu và mức độ phù hợp, tránh cả hai khuynh hướng cực đoan: Đóng một cách cứng nhắc, máy móc, làm thui chột sự sáng tạo và mở theo một cách tùy tiện, không biên giới, phi thẩm mỹ, phản giáo dục” - ông Thống nói.

HUY HÀ

 

Đề thi không chỉ trong sách giáo khoa

PGS-TS Bùi Mạnh Hùng, ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng ngữ liệu được dùng trong các bài kiểm tra đánh giá và bài thi để đánh giá kết quả giảng dạy rất nghèo nàn, chủ yếu là những văn bản đã có trong sách giáo khoa. Các đề thi ngữ văn thường xoay quanh những tác giả và tác phẩm quen thuộc, đến mức có năm người ta có thể khoanh vùng được một phạm vi rất hẹp các tác giả và tác phẩm mà người ra đề có thể ra.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, năm nay đề thi có thể có văn bản nằm ngoài sách giáo khoa nhưng sẽ không vượt quá năng lực mình muốn hướng tới.

Học văn nhưng viết cái đơn không xong

Nhà trường chú trọng dạy học sinh cách tiếp nhận văn bản thơ văn, nghệ thuật, trong khi đó một số văn bản thông thường, gần gũi và thường xuyên phải sử dụng trong cuộc sống thì lại bị coi nhẹ. Hàng loạt học sinh ra đời vẫn không biết viết một bản tường trình, một đơn xin việc, một biên bản cuộc họp cho đúng nội dung và quy cách.

PGS-TS ĐỖ NGỌC THỐNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm