Vụ 17 bà mẹ làng SOS mất 10 năm BHXH: Sẽ cân nhắc ba phương án chi trả

Như Pháp Luật TP.HCMđưa tin, ngày 23-9, Tổ chức Làng trẻ em SOS Việt Nam, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, BHXH TP.HCM đã có buổi làm việc với Làng trẻ em SOS Gò Vấp để giải quyết chế độ BHXH cho 17 mẹ cô đơn bị mất 10 năm BHXH. Tuy nhiên, cuộc họp vẫn chưa tìm ra được phương án để tháo gỡ vì một số quy định của pháp luật…

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc Làng trẻ em SOS Việt Nam, khẳng định: “Việc trích đóng chế độ BHXH cho các bà mẹ, bà dì và nhân viên làm việc tại các làng SOS do Tổ chức Làng trẻ SOS quốc tế yêu cầu để đảm bảo quyền lợi lâu dài cho các bà mẹ và nhân viên làm việc tại làng”.

Theo ông Dũng, quy chế về bà mẹ của Tổ chức Làng trẻ em SOS quốc tế có hiệu lực trên toàn cầu chưa có gì thay đổi tại Việt Nam. Tuy nhiên, từ năm 1995 trở về sau, khi thực hiện đóng BHXH thì SOS quốc tế đã yêu cầu thực thi theo luật tại nước sở tại để đảm bảo quyền lợi tối ưu nhất, đảm bảo bằng luật cho các bà mẹ, bà dì và nhân viên. Theo đó, từ năm 2008 trở về sau, hằng năm trong các dự toán kinh phí cho các làng trẻ em SOS tại Việt Nam hoạt động đều có khoản tiền dành để đóng BHXH cho các bà mẹ, bà dì và nhân viên làm việc tại làng.

Riêng hàng chục bà mẹ, bà dì có thời gian làm việc trước năm 1995, SOS Việt Nam sẽ đề nghị cơ quan BHXH các tỉnh, thành và BHXH Việt Nam ghi nhận thời gian làm việc thực tế chốt trên sổ BHXH để tính thời gian từ lúc họ làm việc cho đến lúc đến tuổi về hưu. “Cơ quan BHXH sẽ trả chế độ cho họ từ ngày 1-1-1995 trở về sau, còn SOS quốc tế sẽ chịu trách nhiệm thanh toán các chế độ từ 1-1-1995 trở về trước. Tuy nhiên, mức thanh toán như thế nào thì cần phải bàn tính thêm. Chúng tôi sẽ cân nhắc ba phương án chi trả theo mức phụ cấp tại thời điểm năm 1995 hoặc tháng 9-2009 hay tại thời điểm họ nghỉ hưu để các bà mẹ, bà dì không bị thiệt thòi quyền lợi” - ông Dũng phân tích.

Vụ 17 bà mẹ làng SOS mất 10 năm BHXH: Sẽ cân nhắc ba phương án chi trả ảnh 1

Nhiều bà mẹ tại làng trẻ em SOS Gò Vấp có thời gian làm việc trên 20 năm nhưng nếu đóng BHXH (từ năm 1995 đến nay) thì họ chỉ có 15 năm. Ảnh: P.ĐIỀN

Các bà mẹ tại Làng trẻ em SOS Gò Vấp kiến nghị nếu trích 5% phụ cấp để đóng BHXH thì phải tính tròn 20 năm liên tục để họ đủ điều kiện hưởng lương hưu, còn không thì áp dụng theo quy chế về bà mẹ của SOS toàn cầu. Nghĩa là sau thời gian phục vụ tối thiểu là 20 năm, bà mẹ làng trẻ em SOS đến tuổi nghỉ hưu sẽ được nghỉ hưu và được nhận trợ cấp bằng 70% của tháng lương cuối cùng. Trong khi đang làm nhiệm vụ, nếu không may bị tai nạn đến mất sức lao động và đã có tối thiểu 15 năm phục vụ, bà mẹ làng trẻ em SOS được nhận khoản trợ cấp thương tật.

SOS Việt Nam phải đóng bổ sung tiền BHXH

Theo quy định của Luật BHXH ở phần bổ sung, những người đã đóng đủ 15 năm BHXH mà đến tuổi nghỉ hưu thì được đóng bổ sung năm năm cho đủ thời gian tối thiểu 20 năm để được hưởng 70% phụ cấp (trong đó cơ quan, tổ chức quản lý người lao động phải đóng 95%, người lao động đóng 5%).

Tôi đã yêu cầu lãnh đạo BHXH TP.HCM báo cáo toàn bộ sự việc và đề xuất phương án giải quyết chế độ BHXH cho 17 bà mẹ đang làm việc tại Làng trẻ em SOS Gò Vấp cho BHXH Việt Nam. Ngoài ra, tôi cũng yêu cầu BHXH TP gửi kèm kiến nghị cho Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị với yêu cầu Tổ chức Làng trẻ em SOS Việt Nam sẽ là đơn vị đóng toàn bộ số tiền bổ sung năm năm cho các mẹ. Thậm chí 5% số tiền mà người lao động phải đóng theo quy định thì SOS Việt Nam cũng phải đóng vì đây là những người cô đơn, không nơi nương tựa.

Trong tuần này, tôi sẽ có yêu cầu BHXH các địa phương rà soát lại số người tham gia BHXH là các mẹ đang làm trong các làng trẻ em SOS để xem còn trường hợp nào như 17 mẹ này không. Tất cả phải đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho các mẹ vì họ đã cống hiến cả cuộc đời cho xã hội rồi.

Ông Nguyễn Thế Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam

PHONG ĐIỀN - TỐ NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm