Tự thiêu vì báo "lá cải"

Thời gian gần đây, việc nhiều tờ báo phía Bắc cho ra đời hàng loạt phụ bản lá cải, giật gân và nhiều tờ báo mạng cũng đua nhau khai thác tối đa những tình tiết rẻ tiền, rùng rợn, thậm chí thô bỉ nhằm câu khách đã lên đến mức báo động.

Với trường hợp đau lòng dưới đây, không thể không đặt ra một câu hỏi: Các cơ quan quản lý báo chí đứng ở đâu trước sự hỗn loạn này?

“Con tôi nghĩ quẩn vì báo chí”

Đầu tháng 3, một tờ báo đăng bài “Nữ sinh lớp 7 mang thai, cả thị trấn xôn xao”. Nội dung các bài báo nói về việc một bé gái 13 tuổi tên H. (Thừa Thiên-Huế) có người yêu 20 tuổi, mang thai hơn một tháng. H. bị bạn bè gièm pha và em đã nghỉ học cách đó vài tuần. Bài viết có đăng tải cả hình ảnh, họ tên, địa chỉ nhà, địa chỉ trường của cô bé. Riêng cái tựa này đã có đến 48.900 kết quả từ các báo và diễn đàn khác đăng tải lại. Có diễn đàn còn đưa nó vào mục “tin shock-tin hot”.

Tự thiêu vì báo "lá cải" ảnh 1

Đến chiều 20-5, không chịu nổi sức ép của dư luận, H. và người yêu đã cùng nhau mua xăng về tự thiêu, cả hai được hàng xóm phát hiện và đưa đi điều trị ở BV Trung ương Huế vì bỏng nặng. Cha của em H. cho biết: “Từ lúc chuyện con gái tôi mang thai lên báo, nhiều người đọc được đã đưa ra bàn tán khắp xóm khiến cả gia đình không ai dám ra khỏi nhà vì xấu hổ với làng xóm. H. phải xin nghỉ học cách đây hai tháng, vì đến trường lúc nào cũng bị bạn bè trêu chọc. Có lần nhiều học sinh khác còn kéo nhau tới xem mặt con bé khiến cháu ngượng quá bỏ lớp chạy về nhà ôm mặt khóc. Từ đó nó chẳng chịu tới trường nữa dù bố mẹ đã khuyên rất nhiều. Còn ở nhà, mấy đứa trong xóm đưa báo cho nhau đọc rồi trêu chọc nó suốt ngày khiến nó chịu không nổi nên suốt ngày rúc vào trong chăn.

Suy cho cùng cũng tại vì mấy tờ báo đã thông tin quá đáng về con tôi. Giờ chuyện bọn trẻ không chỉ trong thôn mà cả nước ai cũng biết khiến hai đứa chẳng dám vác mặt đi đâu được. Cũng vì thế, nhiều lần hai đứa nghĩ quẩn, tôi ngồi gần nghe được nên đã động viên, giải thích nhưng rồi chúng nó vẫn rủ nhau đi tự tử”.

Khi "lá cải" thành chuyện bình thường

Ông Trần Công Bình, chuyên gia bảo vệ trẻ em của Unicef Việt Nam, nhận định: Gần đây, để thu hút bạn đọc, nhiều tờ báo đã lờ đi những nguy hiểm đối với bản thân người được viết bài nói riêng hay định hướng xã hội nói chung. Các nhà báo cần được tập huấn nhằm trang bị và cập nhật những kiến thức và cách tiếp cận mới trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, những nguyên tắc, yêu cầu và kỹ năng khi làm việc với trẻ em. Đừng để trẻ em trở thành nạn nhân của phương tiện truyền thông.

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM) bất bình: “Tôi không biết mục đích của báo chí đưa hình ảnh, tên tuổi thật, địa chỉ của nơi em học, thôn em ở lên để làm gì, bởi H. là nạn nhân thì em càng cần được bảo vệ, được che chở”. Theo ông, trong trường hợp này ba mẹ H. hoàn toàn có quyền yêu cầu các tờ báo phải giấu tên họ của em, không để địa chỉ rõ ràng để người ta biết ở nơi đó có một cô bé từng bị lạm dụng tình dục như vậy. Đặc biệt, yêu cầu các tờ báo phải rút hình ảnh của cô bé xuống hoặc phải xóa mặt đi bởi hình ảnh đó sẽ làm tổn thương rất lâu dài với em, thậm chí đến những thế hệ sau của em H. nếu sau này con em của H. đọc được những tư liệu này. Nếu không thỏa thuận được, cha mẹ H. có thể khởi kiện ra tòa án yêu cầu các tờ báo phải thực hiện ngay những hành vi trên, đồng thời bồi thường thiệt hại nếu có.

Luật sư Trạch cảnh báo: “Cần nói một điều là lâu nay sự việc đưa hình ảnh cá nhân lên báo mà không được sự đồng ý của họ vẫn thường diễn ra nhưng người dân của mình chưa thực hiện cái quyền mà pháp luật đã trao cho họ!”.

Bà Lê Thị Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, nói rằng nếu không chấn chỉnh sẽ còn những trường hợp tương tự. Theo bà: “Nỗi bức xúc lớn nhất của tôi lúc này là cách đưa tin của một số bài báo mang tính mỉa mai, thiếu chia sẻ, cảm thông trước một bé gái còn quá non nớt. Các báo đưa tin quá chi tiết, có báo chụp ảnh của cháu H. và cha của cháu. Tôi không hiểu báo chí đưa tin như thế để nhằm mục đích gì? Hai nạn nhân tìm đến cái chết để tránh dư luận của xã hội mà hai em không thể chịu đựng nổi. Mặc dù các em đã qua cơn nguy hiểm nhưng nỗi đau cả thể xác và tâm hồn các em có vượt qua được trong thời gian tới hay không?”.

Theo bà Lê Thị Thu, việc một số báo đưa tin như thế đã vi phạm pháp luật về bảo vệ và chăm sóc trẻ em. “Tôi đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông nên xem xét và kịp thời chấn chỉnh trường hợp tương tự sẽ xảy ra”.

Những nguyên tắc khi đưa tin về trẻ em

Trẻ em là đối tượng đặc biệt cần bảo vệ, bởi các em chưa hình thành nhân cách và năng lực đầy đủ để tự bảo vệ được mình. Đưa tin về trẻ em và giới trẻ cần hết sức cẩn trọng vì trong chừng mực nào đó, những thông tin này có thể dẫn đến nguy cơ trẻ bị kỳ thị, tổn hại hoặc trừng phạt.

Trần Công Bình, chuyên gia bảo vệ trẻ em của Unicef Việt Nam, cho biết: Unicef có những hướng dẫn cụ thể đối với các PV báo chí khi làm việc với trẻ em. Những nguyên tắc thiết yếu đó là:

- Phải đảm bảo quyền lợi tốt nhất với trẻ em.

- Nhân phẩm và quyền của mọi trẻ em phải được tôn trọng trong bất kỳ trường hợp nào. Không được “dán nhãn”, phân biệt đối xử hay kỳ thị trẻ (kể cả trẻ em chưa ngoan hay vi phạm pháp luật).

- Khi tiếp xúc và đưa tin về trẻ lên phương tiện truyền thông, phải có ý kiến chấp thuận của bố mẹ hoặc người giám hộ của trẻ.

- PV phải nói rõ mình là ai, muốn tìm hiểu việc gì, thông tin này sử dụng như thế nào.

- Phải đảm bảo sự riêng tư và bảo mật của trẻ (trong tất cả trường hợp, cần phải nêu tên tắt hoặc đổi tên, không đưa hình ảnh, địa chỉ của trẻ).

- Không được đưa tin về câu chuyện hoặc hình ảnh có thể dẫn đến những nguy hại cho trẻ dù những thông tin cá nhân không được đề cập hoặc đã được thay đổi.

NHÓM PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm