Phải chấm dứt điệp khúc hết tết là hết tiền

Chúng tôi là dân nhập cư, sống ở thành phố được chục năm nay. Công việc cả hai vợ chồng thuộc tầm trung, nên chắt chiu lắm mới mua được nhà ngoại thành.

Nói về sự chắt chiu, phải nói vợ tôi có một không hai. Mọi thứ đều phải hết sức dè sẻn, từ ăn uống đến sinh hoạt, dè sẻn ngay với con cái. Cô ấy bảo “em mà không tính toán, bố con anh từ khổ tới khổ”. Khẩu phần ăn hết sức khiêm tốn, nhiều lần tôi tặc lưỡi vì thương con, vợ tôi bảo “ngày xưa mình được một phần như tụi nhỏ bây giờ, ăn chi cho cố rồi béo phì ra đấy”.

Đành rằng tiện tặn là tốt, nhưng phải nói vợ tôi quá thực dụng. Với cô ấy thì những gì hiện hữu, nắm bắt được, sờ mó được mới là chắc mẩm, còn những thứ được xem là gia vị cuộc sống như treo bức tranh, cắm lọ hoa trong nhà thì còn lâu. “Chúng ta có thể sống tốt nếu thiếu lọ hoa hay bức tranh, em trung thành với cái mặt mộc, mái tóc ngắn và những bộ cánh đơn giản, nhưng nếu không có phương tiện, sao có thể đi làm; không có cái ăn, sao có thể sống; không có nhà, lấy gì mà ở…”. Rồi cô ấy kéo tôi vào công việc “để lo cho tương lai con cái sau này”, khiến tôi muốn nghẹt thở.

Quần quật quanh năm suốt tháng như thế, nhưng hễ tết đến là cô ấy nhất định phải lên kế hoạch về quê. Cả năm tằn tiện cho lắm vào, đến tết cô ấy chơi xả láng. Theo cô ấy vào siêu thị, tôi choáng ngợp và ngạc nhiên trước sức chịu chi của vợ. Cô ấy mua không thiếu những món hàng phục vụ ngày tết, từ bánh trái đến các món khô, rồi quần áo, và các loại quà tặng cho đứa trẻ nít đến người già cả hai bên nội ngoại. Rồi còn nhẩm tính chuyện lì xì (may mà vé tàu đã mua từ trước đó).

 Thật nghịch lý khi phải tiết kiệm mọi thứ suốt cả năm để rồi đến tết, vợ quyết chi mạnh tay cho kế hoạch về quê. Ảnh minh họa

Thật nghịch lý khi phải tiết kiệm mọi thứ suốt cả năm để rồi đến tết, vợ quyết chi mạnh tay cho kế hoạch về quê.  Tôi càm ràm thì vợ bảo “mang tiếng sống ở thành phố, cả năm về quê một lần mà đi bằng cái mạng trành coi sao đặng!”, rồi “tết là phải ưu tiên về quê, chấp nhận tốn kém, mà tốn chính đáng”.

Tôi không phân tích chuyện chính đáng hay không, vì nói ra là cãi cọ, nhưng việc nhất thiết phải về tết mỗi năm, nhất thiết phải quà cáp, lì xì, trong khi suốt cả năm trời vợ chồng con cái phải hết sức dè sẻn, thì chuyện xả láng mấy ngày tết không phải nghịch lý thì là gì?

Tôi biết cô ấy sĩ diện. Cái sĩ diện đã làm chúng tôi vất vả hết năm này sang năm khác. Ngay khi ngồi trên chuyến tàu hỏa trở về thành phố, vợ tôi lại bàn bạc kế hoạch làm thêm năm mới, và tôi biết mình lại sắp trở thành cỗ rô bôt di động, quần quật suốt cả ngày.

Lần này tôi bảo như ra lệnh “từ nay hai, ba năm mới về quê một lần. Đâu phải Sài Gòn không có tết. Lần nào về quê cũng  ngốn 30 triệu đồng, bằng lương nửa năm trời của anh rồi”. “Anh không về thì em về”. “Em về thì khi trở vô lo mà cày nhé”.

Mới đầu năm mới, lại đang ở trên tàu, tôi không tranh luận nhiều mà dặn lòng từ nay phải tỏ rõ quan điểm của mình. Con cái đã lớn, thu nhập chúng tôi không cao nhưng ổn định, cũng phải biết tự thưởng cho bản thân và con cái khoảng thời gian nghỉ ngơi hợp lý, hay những nhu cầu vật chất, tinh thần chính đáng, chứ không nhất thiết là hễ tết thì về quê, khiến con cái ngoài quê nhà ra, chẳng có điều kiện trải nghiệm thêm địa danh nào khác.

Trước mắt, hè năm nay tôi sẽ đưa cả nhà đi chơi Vũng Tàu. Nhất định như thế. Tôi sẽ không tiếp tục chấp nhận để cho thói sĩ diện hão của vợ bào mòn những thú vui khác của gia đình, của các con tôi nữa. Nhất định thế. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm