Vụ thuốc Tamiflu: Các công ty dược: “Lãi không quá 2%”

Sáng qua (13-9), bốn công ty dược (gồm Công ty CP Dược phẩm Phú Yên (Pymepharco), Công ty CP Dược phẩm Imexpharm, Công ty CP Dược phẩm Vĩnh Long và Công ty TNHH Liên doanh Stada Việt Nam có liên quan trong vụ thuốc Tamiflu đã tổ chức họp báo giải thích một số thông tin trong dự thảo kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Tuy nhiên, nhiều câu hỏi liên quan đến thương vụ này đã không được trả lời. Dù than rằng bị Bộ Y tế ấn định giá mua thuốc thấp nên doanh nghiệp bị lỗ, doanh nghiệp phải hy sinh lợi ích để làm dự án vì an ninh quốc gia nhưng các doanh nghiệp lại vô ý cho thấy đã có lãi trong thương vụ sản xuất thuốc Tamiflu.

Từ chối trả lời cơ sở tính giá 1,9 USD/viên

Báo Pháp Luật TP.HCM đặt vấn đề về mối liên quan giữa giá mua nguyên liệu - giá thành của thuốc và các công ty dược cho biết có gửi thông tin về giá mua nguyên liệu cho Bộ Y tế, có tự tính giá thành thuốc là 1,90, 1,91 và 1,92 USD/viên. Tuy nhiên, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã khảo sát giá thuốc trong khu vực, có giá của Trung Quốc 2,59 USD/viên, Ấn Độ 2,5 USD/viên, Indonesia 2 USD/viên, Bangladesh 1,8 USD/viên, Thái Lan 1,75 USD/viên. Từ đó đã định giá trần cho thuốc sản xuất tại Việt Nam là 1,8 USD/viên và cuối cùng chốt giá mua thuốc là 27.765,5 đồng/viên (khoảng 1,75 USD/viên).

Vụ thuốc Tamiflu: Các công ty dược: “Lãi không quá 2%” ảnh 1

Thuốc Tamiflu và khẩu trang trong mùa dịch cúm. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp cho rằng với giá này thì doanh nghiệp bị lỗ nhưng do đã đặt cọc tiền mua nguyên liệu thuốc (mỗi doanh nghiệp đặt 2 triệu USD) nên phải tiếp tục thương vụ, mua thuốc về để sản xuất.

PV Pháp Luật TP.HCM đặt câu hỏi làm rõ vấn đề xác định giá thuốc nhưng doanh nghiệp không cho biết cụ thể giá thành 1,9 USD/viên thuốc được tính dựa trên các yếu tố chi phí như thế nào, trong đó chi phí nguyên liệu chiếm tỉ lệ bao nhiêu, trong cách tính đó thì mỗi ký nguyên liệu thuốc sản xuất được bao nhiêu viên thuốc 75 mg…

Các công ty khác báo giá cao hơn chúng tôi

Bốn công ty dược cùng khẳng định vào cùng thời điểm đó, các công ty dược khác báo giá thuốc cao hơn. Công ty CP Dược phẩm Trung ương Vidifa báo giá 40.000 đồng/viên, tương đương với giá của Roche; Công ty CP Thương mại Dược phẩm Đông Nam báo giá nguyên liệu 19.500 USD/kg; Domexco báo giá 20.000 USD/kg (đều là nguyên liệu nguồn gốc Ấn Độ); Công ty CP Dược phẩm Hậu Giang không có nguồn nguyên liệu…

Bốn công ty này cũng phân tích giá nguyên liệu mà Roche chào là 12.000 USD/kg. Theo lý thuyết thì 1 kg sản xuất khoảng 10.000 viên thuốc, giá thành ước lượng là 1,3 USD/viên nhưng Roche đã báo giá thuốc thành phẩm đến 2,49 USD/viên (khoảng 39.600 đồng/viên). Trong khi các doanh nghiệp mua nguyên liệu với giá 17.000-18.000 USD/kg nhưng giá thuốc thành phẩm cung cấp cho Bộ Y tế là 1,75 USD/viên.

Các công ty dược giải thích vào thời điểm sản xuất, do đây là thuốc mới nên các công ty chỉ có đủ dữ liệu để định hạn dùng là hai năm. Sau hai năm, nếu chất lượng còn đảm bảo, doanh nghiệp sẽ xin gia hạn dùng. Hạn dùng thuốc của Roche dài hơn là do Roche đã bắt đầu sản xuất trước nên có đủ dữ liệu để công bố hạn dùng dài hơn. Không có nghĩa là thuốc sản xuất trong nước có chất lượng thấp hơn.

Được bù lỗ nên có lãi

Tổng Giám đốc Stada Việt Nam Ông Văn Dũng chỉ cho biết muốn sản xuất một viên thuốc 75 mg thì phải cần khoảng 100 mg nguyên liệu oseltamivir phosphate. Nhà cung cấp nguyên liệu đã cam kết 1 kg nguyên liệu có thể cho ra 10.100 viên thuốc nhưng các công ty dược giải thích “khi tiến hành sản xuất, do đây là sản phẩm mới nên hiệu suất không đạt như hiệu suất lý thuyết, dẫn đến lỗ”. Tuy nhiên, hiệu suất thực tế là bao nhiêu và dẫn đến lỗ như thế nào thì các công ty dược vẫn chưa cung cấp thông tin.

Các công ty dược chỉ cho biết vì hiệu suất thực tế không đạt 10.100 viên thuốc/kg nguyên liệu như đã cam kết nên nhà cung cấp là Công ty Stada Hong Kong đã bồi hoàn thiệt hại về sản lượng. Ông Huỳnh Tấn Nam, Tổng Giám đốc Pymepharco, cho biết đây chỉ là bồi hoàn về kỹ thuật, còn việc bán thuốc thành phẩm với giá bao nhiêu mà bị lỗ thì hoàn toàn do các bên Việt Nam tính với nhau chứ nhà cung cấp không liên quan.

Pháp Luật TP.HCM cũng đặt vấn đề doanh nghiệp cho rằng lỗ do Bộ “ép” giá, vậy thực tế là doanh nghiệp lời hay lỗ sau khi có với khoản “bồi hoàn” này của nhà cung cấp? Ông Nam khẳng định khoản bồi hoàn này bằng với khoản lỗ và “trong dự án này, không có doanh nghiệp nào lãi quá 2%”.

Chúng tôi đã hỏi cụ thể hơn về “không quá 2%” là bao nhiêu? 2% hay 1% hay 1,5%? Tuy nhiên, ông Nam cho rằng “cái này trong hợp đồng kinh tế, không nói được”.

Tương tự, bà Trần Thị Đào, Tổng Giám đốc Imexpharm, cũng cho biết khoản lãi “cũng cỡ đó (cỡ 2%)” nhưng từ chối trả lời cụ thể. “Tôi không nhớ chính xác, cái đó thuộc về bên tài chính và cũng không cần phải công bố chi tiết!”.

Những câu hỏi không được trả lời

TRẦN THỊ ĐÀO, Tổng Giám đốc Imexpharm

. PV: Khi nào thì tôi có thể nhận được các thông tin liên quan đến lượng nguyên liệu đã mua, hiệu suất sản xuất của công ty?

+ Bà Đào: Từ từ đã. Chúng tôi đã gửi toàn bộ sổ cái kế toán đi rồi.

. PV: Bà có thể cho con số ước lượng cũng được, không quá khó khăn để nhớ về số ký nguyên liệu đã mua…

+ (Bà Đào không trả lời).

Ông HUỲNH TẤN NAM, Tổng Giám đốc Pymepharco

. PV: Xin ông cho biết chi phí nguyên liệu chiếm tỉ lệ bao nhiêu trong giá thành sản phẩm?

+ Ông Nam: Ở dự án này thì không thể nói chi phí nguyên liệu. Thực hiện dự án này là sự hy sinh của doanh nghiệp chứ không phải là bài toán số học bình thường như các sản phẩm khác…

. PV: Nhưng xét về kinh tế thì vẫn tính ra được các con số tỉ lệ phải không, thưa ông?

+ Ông Nam: Vẫn tính được nhưng nếu tính cách đó thì doanh nghiệp sẽ bán một giá khác.

. PV: Vậy doanh nghiệp tính cách nào mà xác định được giá thành là 1,90, 1,91 và 1,92 USD/viên thuốc?

+ Ông Nam: Đó là doanh nghiệp chúng tôi tính toán làm trong điều kiện vì an ninh quốc gia.

. PV: Xin ông cho biết cụ thể trong cách tính “an ninh quốc gia” thì chi phí nguyên liệu đã chiếm tỉ lệ bao nhiêu trong giá thành viên thuốc?

+ Ông Nam: Xin gửi về email của công ty, chúng tôi sẽ thông tin sau.

QUỲNH NHƯ - DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm