Vụ KSV ngã giá hạ mức phạt tù: Có dấu hiệu phạm tội nhận hối lộ

Ngày 29-9, trao đổi với PV, một lãnh đạo VKSND Tối cao cho biết VKSND Tối cao đã yêu cầu VKSND TP.HCM báo cáo vụ việc mà Pháp Luật TP.HCM phản ánh liên quan đến vụ kiểm sát viên (KSV) NTC (VKSND quận 1, TP.HCM) ngã giá với người nhà bị can đòi “hai trăm” để hạ mức phạt tù.

“Vụ việc rất nghiêm trọng”

“Đây là vụ việc rất nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành, chúng tôi đã chỉ đạo lãnh đạo VKSND TP.HCM khẩn trương làm rõ, đồng thời xử lý nghiêm cán bộ vi phạm. Không thể chấp nhận việc KSV có hành vi như vậy” - vị lãnh đạo VKSND Tối cao trên nhấn mạnh.

Chiều tối cùng ngày, một lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương nhận định việc KSV được phân công kiểm sát vụ án lại đi ngã giá, vòi tiền dù chưa nhận tiền nhưng đã có dấu hiệu của tội phạm hình sự. “Hành vi trên dù phạm tội chưa đạt nhưng đã xâm hại nghiêm trọng đến hoạt động tư pháp, quyền lợi của bị can. Vụ này VKSND Tối cao phải giao cho cơ quan điều tra VKS Tối cao vào cuộc để xử lý, tránh sự bao che, giơ cao đánh khẽ. Vụ việc KSV này dấu hiệu phạm tội hình sự đã rõ. Do vậy, trước tiên nên đình chỉ công tác để điều tra, xử lý theo quy định chứ không nên phân công công việc khác” - vị lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương cho biết.

Trước đó, VKSND quận 1 cho biết qua xác minh, KSV NTC đã vi phạm quy chế ngành. KSV này đã nhận sai. Cơ quan đã họp và đề nghị xử lý kỷ luật. Hồ sơ đề nghị xử lý kỷ luật đã được chuyển đến Hội đồng Xử lý kỷ luật của VKSND TP. Phía VKSND TP cũng cho biết đang tiến hành xem xét kỷ luật KSV C.

Quá rõ để cấu thành tội phạm

Theo TS Nguyễn Duy Hưng, Trưởng khoa Luật Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương), hành vi của KSV NTC trên đã đủ dấu hiệu cấu thành tội nhận hối lộ theo Điều 279 Bộ luật Hình sự nhưng thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. Theo tội này, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì bị phạt từ hai đến bảy năm tù. “Đây là tội có cấu thành hình thức. Theo đó, KSV chỉ cần có hành vi gợi ý đòi hối lộ là đã có dấu hiệu phạm tội, chưa cần phải đã nhận tiền. Căn cứ vào số tiền đòi hối lộ (200 triệu đồng), người phạm tội sẽ bị truy tố theo khoản 3 Điều 279 với mức phạt 15-20 năm tù” - TS Hưng phân tích.

Cũng theo TS Hưng, KSV C. là người phụ trách vụ án, tức ông được quyền thay mặt VKS buộc tội, đề nghị khung, mức hình phạt đối với bị can, bị cáo. Vì thế hành vi vòi vĩnh, gợi ý và ra giá “hai trăm” kèm lời hứa sẽ chuyển sang mức phạt nhẹ hơn là hành vi hối lộ. “KSV này còn hướng dẫn bị can khai báo có lợi và đòi trước “năm chục” để hoãn phiên tòa và tác động để điều tra, truy tố xuống khung… là đã quá rõ để cấu thành tội phạm như đã phân tích” - TS Hưng nói.

Vì vậy, TS Hưng cho rằng hành vi của KSV C. đã vượt quá giới hạn của biện pháp xử lý hành chính. Theo quy định, thẩm quyền khởi tố điều tra trong vụ này thuộc Cục Điều tra VKSND Tối cao. Do vậy cơ quan có thẩm quyền nên chuyển hồ sơ vụ việc cho đơn vị này thụ lý giải quyết. Riêng về phía người nhà bị cáo (là ông Quang), hành vi của người này không có dấu hiệu phạm tội đưa hối lộ hoặc môi giới hối lộ mà đó là hành vi chủ động, tố cáo tham nhũng nên phải được ghi nhận tích cực theo quy định hiện hành.

Tóm tắt vụ việc

Báo Pháp Luật TP.HCM các số ra ngày 28 và 29-9 phản ánh kết luận điều tra của Công an quận 1 xác định rạng sáng 17-8-2013, bà Đào Nhật Phi tổ chức sinh nhật (cùng chín người khác) có sử dụng ma túy tổng hợp tại một khách sạn ở quận 1. VKSND quận 1 truy tố Phi về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy với khung hình phạt 7-15 năm tù. Những người còn lại bị xử phạt vi phạm hành chính. Tuy vậy, ông Đào Nhật Quang (em trai bà Phi) tố cáo trước khi vụ án được đưa ra xét xử thì KSV NTC phụ trách vụ án nói với ông nếu lo “hai trăm” thì sẽ chuyển, giảm án phạt tù. KSV này yêu cầu ông Quang đưa trước “năm chục” tiền cọc và sẽ tác động để truy tố lại Phi 2,5 năm tù.

Ông Quang cũng kêu oan cho chị gái, vì hồ sơ, giấy tờ thể hiện Phi sinh ngày 7-4-1976 nhưng kết luận điều tra nêu bà Phi tổ chức sinh nhật vào đêm 16-8 (rồi kéo dài qua ngày 17-8 và bị bắt). Ngoài ra, bị cáo Phi cho rằng việc mình có mặt tại khách sạn là theo lời mời của một người và người này đề nghị Phi đứng ra nhận “tội” thay. Phi đồng ý và mọi người cùng thống nhất, khai nhận như cáo trạng nêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm