Vụ bắt trẻ quỳ trên vỏ sầu riêng: Viện kiểm sát vào cuộc

Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 5-7 có bài phản ánh bé Nguyễn Thị Ngân (bảy tuổi) bị bà Nguyễn Thị Sậm (người nhận nuôi bé, ngụ xã Xuân Trường, Xuân Lộc) đánh đập và phạt quỳ trên vỏ sầu riêng, dùng kim may chích vào người… Người dân địa phương cho biết bà Sậm đã hành hạ bé Ngân nhiều năm liền.

Ngày 10-7, Công an huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) cho biết đã có kết luận giám định tỉ lệ thương tật bé Ngân là 1%. Hiện cơ quan điều tra chuyển hồ sơ cho VKSND cùng cấp xem xét để ra quyết định xử lý bà Sậm.

Xa con vì nghèo

Theo lời bà Sậm khai, bà nhận nuôi bé Ngân lúc bé hơn một tuổi do bị mẹ bỏ rơi. Thế nhưng ngày 9-7, khi tiếp xúc với Pháp Luật TP.HCM bà Trần Thị Mai (mẹ bé Ngân) xác nhận: “Tôi không bỏ con, bà Sậm nhiều lần đề nghị tôi viết giấy cho đứt bé Ngân nhưng tôi không đồng ý”.

Bà Mai kể, do hoàn cảnh nợ nần bị chủ nợ xiết nhà, không còn chỗ nương thân nên bà Sậm đã cho mẹ con bà Mai ở tạm (lúc đó bé Ngân đã bốn tuổi). Lúc bé Ngân gần sáu tuổi, bà Mai gửi con nhờ bà Sậm nuôi giúp để lên TP.HCM bán vé số dạo.

Vụ bắt trẻ quỳ trên vỏ sầu riêng: Viện kiểm sát vào cuộc ảnh 1

Bé Ngân bên vòng tay của mẹ. Ảnh:N.LỘC

Sau khi chính quyền địa phương phát hiện bé Ngân bị hành hạ, bà Sậm chủ động gọi điện thoại báo tin cho bà Mai thông báo: “Ngân bị Hội Phụ nữ xã và công an huyện bắt vì tôi nuôi bé Ngân mà không có giấy tờ xác nhận con nuôi”. Nghe vậy, bà Mai tức tốc về Xuân Lộc. Khi ra UBND xã tìm hiểu, bà mới biết sự thật đắng lòng. “Nhưng tui cũng đành chịu, vì nghèo quá, biết làm sao bây giờ! Tui cũng cám ơn bà Sậm đã cưu mang chúng tôi lúc túng quẫn. Lần nào về thăm bé Ngân cũng thấy bà Sậm chăm sóc con bé đàng hoàng nên tôi rất yên lòng. Nào ngờ…” - bà Mai bức xúc.

Có dấu hiệu bị khủng hoảng tinh thần

Lúc chúng tôi tìm đến cơ sở cô nhi xã Xuân Tâm, bé Ngân đang chơi đùa vui vẻ với các bạn. Thấy mẹ đến thăm, em liền chạy đến ôm chầm mẹ và đòi về nhà.

Các cô bảo mẫu kể, những ngày đầu, đêm nào Ngân cũng giật mình thức dậy, khóc và đòi mẹ. Có lẽ một phần do bé Ngân nhớ mẹ nhưng đây cũng là dấu hiệu khủng hoảng tinh thần do bị bà Sậm hành hạ.

Bà Lê Thị Thanh Tâm, quản lý cơ sở cô nhi Xuân Tâm, cho hay: “Tôi thấy bé không được bình thường so với các trẻ cùng lứa. Lúc thì vui vẻ nói cười, lúc im thin thít, ngồi một chỗ. Khi tôi tiếp nhận bé Ngân, trên da mặt bé có nhiều vết gai sầu riêng đâm thâm tím, còn da thịt trên người xấu lắm, bây giờ đã đỡ nhiều rồi. Bé Ngân rất thông minh, mới được đi học nhưng đọc chữ rất trôi chảy. Bé đọc truyện tranh rất rõ ràng, đọc sách báo (chữ nhỏ xíu) cũng vanh vách…”.

Dù bị bà Sậm đánh đập dã man như vậy nhưng những lúc trò chuyện với chúng tôi và bà Mai, bé Ngân luôn nói: “Mẹ xin các chú đừng bắt bà con (bà Sậm) nghe mẹ”.

Hành vi của bà Sậm không chỉ vi phạm nghiêm trọng đến quyền được bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng của trẻ em mà còn vi phạm pháp luật hình sự với dấu hiệu của tội hành hạ người khác và tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác mà đặc biệt là đối với trẻ em. Dù Ngân quậy phá nhưng cháu mới bảy tuổi nên bà Sậm không thể cho mình cái quyền được dạy dỗ bằng cách hành hạ, xâm phạm sức khỏe. Hành vi của bà Sậm  cần được răn đe mạnh, không nên xử lý hành chính, vì như thế dẫn đến tiền lệ xấu trong xã hội.

Luật sư ĐỖ VĂN VINH, Công ty Luật Đức Việt

Tôi nhận thấy bà Sậm bắt phạt bé Ngân quỳ trên vỏ sầu riêng và dùng vỏ sầu riêng đánh bé là có dấu hiệu của tội hành hạ người khác. Cơ quan bảo vệ pháp luật huyện Xuân Lộc cần vào cuộc làm rõ trách nhiệm của bà Sậm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Luật sư NGUYỄN TRỌNG TUỆ, Văn phòng luật sư Nguyễn Hữu Dzoãn - Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai

NGUYÊN LỘC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm