Sau loạt bài Thực hư về những bất thường tại một trung tâm cai nghiện: Trung tâm đã "qua mặt"

Trên các số báo trước chúng tôi đề cập quá nhiều điều bất thường tại Trung tâm Giáo dục, Lao động và Dạy nghề tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (Trung tâm) như nhiều “cò” chạy bệnh cho học viên về sớm; Trung tâm bàn giao học viên cho gia đình trước khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Trung tâm lập lờ giữa phiếu xác nhận học viên đang điều trị với xác nhận bệnh để bàn giao học viên cho gia đình mà ngay cả bác sĩ của BV Bà Rịa cũng không đồng tình…

Sau khi báo phản ánh, ông Mã Thành Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết: Ngay trong ngày hôm nay (4-2), Sở sẽ làm việc ngay với Trung tâm về những thông tin báo nêu.

“Đặc biệt, Sở sẽ làm rõ về vấn đề Trung tâm bàn giao học viên cho gia đình về nhà chữa bệnh trước khi có quyết định hoãn, miễn của UBND cấp huyện nơi học viên cư trú. Quan điểm của Sở là xử lý nghiêm nếu có sai phạm” - ông Sơn nói.

Như chúng tôi đã thông tin, nhiều học viên đang cai nghiện bắt buộc được Trung tâm chuyển sang BV Bà Rịa điều trị bệnh. Tại đây, bác sĩ của bệnh viện xác nhận ngày giờ bệnh nhân nhập viện, đang điều trị theo chẩn đoán ban đầu của Trung tâm chứ không phải xác nhận bệnh vì chưa kịp xét nghiệm, thăm khám. Từ xác nhận này, Trung tâm đã bàn giao học viên cho gia đình rồi mới “soạn văn bản gửi về UBND huyện ra quyết định tạm hoãn”.

Sau loạt bài Thực hư về những bất thường tại một trung tâm cai nghiện: Trung tâm đã "qua mặt" ảnh 1

Một số dụng cụ sử dụng ma túy trong Trung tâm bị cán bộ phát hiện, thu giữ. Ảnh: CTV

Sau loạt bài Thực hư về những bất thường tại một trung tâm cai nghiện: Trung tâm đã "qua mặt" ảnh 2

Giấy xác nhận của BV Bà Rịa, căn cứ để Trung tâm bàn giao học viên cho người nhà trước khi huyện ra quyết định.

Về vấn đề này, một cán bộ lãnh đạo trong ngành lao động-thương binh và xã hội của Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: Trên thực tế, UBND nhận hồ sơ của Trung tâm gửi lên chỉ gồm hai loại là giấy xác nhận bệnh của bác sĩ và đề xuất cho học viên ra về trị bệnh của Trung tâm. Hồ sơ bệnh án của học viên chúng tôi cũng không nắm nên về mặt pháp luật, khi đầy đủ giấy tờ, UBND phải ra quyết định tạm hoãn cho học viên về điều trị bệnh. Theo quy định, Trung tâm phải cử người giữ học viên cho tới khi UBND ra quyết định. Nhưng như một số trường hợp ở đây, Trung tâm đã làm sai quy trình. Việc học viên được Trung tâm cho về từ trước, huyện không thể biết.

“Theo đúng quy trình, khi Trung tâm đưa học viên ra điều trị bệnh tại bệnh viện, phải đợi khi bác sĩ làm đủ các xét nghiệm, ra kết luận về phác đồ, hướng điều trị bệnh cho học viên đó. Lúc này, Trung tâm vẫn phải cử người trông giữ học viên cho tới khi được UBND ra quyết định đồng ý….” - vị cán bộ này giải thích.

Ngoài các bất thường mà chúng tôi đã đề cập, tại Trung tâm còn xảy ra chuyện học viên sử dụng ma túy bị phát hiện làm phụ huynh các học viên hoang mang, lo lắng khi con em của họ bị đưa vào cai nghiện tại đây vì dễ bị lây nhiễm HIV, không cai nghiện được…

Về vấn đề này, ông Mã Thành Sơn cho hay là cũng đã tiến hành xác minh, xử lý. “Một số vụ trước đó không thể kiểm soát hết vì có một phần lỗi của người thân học viên. Khi họ vào Trung tâm thăm nuôi đã lén tuồn ma túy vào bằng cách pha loãng ma túy trong các loại thuốc nhỏ mắt, thuốc chữa ghẻ rồi gửi qua cán bộ đưa vào… Những cán bộ mang thuốc vào đã bị kỷ luật, sa thải. Mới đây, Sở đã đầu tư, lắp đặt hệ thống camera giám sát trong nội trại, nối trực tiếp tới phòng lãnh đạo Sở. Từ đây, việc kiểm tra giám sát hoạt động tại Trung tâm sẽ tốt hơn, ngăn chặn những sai phạm có thể xảy ra.

Sợ nhiễm HIV nên “chạy” về sớm?

Các phụ huynh có con em bị nghiện đều mong muốn con, em mình sau thời gian cai nghiện sẽ dứt bỏ với ma túy nên họ đồng tình với việc để cho người thân của mình ở hết thời gian cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm hiểu, đặt câu hỏi với một số học viên và gia đình của họ: “Vì sao họ sẵn sàng bỏ ra một số tiền không nhỏ, cố gắng “chạy” cho con em mình ra khỏi Trung tâm?”

Anh Tr.Q.M (ngụ TP Bà Rịa), người đã cai nghiện ở Trung tâm hai lần, mới về hồi tháng 4-2012, hiện đã cai nghiện thành công, chia sẻ: “Trung tâm như một xã hội thu nhỏ, muốn ma túy có ma túy. Trong ấy các học viên cũng có đủ trò cá độ sinh ra nợ nần, ở ngoài gia đình sẽ phải gánh trả. Chưa hết, học viên lén lút rủ nhau dùng ma túy. Một kim tiêm dùng nhiều lần, dùng chung đến mòn cả đầu kim nên rất dễ lây nhiễm HIV. Nhiều gia đình biết chuyện nên cố lo cho con, em họ ra càng sớm càng tốt”.

Theo anh M., tại Trung tâm các học viên không được dùng tiền mặt. Mọi thứ đều gửi qua Trung tâm nhưng giữa các học viên vẫn có chuyện nợ nần như “chúa chổm”. Tiền dùng ma túy, cá độ đều quy ra thuốc Basto. Một lần hút, chích ma túy trong Trung tâm, học viên có thể phải “ký sổ” nợ gần 1 triệu đồng cho những kẻ có “hàng”. Nếu một tuần không trả sẽ chịu lãi thêm 100.000 đồng. Có người từng nợ đến mấy chục triệu. Một học viên khác (phường Tân Hiệp, Biên Hòa, Đồng Nai) đang cai nghiện tại Trung tâm cũng từng lén viết thư cầu cứu mẹ trả nợ cả chục triệu đồng…

Ông TVĐ ( ngụ thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành) có con trai tên TVH (sinh năm 1987), đã mất năm 2010 vì AIDS. Ông Đ. cũng cho hay: “Nhiều lần tôi vào thăm con trong Trung tâm, tôi biết cháu vẫn dùng “hàng”. Cũng có một số người đã từng đến nhà tôi để hỏi chuyện nợ nần của cháu ở Trung tâm…”.

HUY PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm