Vụ người TQ trồng lúa ở Long An: Sở NN&PTNT “quản” toàn bộ diện tích lúa

Ngày 20-2, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vụ người Trung Quốc trồng giống “lúa lạ” ở Long An, ông Trương Quốc Ánh (Phó Trưởng phòng Công nghệ sinh học, thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam) khẳng định: Đây không phải là giống lúa lạ mà là giống lúa lai Nhị Ưu 838, nằm trong danh mục bộ giống đã được Bộ NN&PTNT cho phép trồng. Nhiều giống lúa lai đã được trồng ngoài miền Bắc nhưng trong miền Nam thì mới, nông dân miền Nam chưa trồng bao giờ nên thấy lạ, lại có chuyên gia Trung Quốc nên nông dân càng tò mò.

Dự án mang tính cá nhân

Ông Ánh cho biết thêm: “Đây là dự án trồng thử nghiệm giống lúa lai mang tính chất cá nhân giữa tôi và ông Trần Minh Nhu (cán bộ của Công ty Cổ phần Giống cây trồng Miền Nam) chứ không liên quan đến dự án nghiên cứu, khảo nghiệm của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam. Có báo dẫn lời tôi rằng đây là “Dự án nghiên cứu hợp tác phát triển sản xuất lúa lai cho miền Bắc” là không chính xác. Tôi với anh em chỉ trồng thử nghiệm giống lúa lai mang tính chất cá nhân thôi, không liên quan đến cơ quan nào hết”.

Vụ người TQ trồng lúa ở Long An: Sở NN&PTNT “quản” toàn bộ diện tích lúa ảnh 1

Cánh đồng lúa lạ gồm cây đực (cao) và cây cái (thấp) xen kẽ nhau. (Ảnh chụp sáng 19-2) Ảnh: HÙNG ANH

Còn về việc thuê đất trồng lúa, ông Ánh cho biết ông và ông Nhu đứng ra thuê chứ không phải người Trung Quốc thuê. Ông Lji Wen là một chuyên gia về trồng giống lúa lai, được ông Ánh và ông Nhu mời sang hướng dẫn kỹ thuật, theo dõi tiến độ trồng thử nghiệm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Quang Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, cũng cho rằng dự án trồng thử nghiệm giống lúa lai nói trên do ông Ánh thực hiện, Lji Wen chỉ là chuyên gia được thuê. Viện trưởng mới có thể trả lời chi tiết hơn về vụ việc này, tuy nhiên ông đang bận đi công tác nước ngoài.

Lấy mẫu tại ruộng để kiểm tra

Chiều cùng ngày, Sở NN&PTNT đã có cuộc họp với những người thuê đất trồng lúa ở ấp 1, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành gồm các ông Trần Minh Nhu (cán bộ Công ty Cổ phần Giống cây trồng Miền Nam), Trương Quốc Ánh (cán bộ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam) và chuyên gia người Trung Quốc. Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, cho biết: Giống lúa Nhị Ưu 838 có tên trong danh mục giống lúa được Bộ NN&PTNT cho phép trồng. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Long An chưa xác định giống lúa đang trồng tại ruộng có đúng với giống lúa mà những người thuê đất trồng khai báo hay không. Do vậy trước mắt Sở NN&PTNT tỉnh Long An sẽ quản lý toàn bộ 1,4 ha “lúa lạ” và lấy mẫu kiểm nghiệm xác định giống lúa. “Nếu kiểm tra thực tế cho thấy lúa trồng trên ruộng không đúng với giống lúa do những người trồng lúa thông tin thì họ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật” - ông Đức khẳng định.

Về việc ông Nhu, ông Ánh thuê đất trồng lúa không xin phép và sử dụng chuyên gia Trung Quốc nhưng không thông báo với chính quyền địa phương, ông Đức cho biết ngày 22-2 sẽ tiến hành xử phạt hành chính.

Nhị ưu 838 là giống lúa lai có nguồn gốc từ Trung Quốc, được nhập vào VN từ năm 1995.

Các giống lúa lai phát triển tốt và thể hiện được nhiều ưu điểm ở các vùng có khí hậu lạnh và khắc nghiệt. Do đó, khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ VN sử dụng nhiều loại lúa này, trong khi ở ĐBSCL và khu vực phía Nam có khí hậu ấm nóng thì những ưu thế này không thể hiện được nhiều. Các giống lúa lai của Trung Quốc cho năng suất cao nên được nhiều người trồng, tuy nhiên chất lượng gạo không ngon, độ dinh dưỡng không bằng giống lai hoặc lúa thuần của VN sản xuất. (Theo Internet)

“Lúa lai lâu nay chỉ phổ biến ở miền Bắc vì khí hậu tương đối giống Trung Quốc. Tại miền Bắc, năng suất lúa lai cao hơn lúa trong nước khoảng 5%-10% nhưng nhược điểm dễ nhiễm sâu bệnh. Hơn nữa, người làm lúa lai luôn lệ thuộc giống vào nhà cung cấp vì từ F2 trở đi chỉ để ăn chứ không làm giống được” - GS-TS Võ Tòng Xuân.

HÙNG ANH - QUANG HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm