10 vụ án tham nhũng lớn gặp vướng mắc

Trong buổi làm việc với đoàn công tác của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 12-9, VKSND Tối cao đã báo cáo sơ bộ 10 vụ án có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp. Tất cả đều thuộc diện phải trả hồ sơ, điều tra bổ sung, thời gian xử lý kéo dài, trong đó có những vụ gặp nhiều vướng mắc, cần có chỉ đạo tháo gỡ.

Chờ kết quả ủy thác, giám định

Cụ thể, trong vụ liên quan đến việc mua bán, sửa chữa ụ nổi 83M tại Vinalines, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C48) đã khởi tố từ tháng 2-2012, sau đó hai lần khởi tố bổ sung. Cuối tháng 5-2013, cơ quan này đã có kết luận điều tra, đề nghị truy tố phần tham ô tài sản nhưng hai tháng sau, VKSND Tối cao phải trả lại hồ sơ đề nghị điều tra bổ sung. Về phần che giấu tội phạm liên quan đến nguyên chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên cục trưởng Cục Hàng hải Dương Chí Dũng, sau khi C48 khởi khởi tố bổ sung thì VKSND Tối cao đã quyết định chuyển cho Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiếp tục làm rõ.

Trong vụ án lớn này còn mảng hành vi cố ý làm trái liên quan tới bị can Dũng và nhiều người khác, trong đó có cán bộ hải quan, đăng kiểm. Cơ quan điều tra đã phát hiện nhiều sai phạm trong lập, phê duyệt dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam và mua, vận chuyển, sửa chữa ụ nổi 83M gây thiệt hại lớn, nâng giá trị mua ụ từ 12,5 triệu USD lên 26,3 triệu USD... Tuy nhiên, vụ án đang bị tắc vì chưa có kết quả tương trợ tư pháp từ CHLB Nga, khó thu thập được tài liệu từ các công ty ngoại quốc có liên quan. Đáng chú ý, cơ quan điều tra phát hiện khoản tiền 1,66 triệu USD tình nghi là có chiếm đoạt, ăn chia, hưởng lợi cá nhân nhưng chưa có chứng cứ vững chắc.

10 vụ án tham nhũng lớn gặp vướng mắc ảnh 1

Vụ mua bán, sửa chữa ụ nổi 83M tại Vinalines là một trong những vụ án tham nhũng lớn mà VKSND Tối cao phải trả lại hồ sơ đề nghị điều tra bổ sung. Ảnh: VOV

Còn trong vụ vay mượn hơn 1.000 tỉ đồng liên quan giữa Công ty Dệt kim Đông Phương và Ngân hàng Nông nghiệp chi nhánh 6 TP.HCM, Ngân hàng Phương Nam, C48 đã khởi tố từ cuối tháng 9-2012, đến nay đã qua hai lần gia hạn điều tra. Vụ án đang bị kéo dài do thiếu kết quả giám định tài sản thế chấp, giám định tài chính với Đông Phương cũng như giám định của Ngân hàng Nhà nước về các nghiệp vụ ngân hàng trong vụ án.

Thiếu hướng dẫn, khó xử lý

Tương tự, vụ Huỳnh Thị Huyền Như (cán bộ Vietinbank Chi nhánh TP.HCM) lừa đảo chiếm đoạt của chín công ty, ba ngân hàng và ba cá nhân khoảng 4.000 tỉ đồng, VKSND Tối cao đã phải hai lần trả hồ sơ điều tra bổ sung đến nay vẫn chưa xong. Theo VKSND Tối cao, quá trình thụ lý đang bị vướng ở cách hiểu tội cho vay lãi nặng: Thế nào là “mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định”, thế nào là “tính chất chuyên bóc lột”, bao nhiêu là “thu lời bất chính lớn”? Còn tội danh cố ý làm trái… lâu nay vẫn được áp dụng với chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước, trong hành vi liên quan đến công vụ. Vậy có thể áp dụng vào trong vụ án này, với các bị can là người của các ngân hàng, công ty cổ phần không có vốn nhà nước hoặc có nhưng ít?

Cũng liên quan đến hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nông nghiệp Chi nhánh Nam Hà Nội đang bị treo một khoản vay lớn là hơn 3.500 tỉ đồng nợ gốc (tương đương 180 triệu USD). Bên vay là Liên doanh Lifepro VN ở khu công nghiệp Gián Khẩu (Ninh Bình). Hồ sơ vay xác định là nhà xưởng, thiết bị của công ty may này, tổng trị giá hơn 1.500 tỉ đồng, chủ yếu được hình thành bằng tiền đi vay. Tuy nhiên, khi kiểm tra lại thì một lô hàng thế chấp ghi sổ giá trị 300 tỉ đồng đã không còn; nhiều máy móc là thiết bị cũ, không đúng chủng loại; giá trị thương hiệu 50 triệu USD dùng để thế chấp không có thực...

Vụ án này đến nay đã khởi tố tám bị can là cán bộ ngân hàng, năm bị can là cán bộ Hải quan Hà Tây cũ, Hải quan Hà Nội. Tuy nhiên, quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn do nhóm bị can người nước ngoài có dấu hiệu lừa đảo đã bỏ trốn, chưa lấy được lời khai, truy nã chưa có kết quả; ủy thác tư pháp hình sự Việt Nam ở thế bị động, phải chờ đợi lâu. Việc giám định, định giá tài sản gặp nhiều vướng mắc do khối lượng tài sản lớn, hồ sơ chứng từ không đầy đủ, có những nội dung không thể giám định được...

Làm rõ vấn đề án treo

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Bá Thanh - Phó thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng ban Nội chính trung ương - cho biết trong cuộc kiểm tra, giám sát này, đoàn công tác sẽ đi sâu vào một số vụ việc. Vướng mắc nào có thể tháo gỡ được ngay thì sẽ hỗ trợ, thúc đẩy. Còn những vướng mắc, bất cập về cơ chế thì đoàn công tác sẽ tổng hợp, báo cáo với Bộ Chính trị để có hướng sửa đổi, bổ sung pháp luật.

Trước buổi làm việc với VKSND Tối cao, hôm 11-9, đoàn công tác đã làm việc với TAND Tối cao, qua đó thấy một số vấn đề cần khắc phục ngay. Chẳng hạn, phải rà soát xem tại sao nhiều vụ việc phải trả hồ sơ, điều tra bổ sung nhiều lần; tỉ lệ án treo dành cho tội phạm tham nhũng quá cao, gây hoài nghi trong xã hội.

“Hôm trước họp Ban Chỉ đạo có yêu cầu siết lại án treo. Luật quy định như vậy nhưng áp dụng cụ thể thì lúc nào cho hưởng án treo, lúc nào không. Đợt kiểm tra lần này chúng tôi sẽ làm rõ” - ông Nguyễn Bá Thanh nói.

Theo kế hoạch, đoàn công tác sẽ tiếp tục làm việc tại TAND Tối cao, VKSND Tối cao để nghiên cứu, thảo luận những hồ sơ, vụ án cụ thể, theo đúng tính chất kiểm tra, giám sát việc thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng.

Còn những vụ cho “treo” thiếu thuyết phục

Sáng 11-9, làm việc với đoàn công tác, TAND Tối cao báo cáo từ 1-1-2011 đến 30-6-2013, ngành tòa án đã thụ lý trên 1.000 vụ án với trên 2.200 bị cáo phạm các tội về tham nhũng (trong đó có 19 vụ án Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống, tham nhũng theo dõi, chỉ đạo).

Theo TAND Tối cao, các trường hợp phạm tội về tham nhũng được tòa cho hưởng án treo đã có xu hướng giảm dần (từ 37% trong năm 2011 còn 28% trong năm 2012 và sáu tháng đầu năm 2013). Về cơ bản, việc cho hưởng án treo là có căn cứ pháp luật, chỉ có sáu bị cáo bị tòa phúc thẩm sửa án sang tù có thời hạn. Tuy nhiên, TAND Tối cao thừa nhận một số trường hợp, việc quyết định cho bị cáo phạm tội về tham nhũng được hưởng án treo là thiếu tính thuyết phục. Nguyên nhân được lý giải là do “hội đồng xét xử mới chỉ xem xét tính chất pháp lý đơn thuần của vụ án mà chưa xem xét đầy đủ yêu cầu đấu tranh đối với các loại tội phạm này trong tình hình hiện nay, cũng như sự ảnh hưởng của việc giải quyết vụ án đối với tình hình chính trị, xã hội của địa phương, nên ra các phán quyết chưa thực sự thuyết phục; đôi khi còn nặng về nhân thân, cho rằng nhân thân tốt để cho hưởng án treo trong khi các bị cáo phạm tội tham nhũng thường là những người có nhiều tình tiết giảm như có những cống hiến nhất định hoặc phạm tội lần đầu”…

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm