Rùa chung không ai khóc

Nếu không sớm bị tiêu diệt, loài rùa sống “ké” này sẽ ăn hết thức ăn của cụ rùa và gây ô nhiễm nguồn nước Hồ Gươm.

Rùa tai đỏ nguy hại đối với cụ rùa là thế và cụ rùa quan trọng là thế nhưng khi cụ lâm sự với bọn tai đỏ thì hóa ra lại chẳng cơ quan nào đứng ra cứu cụ. GS Hà Đình Đức nói với Bee: “Từ năm 2004, tôi đã có điều tra về rùa tai đỏ ở Hồ Gươm, sau đó đề nghị các cơ quan chức năng xử lý nhưng vẫn không thấy cơ quan nào quan tâm”. Cuối cùng nhà “rùa học” chỉ biết ngán ngẩm mà rằng: “Bản thân tôi cũng không thể làm gì hơn để bảo vệ cụ rùa. Giờ chỉ còn biết chờ Chính phủ”.

Bảo vệ rùa Hồ Gươm - loài rùa không chỉ cực kỳ quý hiếm mà còn mang ý nghĩa biểu tượng, tâm linh đối với người dân Việt Nam - là một việc làm có tính chất công ích và do đó, đứng ra gánh vác trách nhiệm phải là nhà nước, thể hiện qua một cơ quan cụ thể. Cả tình trạng chồng chéo về quản lý, lẫn tình trạng không ai biết ai đang làm gì đều không ổn như nhau. Tuy vậy, không ổn nhất có lẽ là phát biểu của ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng ban Quản lý khu vực Hồ Gươm. Khi cụ rùa đang là “của chung không ai khóc”, tạm thời mọi ánh mắt sẽ đổ dồn về ban quản lý này. Trong bối cảnh ấy thì ông trưởng ban lại bảo: “Chưa có bất cứ công văn nào giao ban quản lý chăm lo cho cụ rùa Hồ Gươm”.

Như vậy, tuy cụ rùa ở trong Hồ nhưng ban quản lý chỉ quản cái hồ thôi chứ không quản các sinh vật trong đó, muốn ban có trách nhiệm hơn thì phải có công văn nói rõ hơn. Giống như câu chuyện kể thời xưa, có anh cầm đèn ra đường ban đêm mà không thắp đèn, quan trên lại phải ra lệnh: “Ai đi đêm phải cầm đèn, đèn phải thắp, đèn tắt phải thắp lại”.

Tuy thế, chính ông Tuấn cũng nhấn mạnh việc bảo vệ cụ rùa là trách nhiệm chung của mọi người. Câu nói này vừa thể hiện tinh thần “kêu gọi” chung chung, lại vừa là một cách gạt khéo phần trách nhiệm của ban quản lý cái nơi mà cụ rùa đang sống.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm