Ông Nguyễn Hoàng Huynh được đề nghị xét đặc xá: Có phải là bệnh hiểm nghèo?

Như số báo ngày 9-8 đã nêu, hai bị án Nguyễn Hoàng Huynh (nguyên chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu) và Thái Văn Nghĩa (nguyên trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vĩnh Cửu) được hoãn thi hành án và đề nghị xét đặc xá dựa trên căn cứ duy nhất là kết luận giám định pháp y. Theo đó, ông Huynh được xác định tỉ lệ thương tật 85%, ông Nghĩa 81% và cả hai đều có bệnh hiểm nghèo.

Để làm rõ những điểm bất thường tại kết luận giám định, PV báo Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với ông Lê Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Đồng Nai. Ông Hùng là người trực tiếp giám định và ký vào kết luận giám định cho ông Huynh và ông Nghĩa.

Giám định để hoãn thi hành án

. Lúc đến giám định, thân nhân của ông Huynh, ông Nghĩa đưa đi hay tự họ đến, thưa ông?

+ Họ tự đến giám định chứ không có thân nhân đưa đi. Họ đến đây hai, ba lần để giám định (thời điểm giám định trong tháng 8-2009 - PV).

. Xin ông cho biết mục đích của việc trưng cầu giám định tình trạng bệnh tật, tỉ lệ thương tật và xác định ông Huynh và ông Nghĩa có mắc bệnh hiểm nghèo?

+ Ngay tại quyết định trưng cầu, chánh án TAND tỉnh nêu rõ mục đích trưng cầu giám định để xét hoãn thi hành án cho ông Huynh và ông Nghĩa. Lúc đến giám định, họ là phạm nhân (người bị kết án - PV) trong một vụ án. Chúng tôi đã khám lâm sàng, siêu âm tim, chụp X-quang, xét nghiệm máu, nước tiểu,… để xem tình trạng sức khỏe, bệnh tật của họ. Kết luận tỉ lệ thương tật dựa trên kết quả thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, cả hai người này đều mắc nhiều bệnh. Ông Huynh bị tỉ lệ thương tật là 85%, ông Nghĩa tỉ lệ thương tật là 81%. Chúng tôi kết luận cả hai ông này đều mắc bệnh hiểm nghèo.

Ông Nguyễn Hoàng Huynh được đề nghị xét đặc xá: Có phải là bệnh hiểm nghèo? ảnh 1

Ông Hùng dựa trên Thông tư 12 để đọc tỉ lệ thương tật từng loại bệnh cho cô nhân viên cộng lại. (Ảnh chụp trưa 3-8 tại Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Đồng Nai)

Bệnh lý hay thương tật?

. Tại bản giám định của ông Huynh và ông Nghĩa liệt kê bảy, tám bệnh và tất cả đều là bệnh thường gặp của độ tuổi từ 50 trở lên như viêm đa xoang, viêm phế quản mạn, cao huyết áp, thoái hóa cột sống, tiểu đường... (ông Huynh 55 tuổi, ông Nghĩa 54 tuổi - PV)chứ không phải thương tật hay chấn thương, thế nhưng kết luận ghi tỉ lệ thương tật?

+ Chúng tôi có khám và căn cứ trên kết quả xét nghiệm. Đúng là người lớn tuổi sẽ mắc nhiều bệnh, tổng hợp nhiều bệnh đó chúng tôi mới đưa ra kết luận. Đây là tỉ lệ bệnh tật chứ không phải tỉ lệ thương tật. Kết luận ghi tỉ lệ bệnh tật thì mới đúng. Chúng tôi thừa nhận thiếu sót việc này.

. Trong kết luận giám định ghi rõ căn cứ vào bản tiêu chuẩn thương tật theo Thông tư 12/TTLB. Cả bảy, tám bệnh liệt kê trong đó không nêu tỉ lệ thương tật từng bệnh nhưng lại có kết luận tỉ lệ thương tật quá cao và không viện dẫn điều nào, khoản nào trong Thông tư 12?
(Ông Hùng xem lại hồ sơ giám định của ông Huynh và ông Nghĩa nhưng không có biên bản hoặc chứng từ gì thể hiện tỉ lệ từng loại bệnh để cho ra kết luận thương tật của ông Huynh và ông Nghĩa. Ông Hùng mới lấy Thông tư 12/TTLB ra để đọc cho cô nhân viên ở trung tâm giám định ghi tỉ lệ thương tật từng loại bệnh rồi cộng lại - PV)

+ Theo tôi, bệnh ông Huynh rất nhiều, có thể tỉ lệ thương tật lên đến 100% (!?). (Rất may là cô nhân viên cộng lại và kết quả là ông Huynh có tỉ lệ thương tật 86,5%, cao hơn 1,5% so với kết luận - PV).

Ông Nguyễn Hoàng Huynh được đề nghị xét đặc xá: Có phải là bệnh hiểm nghèo? ảnh 2

Kết luận giám định sức khỏe của ông Huynh.

Kết luận bằng… kinh nghiệm

.Kết luận giám định căn cứ Thông tư 12. Thông tư này không có điều, khoản nào quy định về bệnh hiểm nghèo. Thế nhưng trong kết luận giám định lại khẳng định cả ông Huynh, ông Nghĩa đều mắc bệnh hiểm nghèo. Ông có thể giải thích rõ?

+ Đúng là Thông tư 12 không quy định bệnh nào là bệnh hiểm nghèo. Chúng tôi đã từng đề nghị Viện Pháp y Quốc gia ban hành danh mục bệnh hiểm nghèo nhưng đến nay cơ quan này cũng không làm được việc này. Khi chưa có danh mục bệnh hiểm nghèo thì chúng tôi dựa vào hiểu biết để kết luận. Theo kinh nghiệm của tôi thì những người mắc bệnh ung thư, tim, nội tiết đều thuộc diện mắc bệnh hiểm nghèo.

. Nghị định 76/2003-NĐ-CPđã nói rõ người mắc bệnh hiểm nghèo là người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, phong hủi, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế coi là bệnh hiểm nghèo. Nếu Bộ Y tế chưa ban hành thì phải kiến nghị chứ không thể dựa vào kinh nghiệm rồi tự kết luận bệnh tim, bệnh nội tiết là bệnh hiểm nghèo, nơi khác cũng theo kinh nghiệm rồi cho bệnh tiêu hóa là bệnh hiểm nghèo rồi dẫn đến loạn bệnh hiểm nghèo. Ý ông thế nào?

+ Vụ này nhà báo muốn gì?

(Ông Hùng không trả lời mà hỏi lại PV. PV trả lời là muốn làm rõ tính chính xác, khách quan của kết luận giám định. Một lát sau, ông Hùng trả lời tiếp)

Tôi thừa nhận hai bản kết luận giám định có nhiều điểm chưa chính xác, chúng tôi rút kinh nghiệm và chấn chỉnh lại để hoàn thiện hơn.

. Thưa ông, có ý kiến trường hợp ông Huynh và ông Nghĩa cần phải giám định pháp y lại. Quan điểm ông thế nào?

+ Tôi đồng ý giám định lại.

Ông Nguyễn Hoàng Huynh được đề nghị xét đặc xá: Có phải là bệnh hiểm nghèo? ảnh 3

Kết luận giám định sức khỏe của ông Nghĩa.

Dùng kết luận giám định chưa chính xác làm căn cứ đề nghị đặc xá

. Kết luận giám định có nhiều điểm chưa chính xác như ông thừa nhận. Nhưng đó lại là căn cứ quan trọng để ông chánh án TAND tỉnh Đồng Nai quyết định cho hoãn thi hành án và mới đây, hồ sơ đề nghị xét đặc xá cho ông Huynh và ông Nghĩa cũng dựa trên kết luận giám định. Ông có đề nghị chánh án TAND tỉnh rút hồ sơ đề nghị xét đặc xá của hai ông đó không?

+ Rút hồ sơ đề nghị xét đặc xá hay không là do tòa. Là nhà báo, anh cũng có thể đề nghị TAND tỉnh rút hồ sơ.

. Kết luận giám định có nhiều điểm sai sót và biết đó là căn cứ pháp lý quan trọng trong hồ sơ xét đặc xá của ông Huynh và ông Nghĩa, tại sao ông không kiến nghị để ông chánh án không nên sử dụng kết luận giám định đó, hay lỡ rồi thì thôi?

Người mắc bệnh hiểm nghèo là người mắc một trong các bệnh sau: ung thư, bại liệt, lao nặng kháng thuốc, xơ gan cổ trướng; suy tim độ III hoặc suy thận độ IV trở lên; nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS đang có những nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu.

(Theo hướng dẫn211/HĐTVĐX ngày 4-6-2010 của Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương)

+ Nếu tòa có ý kiến, chúng tôi sẽ giám định lại, sai thì sửa! Nhưng tòa chưa có ý kiến thì thôi. Nên nhớ trong hệ thống pháp lý có nhiều ràng buộc, chúng tôi không tự kiến nghị được. Nếu chúng tôi đề nghị thì vi phạm vượt cấp, vượt thẩm quyền.

. Như vậy là thấy sai nhưng không thể sửa được nếu TAND tỉnh không có ý kiến?

+ Nhà báo gặp ông Lưu (ông Huỳnh Văn Lưu, Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai) nói thẳng là đã gặp bên giám định pháp y. Nơi này nói hồ sơ này có vấn đề về chuyên môn và đề nghị họ bàn với ông Hùng để giải quyết vụ này.

. Xin cảm ơn ông.

TRUNG DUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm