Đứa con trai bị bỏng của bà mẹ ve chai

Giữa trưa nắng, chị Lê Thị Tính cọc cạch chiếc xe đạp cũ mèm đảo khắp phường An Thạnh, thị xã Thuận An, Bình Dương tìm mua ve chai. Chị không dám đạp đi xa vì bé Đoàn Công Hoài Nam đang ở nhà một mình.

Cũng bởi chỉ luẩn quẩn quanh xóm, cả ngày hôm ấy chị Tính không mua được mảnh đồng nát nào. Người đàn bà lủi thủi trở về căn trọ nghèo với cái cần xé trống trơn, gương mặt thất vọng, nhễ nhại mồ hôi. Đứa con ra cửa đón mừng, đặt bàn tay đầy vết sần cháy lên gò má mẹ, hôn lấy hôn để. Chị Tính ôm chặt con vào lòng, nước mắt chực trào ra nhưng cố nén lại, sợ nhỏ xuống chạm vào những vết thương đang rỉ máu trên người con.

Hơn một năm trước, Hoài Nam đang ngủ thì đường dây điện bị chập, ngôi nhà trong phút chốc biến thành ngọn đuốc sáng. Lửa cháy lớn khiến mọi người cuống cuồng lo dập, quên hẳn đứa bé vẫn còn bên trong. Khi phát hiện ra, toàn thân em đã bị lửa dữ ngấu nghiến.

Tại BV Nhi đồng 1, bé Nam được chẩn đoán bỏng nặng cấp độ 3, nhiễm trùng máu, suy hô hấp. Vợ chồng chị Tính sống trong lo lắng phập phồng khi cứ vài ba bữa bác sĩ lại lắc đầu: “Anh chị chuẩn bị tâm lý đi, bé khó qua khỏi”.

Còn nước còn tát, chị Tính ngược xuôi vay mượn hơn 100 triệu đồng chữa bệnh cho con. Điều kỳ diệu đến sau bốn tháng điều trị, bé Nam thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Ngày tháo bỏ lớp băng trắng trên người con trai, người mẹ nghẹn ngào. Cơ thể Nam giờ đây biến dạng nặng nề, chằng chịt vết sẹo ở mặt, cánh tay và cẳng chân. Cũng từ ngày đó, chị Tính chuyển sang mua bán ve chai để tiện chăm sóc đứa bé.

Trong căn nhà trọ vỏn vẹn 6 m2, người mẹ đang thoa thuốc làm mềm da cho con trai trước giờ đi học. Ảnh: HOÀNG LÊ

Tai bên trái của bé Hoài Nam đang dần khép lại vì biến chứng. Ảnh: HOÀNG LÊ

Trong căn nhà trọ ẩm thấp vỏn vẹn 6 m2, những thứ đồ đạc tả tơi được sắp xếp gượng gạo, chồng lấn lên nhau, cốt để làm sao bé Nam nằm thoải mái nhất. Chị Tính rưng rưng: “Lúc mới ra viện, hễ ai nhắc đến cháy nổ là nó hét toáng lên, lết sát vào góc tường, không chịu ăn uống. Tới giờ dù đỡ nhiều, thằng bé vẫn còn ám ảnh”.

Nhìn từng mảng da non dưới cẳng chân bé Nam tróc ra, lộ cả phần thịt, mủ máu nhểu xuống nền nhà mới thấy nỗi đau của người mẹ trẻ không gì tả xiết được. Thằng bé vẫn vô tư cầm những tờ bệnh án đọc vanh vách. Từng chữ, từng chữ như cứa vào lòng người nghe.

Mới hồi đầu hè, chị Tính phẫu thuật chân trái cho con. Ca mổ tốn hơn chục triệu, số tiền vợ chồng chị vất vả làm lụng cả năm trời tích cóp. Chị Tính bảo: “Còn chân bên phải để hè năm sau làm, hai tay thì hè năm sau nữa. Cỡ nào cũng ráng cho nó phẫu thuật để đứng thẳng như người ta”.

Người mẹ có một nỗi lo lớn hơn, phần lỗ tai trái của bé Nam đang dần bít lại, để lâu không trị sẽ vĩnh viễn không nghe được.

Chúng tôi rời căn trọ nhỏ của chị Tính khi bé Nam đến giờ đi học. Cậu nhóc đeo khăn quàng, nói với ra: “Chú ơi, chú còn chưa chụp ảnh lưng con nè, lưng con cũng nhiều sẹo lắm”.

Nghe giọng nói ấy, tôi biết em còn quá nhỏ để hiểu hết những bất hạnh của mình. Sợ khi lớn lên, sự vui tươi sẽ thế bằng cảm giác mặc cảm. Sợ người mẹ nghèo không kịp kiếm tiền để chạy đua với số phận đang đùa nghịch trên cơ thể con trai.

Người đàn bà lại cọc cạch chiếc xe đạp chở con đi học. Chở đống ve chai. Chở cả lo toan bộn bề.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm