Vụ Con nghiện đòi cha chia tài sản: Tiền tỉ cũng bay theo ma túy!

Vụ Con nghiện đòi cha chia tài sản (báoPháp Luật TP.HCMphản ánh trong số báo hôm qua, 27-11) gây bức xúc dư luận. Nhiều người cho rằng tuy luật pháp không truất quyền hưởng tài sản thừa kế của người nghiện nhưng việc con kiện cha là phi đạo lý và việc giao khối tài sản lớn cho người nghiện cần có những điều kiện nhất định. Chúng tôi giới thiệu ý kiến một số chuyên gia về vấn đề này.

Tùy quyết tâm của mỗi người

Theo kinh nghiệm cọ xát với người nghiện, tôi thấy tùy theo quyết tâm của mỗi người mà khối tài sản họ được thừa kế sẽ còn hay mất. Với những trường hợp trước khi nghiện họ tự lực cánh sinh để nuôi sống bản thân, biết quý trọng sức lao động thì có một số người sau khi quyết tâm cai nghiện đã mở công ty, làm ăn đường hoàng và từ bỏ dần sự lệ thuộc với ma túy. Với những trường hợp trước khi nghiện được nuông chiều, ăn chơi lêu lổng, không biết quý trọng đồng tiền làm ra thì có khối tài sản tiền tỉ với họ cũng dễ theo ma túy mà đi. Nhiều cha mẹ đã từng khóc lóc với tôi rằng bao nhiêu tài sản, nhà cửa, đất đai theo những cơn nghiện ngập của con mà bay đi.

ĐẶNG VĂN ĐỎ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Cai nghiện ma túy TP.HCM

Giao tài sản cho người nghiện là hại họ

Trước đây, tôi biết trường hợp anh B. ở Củ Chi được gia đình đưa đi cai nghiện ở Trung tâm Cai nghiện Bình Đức. Trong thời gian này ba mẹ anh có ý định phân chia tài sản, đất đai cho các con. Lần nào có người nhà lên thăm nuôi, anh B. cũng đòi chia tài sản cho mình. Gia đình đã mời một luật sư lên tận trung tâm làm biên bản thỏa thuận giữa ba mẹ, anh em và anh B. về số tài sản anh B. được hưởng (hơn 300 triệu đồng). Tài sản này B. nhờ người chị giữ giùm. Sau khi cai nghiện về, B. dùng số tài sản mua xe máy, tìm việc. Sau đó B. tái nghiện và tiêu hết sạch số tài sản được chia. Biết là tiền của ai thì người đó có quyền xài theo ý mình, nếu có mất đi thì cũng chỉ là mất tài sản của họ chứ có mất của ai đâu nhưng tôi vẫn thấy tiếc vì tiền đó không chạy vào cái gì quý hơn mà nó lại vào ma túy. Thực tế này cho thấy việc giao tài sản lớn cho người nghiện là có hại cho chính bản thân người đó.

TRƯƠNG QUỐC HÙNG, giáo dục viên của  Trung tâm Cai nghiện ma túy Bình Đức (thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM)

Bản án công minh là phải cứu T. thoát nghiện!

Theo tôi, ông L. là một người cha đáng thương, ông cũng đã nhiều lần khuyên nhủ con, lôi kéo con quay về nhưng bất thành vì đối tượng nghiện ma túy rất phức tạp.

Vụ Con nghiện đòi cha chia tài sản: Tiền tỉ cũng bay theo ma túy! ảnh 1

Đây là một ca rất khó, khả năng thay đổi được suy nghĩ của một người bị nghiện là rất thấp. Hơn thế nữa, T. bị hai sức hút xấu là ma túy và người yêu nghiện ma túy, trong khi gia đình không có, ít có cơ hội để tiếp xúc với T. Nếu giao tiền, tài sản cho T. thì đồng nghĩa vừa mất tiền vừa mất con. Có tiền càng nhiều, T. càng lún sâu vô nghiện ngập và dễ dẫn tới nhiều nguy cơ khác. Chính vì vậy, vấn đề quan trọng ở đây không phải là chia tài sản cho T. hay không mà là kéo T. ra khỏi tình trạng nghiện ngập.

Để có cơ sở, điều kiện thuyết phục T., cần phải suy xét kỹ nguyên nhân T. bị nghiện xuất phát từ đâu. Phải chăng là từ S. dụ dỗ, lôi T. vào con đường nghiện ngập? Xem xét về cơ chế tâm lý gia đình, kinh nghiệm thực tế tôi từng gặp cho thấy người con gái thường dễ bị mặc cảm bị bỏ rơi, hờ hững. Gia đình cần xem xét để lấp lỗ trống này, nếu có.

Ông L. và những người thân từng có quan hệ tốt với T. cần tận dụng mọi quan hệ, phương tiện để tiếp cận và tác động, khuyên nhủ, chia sẻ tình cảm với T. Nếu không có điều kiện gặp, có thể nhắn tin, gọi điện thoại qua những kênh mà T. vẫn thường liên lạc để nhẹ nhàng phân tích và khuyên nhủ. Trong đó, số tiền tài sản cũng là phương tiện quan trọng để kết nối quan hệ giữa đôi bên. Thông qua đàm phán, bàn bạc chuyện chia, giao, giữ tài sản, ông L. và gia đình có thể từng bước tác động tới T. Nếu cần thiết phải trả giá để gặp, T. cũng có thể chấp nhận ứng trước một phần tài sản.

Các cơ quan pháp luật và các tổ chức xã hội cũng có vai trò hết sức quan trọng trong việc cứu T. khỏi nguy cơ nghiện ngập. Tòa án không nên máy móc xem xét vụ kiện đòi chia tài sản của T. là một tranh chấp dân sự đơn thuần mà trước hết phải xác định năng lực hành vi dân sự của người khởi kiện. Phải xem xét vụ kiện trong một tình huống đặc biệt về đạo lý là con kiện cha, về tâm lý là người nghiện kiện đòi tài sản. Bản án công minh và thỏa đáng phải giải quyết theo hướng tốt nhất là điều kiện để cô T. không còn nghiện ngập chứ không thể chỉ đơn thuần phân chia tài sản. Tài sản chia cho cô T phải có người quản lý, giám sát theo pháp luật. Các tổ chức xã hội cũng cần góp sức trong khả năng để cứu một cô gái trẻ vướng trong vòng nghiện ngập.

Nếu T. đồng ý cai nghiện làm lại cuộc đời thì đó là kết cục đẹp nhất. Tuy nhiên, để đạt được điều đó cần phải có cả một quá trình vận động lâu dài, không riêng ông L. mà phải dùng tổng lực cả anh chị em, cô gì chú bác trong nhà. Có thể lúc lên cơn nghiện, T. không làm chủ được hành vi, không nghe theo những lời khuyên can và mất lý trí, bằng tình thương hãy bao dung và kiên trì an ủi, cảm thông. Hy vọng thật mỏng manh nhưng không phải là không thể, với sự kiên trì, với lòng yêu thương tỉnh táo rồi sẽ có lúc gia đình lôi kéo T. về với gia đình.

ThS THẠCH NGỌC YẾN, chuyên viên phụ trách  Văn phòng Tư vấn trẻ em TP.HCM (thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM)

ĐÔNG YÊN - HÀN GIANG

Hạn chế năng lực hành vi, không dễ

Theo quy định của Bộ luật Dân sự, người cha có thể yêu cầu tòa án tuyên bố người con bị hạn chế năng lực hành vi dân sự khi có căn cứ rõ ràng là người con bị nghiện ma túy và có hành vi phá tán tài sản của gia đình nhưng điều này không dễ. Một khi bị tòa tuyên hạn chế năng lực hành vi dân sự, người con không thể toàn quyền định đoạt khối tài sản của mình. Những giao dịch như mua bán nhà cửa, đất đai, mua một khối tài sản lớn… đều do người đại diện quyết định, trừ những giao dịch phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Nhu cầu sinh hoạt hằng ngày ở đây phải là nhu cầu bình thường như ăn, uống, mặc... Còn nhu cầu như mua ma túy để hút thì không được vì đó là nhu cầu bất hợp pháp.

Luật sư NGUYỄN MINH LUẬN (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm