Nỗi khổ làm hàng xóm "ma đề"

Anh kể, mỗi ngày, cả nhà chị Lan hàng xóm gồm chồng làm nghề thợ xây, vợ ở nhà cho vay tiền nóng và đứa con gái rớt tốt nghiệp 12; cùng anh em dâu rể và vài người láng giềng khác thường tập trung trước nhà chị Lan để bàn đề (một cách đánh bạc dựa theo kết quả xổ số kiến thiết).

“Họ có thể ngồi bàn rôm rả từ trưa đến chiều khi đài xổ số xong mới nghỉ ngơi một chút lấy sức. Sau khi biết kết quả người thắng, kẻ thua, các vị hàng xóm của tôi lại tiếp tục ‘hậu bàn đề’”, anh nói.

Hôm nào thắng đề, họ mua bia, rượu về nhật nhẹt, hát karaoke, nhảy múa ầm ĩ đến 2, 3 giờ sáng. Còn thua đề, bà con làng xóm dù đóng kín cửa, nằm trùm chăn cũng vẫn nghe tiếng họ ầm ĩ phân tích nguyên nhân vì sao thua, lỗi tại ai, rồi bất đồng quan điểm nên xoay sang cãi nhau, đánh nhau. Vợ chồng, dâu rể lời qua tiếng lại, tiếp theo là “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”, cha mẹ can ngăn cũng bị chửi lây: “Bà cũng đánh đề, thua đề, bà nói gì được tui”.

“Sau nhiều lần im lặng chịu đựng, gia đình tôi không ai ngủ vì tiếng ồn ào hát hò, bàn tán lúc giữa đêm càng lúc càng to. Tôi đã sang nhà chị Lan góp ý rằng tôi và nhiều người trong xóm sau một ngày đi làm về rất mệt nên nhà chị vui chơi nhỏ tiếng hơn một tý”, anh nói. Thế nhưng vì lời góp ý này, anh bị chị Lan giận không thèm nhìn mặt.

Không chỉ anh Thành, chị Khanh cùng xóm anh cũng phàn nàn, nhà chị vừa có con nhỏ, vừa có người già nên rất bực bội. Chị nói: “Con tôi cứ nửa đêm là bị giật mình thức giấc rồi khóc ré lên vì tiếng ồn dội ầm ầm vào tai. Tôi là người lớn còn chịu đựng không nổi thì làm sao con nít chưa đầy một tuổi chịu được. Mẹ chồng tôi đã 80 tuổi, người già thường khó ngủ nên ầm ĩ quá bà không nghỉ ngơi được”.

Nhưng gia đình chị Lan vốn “đầu gấu” nên chị Khanh sang góp ý ngay lập tức bị chửi tập thể, hăm dọa đánh, thậm chí còn bị vài đứa trẻ sang ném đá vào nhà, hay chặn đường đánh các con nhỏ nhà chị.

Từ những người ở sát vách, đối diện, đến ở cách nhà chị Lan 10 căn, đều không thể chịu đựng được cảnh ồn ào mất trật tự của "nhóm ma đề" nên kiến nghị lên tổ dân phố để giải quyết. Một lần, gần 2h sáng, vợ chồng chị Lan thua đề nên đánh nhau. Mẹ chị vào can bị con rể vô tình bạt tai, ông bố xót xa lấy dao quyết “sống chết” với thằng con rể. Thế là cả xóm bị đánh thức. Công an phường vào tận nhà để can ngăn, giải quyết nhưng chỉ 10 phút sau, những người thi hành công vụ cũng bị đánh luôn. Cả nhà chị Lan bị mời về công an phường "ngủ" một đêm.

Anh Duy Tân, quận Tân Bình, cũng buộc phải chung sống cùng với những “con ma đề". Anh kể, bà Đức ở trong xóm là một người “nghiện” và cầm “cái” số đề nên lôi kéo nhiều người vào trò đỏ đen. Gần đây, anh thường thấy bà và vợ mình ngồi tám chuyện chợ búa nhưng không để ý, hỏi thì vợ bảo câu chuyện của họ là bàn về những giấc mơ, về con vật... và quan tâm đến giờ xổ số mỗi ngày. Sau đó hai người phụ nữ đang nói chuyện mà cứ thấy anh từ xa là im lặng bỏ đi. Mỗi chiều đi làm về, anh thường thấy bà Đức cầm một cuốn sổ rồi tụ năm, tụ bảy tại quán cà phê cóc đầu khu phố cùng nhiều bà nội trợ khác.

Ít lâu sau, anh để ý thấy tâm trạng vợ rất thất thường, hôm rất vui, đi chợ nấu thật nhiều món ngon, nói huyên thuyên đủ thứ chuyện. Nhưng có những ngày cô ủ rũ, buồn bã, cứ ngồi thần ra trước tivi. Chồng gặng hỏi, vợ không nói. Một lần, anh cần tiền để đầu tư làm ăn với bạn, bảo vợ đưa sổ tiết kiệm thì mới biết toàn bộ tiền bạc đã bị cô nướng vào lô đề.

Vợ chồng cắng đắng lẫn nhau. Anh giận vợ là người có học thức, hiểu biết mà lại lao theo những trò đỏ đen ăn thua, nhưng nếu không can thiệp thẳng tay và có biện pháp ngăn chặn thì anh lo sợ gia đình mình sẽ bổ sung thêm một “con ma đề" cho xã hội.

Sau khi “giáo dục tư tưởng” cho vợ xong, anh Tân sang nhà bà Đức để nói chuyện và cấm không được rủ rê vợ anh nữa, dọa nếu không sẽ báo công an. Ngày hôm sau, bà Đức kéo thêm một nhóm người qua nhà anh hăm dọa, lời qua tiếng lại dẫn đến xô xát gây náo động cả xóm.

Anh Tân nói: “Tôi thật sự xấu hổ với cha mẹ và hàng xóm khi vợ mình có máu đen đỏ. Cô ấy đem tất cả tiền tiết kiệm của hai vợ chồng dành dụm trong 3 năm đi 'cúng' cho đề. Chưa kể, công an mà can thiệp vào là phải đi tù. Thật là dại quá”.

Theo Giáo sư Dương Văn Minh, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, đánh đề là thú chơi may rủi rất thịnh hành với người bình dân và cả những người trí thức có máu đỏ đen. Thú chơi đánh đề bắt đầu xuất hiện từ thời kỳ 1946-1947, khi có các sòng bạc hoạt động công khai ở Sài Gòn như Kim Chung, Đại Thế Giới... Nhưng dần dần chơi đề ngày nay bị biến tướng như đánh vào các con số đầu, cuối của kết quả xổ số, đoán giải... Không ít gia đình tan cửa nát nhà vì mê mải theo các con đề.

Giáo sư cho biết, ghi đề, hay đánh đề, đều là hình thức đánh bạc, tổ chức đánh bạc. Do vậy người đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị, đều bị phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ, thậm chí bị tù. Đối với các trường hợp gây mất trật tự khu phố sẽ bị nhắc nhở lần một, đưa ra kiểm điểm nhưng vẫn tái phạm sẽ áp dụng phạt tiền.

"Tốt nhất là không nên để mình bị cuốn theo trò chơi may rủi này, bởi ông bà đã nói 'cờ bạc là bác thằng bần', cần phải tránh", Giáo sư Minh khuyên.

Theo Nhật My (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm