Xe hút hầm cầu vẫn xả bậy

Tại buổi đối thoại cùng chính quyền TP.HCM về chủ đề môi trường do đài tiếng nói nhân dân TP.HCM tổ chức, nhiều thính giả phản ánh có tình trạng xe chở phân hầm cầu đổ bậy, thậm chí dùng phân để bón rau muống nhưng chẳng thấy cơ quan chức năng xử phạt.

Lén lút đổ bậy

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT), nhận định việc này là có thật. Sở TNMT vẫn thường xuyên phối hợp Cảnh sát Môi trường để theo dõi, kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng nên không làm xuể, dẫn đến vẫn còn hiện tượng xe chở phân hầm cầu lợi dụng chỗ vắng vẻ lén lút đổ bậy.

Ông Phước cho biết TP chỉ quy hoạch một chỗ đổ và xử lý phân hầm cầu duy nhất tại Khu xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh) nên tất cả xe nào đem đổ ở chỗ khác đều là đổ bậy. Hiện TP cũng chỉ có Công ty Môi trường đô thị TP và Công ty TNHH Xử lý bùn hầm cầu Hòa Bình đảm trách việc hút, vận chuyển phân hầm cầu.

“Thấy chuyện này, Sở TNMT đã kiến nghị UBND TP cho trích ngân sách chi tiền trang bị thiết bị định vị toàn cầu cho tất cả xe hút phân hầm cầu, không kể nhà nước hay tư nhân và đã được TP đồng ý. Theo đó, tới đây vào tháng 7-2010, ngân sách TP sẽ chi hơn 2 tỉ đồng để trang bị thiết bị định vị toàn cầu cho các xe, tính ra khoảng 20 triệu đồng/xe, tuy đắt nhưng sẽ rất hiệu quả. Lúc đó, xe chở phân hầm cầu đi đâu, làm gì… thì Sở TNMT đều biết hết, thấy hết. Nếu anh nào dám đổ bậy thì Thanh tra Sở TNMT sẽ xử phạt nặng cả chủ xe và tài xế, thậm chí có thể tịch thu xe. Hy vọng lúc đó tình trạng đổ bậy phân hầm cầu sẽ chấm dứt” - ông Phước nói.

Xe hút hầm cầu vẫn xả bậy ảnh 1

Nếu các xe hút phân hầm cầu đều được gắn GPS thì có thể hiện tượng đổ lén phân hầm cầu sẽ chấm dứt. Trong ảnh: Một xe lén đổ bậy phân hầm cầu bị cơ quan chức năng bắt quả tang. Ảnh: MINH PHONG

Vẫn đầu độc kênh rạch

Nhiều cử tri cũng phản ánh vẫn có việc nhiều doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp lén lút xả thải. Ông Phạm Thanh Trực, Trưởng phòng Quản lý môi trường - Ban quản lý Các khu chế xuất, khu công nghiệp TP (Hepza), cho biết đến nay tất cả 13 khu chế xuất-khu công nghiệp ở TP đều có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Đồng thời, Hepza cũng yêu cầu hơn 1.000 doanh nghiệp nằm trong 13 khu này phải làm hệ thống đấu nối về nhà máy xử lý nước thải tập trung và đa số đều chấp hành.

“Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) chưa làm hệ thống đấu nối và vẫn còn hiện tượng lén lút xả nước thải chưa qua xử lý thẳng ra kênh Thầy Cai-An Hạ. Việc này gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho người dân hai huyện Củ Chi (TP.HCM) và huyện Đức Hòa (Long An). Sắp tới, Hepza sẽ đi kiểm tra, xử lý nghiêm và buộc tất cả doanh nghiệp này phải làm hệ thống đấu nối vào nhà máy xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp Tân Phú Trung” - ông Trực nhấn mạnh.

Khổ vì trại heo

Nhiều cử tri phản ánh ở đường Bùi Công Trừng thuộc xã Nhị Bình (huyện Hóc Môn) có hiện tượng nhiều cơ sở chăn nuôi heo dùng vải vụn đốt để nấu cám cho heo ăn, gây khói bụi rất nguy hiểm.

Ông Cao Tung Sơn, Phó phòng Quản lý môi trường (Sở TNMT), cho biết hành vi đốt vải vụn, vỏ hạt điều, vỏ xe… là không được phép, người dân cần báo ngay cho chính quyền địa phương để xử lý. Nếu địa phương không đủ phương tiện thì Sở TNMT sẽ đem máy móc xuống đo đạc không khí, đánh giá và xử phạt nghiêm. Trường hợp cụ thể tại đường Bùi Công Trừng, Sở TNMT sẽ xuống kiểm tra, xử lý ngay.

TRỌNG MẠNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm