PGS-TS Cao Đình Triều: Tôi thật sự lo lắng

Việc đánh giá tác động của động đất đến hồ thủy điện chưa có tính thuyết phục cao. Chúng ta cũng chưa có quy định pháp lý rõ ràng trong trường hợp xảy ra sự cố…”. PGS-TS Cao Đình Triều (ảnh), nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, cho biết khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.

. Ông đánh giá thế nào về việc động đất liên tiếp xảy ra tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2?

PGS-TS Cao Đình Triều: Tôi thật sự lo lắng ảnh 1
+ PGS-TS Cao Đình Triều: Đó là các trận động đất kích thích phản ứng nhanh ở độ sâu chấn tiêu nông (dưới 10 km). Xét theo chỉ số chịu đựng của đập hồ thủy điện thì không quá nguy hiểm. Điều này cũng từng xảy ra tại một số đập thủy điện như Hòa Bình, Sơn La… Tuy nhiên, nếu xảy ra động đất mạnh từ 6 độ Richter trở lên thì thân đập sẽ rất nguy hiểm. Ngoài ra, động đất kích thích diễn ra thường xuyên có thể gây biến đổi môi trường của đới đứt gãy đã có trước, làm tăng nguy cơ hoạt động của các tai biến địa chất khác như trượt lở, nứt sụt đất, lũ quét...

. Cho đến nay vẫn chưa có một tín hiệu nào từ cơ quan quản lý để người dân an tâm, thưa ông…

+ Tôi thực sự lo lắng cho người dân ở đây khi đến nay chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2 vẫn chưa tính đến phương án hướng dẫn người dân ứng phó với tình huống xấu nhất xảy ra. Giả sử nếu có động đất tiếp tục xảy ra thì di dời dân đi đâu? Nếu nước dâng, núi lở thì sơ tán, cứu hộ như thế nào? Đến giờ vẫn chưa có gì rõ ràng cả. Điều đáng nói là khu vực Sông Tranh 2 chưa có máy quan trắc động đất. Những kết quả đo đạc thời gian qua đều lấy từ Trạm cảnh báo động đất ở Huế và Ninh Thuận. Trước đây, Viện Vật lý Địa cầu và tỉnh Quảng Nam đề nghị EVN lắp đặt năm máy quan trắc tại đây. Việc lắp đặt máy này không hề khó khăn, mỗi máy cũng chỉ có giá khoảng 8.000 USD nhưng EVN vẫn không thực hiện.

. Theo ông, nếu lỡ đập thủy điện Sông Tranh vỡ, ai sẽ phải chịu trách nhiệm chính?

+ Hiện Việt Nam chưa có cơ sở pháp lý quy định trách nhiệm khi thiên tai xảy ra, kể cả quy định về tai biến do thiên nhiên hay nhân sinh, hồ chứa… Chúng ta chỉ mới có quy định các hành vi ứng xử trong cứu hộ cứu nạn. Chính vì thế, mỗi lần thiên tai xảy ra, hậu quả thiệt hại lớn nhưng quy trách nhiệm cho ai, xử lý ra sao lại rất khó. Ngay như câu chuyện xả lũ của các nhà máy thủy điện ảnh hưởng đến hạ du cũng vậy. Do chưa quy được trách nhiệm rõ ràng nên các bên cứ đổ qua đổ lại.

Hiện nay, dự án Luật Phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai đang được đưa ra thảo luận, dự kiến trình Quốc hội thông qua vào đầu năm 2013. Hy vọng khi đó mọi việc sẽ rõ ràng hơn.

. Xin cảm ơn ông.

TRÀ PHƯƠNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm