Tàu vỡ trên biển Đông, 16 người gặp nạn

Ngay sau khi nhận được thông tin, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã chỉ đạo Đồn Biên phòng 328 liên lạc với các tàu ở khu vực trên để tổ chức ứng cứu tàu bị nạn và đề nghị UBND tỉnh và Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh hỗ trợ cứu nạn khẩn cấp để đảm bảo tính mạng cho 16 lao động trên tàu.

Đến hơn 15 giờ trưa chiều nay vẫn chưa có phương tiện nào tiếp cận được tàu Hòa Hải-QNg 0106.

Theo báo cáo của Ban tác chiến Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, đến trưa ngày 19/10, toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 428 thuyền với 3.790 lao động đang hoạt động trên biển.

Trong đó có 12 tàu đánh cá/174 lao động đang ở vùng biển Hoàng Sa. Nhận được lời kêu gọi của các cơ quan chức năng, 3 tàu đang về về đảo Lý Sơn. Riêng tàu QNg 96399 TS có 14 lao động do ông Nguyễn Chín (ở xã An Hải, huyện Lý Sơn) làm thuyền trưởng chống lệnh không chịu quay về với lý do chưa đủ chi phí xăng dầu.

Các tỉnh miền Trung sẵn sàng phương án đón bão

Tại Đà Nẵng, trước diễn biến phức tạp và sức tàn phá mạnh của bão Megi, Ban Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng đã thông báo kêu gọi toàn bộ phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi trú ẩn an toàn. Tính đến trưa ngày 19/10, Bộ đội biên phòng và các địa phương đã kêu gọi phần lớn các tàu thuyền ở Đà Nẵng vào bờ, hiện tại chỉ còn 37 tàu với 371 ngư dân đang đánh bắt khu vực vùng biển ven bờ Đà Nẵng.

Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Ban PCLB &TKCN TP Đà Nẵng cho biết, rút kinh nghiệm từ các cơn bão trước, xác định sức tàn phá của bão Megi chúng tôi đã lên phương án và kịch bản di dời đối với hơn 31.000 hộ dân thuộc các địa phương ven biển. Đồng thời theo dõi diễn biến, sẵn sàng phương án đối phó với trường hợp bão Megi đổ bộ.

Sáng ngày 19/10, ông Trần Văn Long, GĐ Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực II (Danang MRCC) cho biết: Hiện đơn vị đang sẵn sàng phương tiện, thiết bị để đối phó với bão Megi nếu nó đi vào vùng biển Danang MRCC quản lý. Hiện 2 tàu SAR túc trực ở vùng biển Đà Nẵng, một tàu SAR túc trực ở vùng biển Quy Nhơn. Ngoài ra, đơn vị hướng dẫn, kêu gọi các tàu cá của ngư dân, tàu hàng...cần tìm kiếm những nơi an toàn để tránh trú bão, đề phòng sự cố xấu xảy ra vì theo dự báo cơn bão Megi có thể đi phức tạp.

Tàu vỡ trên biển Đông, 16 người gặp nạn ảnh 1
Trước sức tàn phá của bão Megi, Bộ đội biên phòng
và Ban chủ huy PCLB&TKCN
TP Đà Nẵng
đã gọi tàu thuyền ngoài khơi vào nơi trú bão an toàn

Tính đến 10 giờ ngày hôm nay, Ban tác chiến bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên đã thống kê được 50 tàu đánh cá/ 291 ngư dân Phú Yên trên biển. Tất cả các phương tiện này đều giữ liên lạc tốt với gia đình và bộ đội biên phòng. Còn theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định cho biết, đến sáng 19/10, vẫn còn 2.035 tàu/16.629 ngư dân của địa phương đang hoạt động trên các ngư trường phía Bắc, phía Nam và quần đảo Trường Sa. Trong đó, 103 tàu/1.824 ngư dân đang hoạt động ngoài khơi vẫn chưa thể liên lạc được. Trước đó, UBND TP Đà Nẵng cũng đã chỉ đạo Công ty Cổ phần lương thực Đà Nẵng chuẩn bị dự trữ 500 tấn gạo và lương thực. Ngoài ra, giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự báo cáo quân khu 5 sẵn sàng điều phương tiện để phục vụ công tác khi có yêu cầu và phối hợp với lực lượng Công an TP, Bộ đội biên phòng sẵn sàng chuẩn bị lực lượng để hỗ trợ di dân tới nơi an toàn. Tại Quảng Nam: Trước tình hình cơn bão Megi sắp đổ bộ vào biển Đông, ngay chiều ngày 18/10, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản khẩn yêu cầu Bộ đội Biên phòng tỉnh theo dõi thường xuyên diễn biến bão, thông báo cho tàu thuyền trên biển biết diễn biến, vị trí, hướng di chuyển của bão để tránh trú. Thống kê, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, lên danh sách các khu vực vùng trũng thấp, có nguy cơ sạt lở…báo cáo về UBND tỉnh và Ban chỉ huy PCLB tỉnh để chủ động tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn khi cần. Bên cạnh đó, chuẩn bị dự trữ lương thực và nhu yếu phẩm để sẵn sàng ứng phó với tình huống mưa lũ lớn xảy ra. Riêng đối với các đơn vị quản lý hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu đơn vị quản lý chú ý trong quá trình vận hành xả lũ phải phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ huy PCLB tỉnh và các UBND địa phương ở hạ lưu để vừa đảm bảo an toàn công trình, vừa giảm thiểu ngập lụt vùng hạ du… Tại Bình Định, sáng nay 19/10, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Văn Thiện đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp giữa các ngành chức năng và lãnh đạo các huyện, thành phố để triển khai phương án đối phó với siêu bão Megi trên địa bàn. Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu các ngành, địa phương trong tỉnh khẩn trương triển khai phương án đối phó với siêu bão. Đặc biệt chú trọng việc chỉ đạo nhân dân khẩn trương thu hoạch lúa, hoa màu vụ mùa, thu hoạch tôm cá để hạn chế thiệt hại, cung ứng ngay lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết để dự trữ chuẩn bị đối phó với thiên tai, nhất là các vùng ngập sâu, vùng ven sông, ven biển. Giao Giám đốc Sở nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, UBND các huyện, thành phố ven biển rà soát, kiểm đếm số lượng tàu thuyền, ngư dân đang hoạt động trên các vùng biển… Kết khúc buổi họp, ông Nguyễn Văn Thiện yêu cầu BCH PCLB&TKCN tỉnh phân công cụ thể cán bộ phụ trách địa bàn và ngay trong chiều nay (19/10) phải đi đến địa phương để kiểm tra, triển khai phương án đối phó với mưa lũ.
Theo Đông Trình - Bửu Lân ( VTC news)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm