Những dự án làm khổ dân ở Ninh Thuận - Bài 2: Mất sáu năm chưa có ruộng hoán đổi

Giữa năm 2008, Khu công nghiệp (KCN) Du Long ở xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận) làm lễ khởi công. Theo quảng bá, đây là KCN tập trung, hoạt động lắp ráp điện tử, ô tô, xe máy, cơ khí… và sẽ ưu tiên tuyển dụng lao động của các gia đình có đất bị thu hồi.

Hoán đổi đất… "vịt trời"

Hai năm trước khi dự án khởi công, chủ đầu tư đã tiến hành bồi thường cho người dân.

Theo chị Đặng Thị Nghĩa ở thôn Gò Sạn, xã Bắc Phong, gia đình chị có sáu người và sống dựa vào bảy sào ruộng gần quốc lộ 1A thuộc địa bàn xã Lợi Hải. “Năm 2006, KCN Du Long triển khai việc bồi thường cho bảy sào ruộng của gia đình chị. Lúc đó, người ta đưa ra hai phương án để dân chọn: một là người dân được đền bù 100% với giá 15 triệu đồng/sào, hai là người dân nhận 11 triệu đồng/sào và được hoán đổi đất nơi khác. Gia đình tôi mấy đời gắn với mảnh ruộng nên chọn phương án hoán đổi đất để tiếp tục có ruộng canh tác” - chị Nghĩa nói.

“Khi tôi đến thôn Bà Râu 1 (xã Lợi Hải) nhận 3,5 sào ruộng hoán đổi thì bị người dân ở đây ngăn cản, bảo là đất của họ. Tôi khiếu nại, xã chỉ lên huyện. Lên huyện thì huyện chỉ xuống xã; xã lại chỉ qua Phòng TN&MT và nơi đây lại chỉ qua Trung tâm Phát triển quỹ đất… Vợ chồng tôi chạy như đèn cù nhưng chẳng ai giải quyết. Bực mình vì cách hành xử của chính quyền địa phương, gia đình gửi đơn lên tỉnh cầu cứu. Mãi đến cuối năm 2010, khi có chỉ đạo của tỉnh, huyện Thuận Bắc mới hoán đổi 3,5 sào ruộng nhưng là ở thôn Ba Tháp, xã Bắc Phong chứ không phải ở xã Lợi Hải như ban đầu. Không chỉ mình tôi mà nhiều người dân khác cũng rơi vào trường hợp tương tự khi nhận hoán đổi đất. Có gia đình đến nay vẫn chưa được nhận ruộng hoán đổi. Giao ruộng cho dự án nhưng sáu năm qua chưa có ruộng hoán đổi, thử hỏi người dân lấy gì mà sống” - chị Nghĩa bức xúc.

Những dự án làm khổ dân ở Ninh Thuận - Bài 2: Mất sáu năm chưa có ruộng hoán đổi ảnh 1

KCN Du Long “xóa sổ” hàng trăm hecta ruộng lúa từ năm 2006 nhưng nay đất vẫn để trống. Ảnh: M.TRÂN

Những dự án làm khổ dân ở Ninh Thuận - Bài 2: Mất sáu năm chưa có ruộng hoán đổi ảnh 2

Chị Nghĩa quanh quẩn bên KCN Du Long hái rau sau khi bảy sào ruộng bị thu hồi. Ảnh: M.TRÂN

Đất hoang gây bất ổn xã hội

Sáu năm không đất sản xuất, nhiều hộ tản đi nơi khác làm ăn. Những hộ không xa quê thì quanh quẩn quanh KCN Du Long để bắt cá, trồng rau, chăn thả bò. Ông Ba Khánh, người có bốn sào đất giao cho dự án, nói: “Bao năm qua dự án vẫn còn là bãi đất trống. Khi nào tỉnh nhắc nhở thì họ cho vài máy ủi, máy xúc tới ục ịch vài chục ụ đất rồi lại im ru”.

Trong từng ấy thời gian, số tiền bồi thường mà người dân nhận được đã rơi rụng dần, còn dự án thì mù khơi. Không chỉ người dân mà cả cán bộ trong tỉnh cũng nóng ruột nhưng chủ đầu tư cứ lặp đi lặp lại “điệp khúc”… tái khởi động. Bà Trương Thị Liễu, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, cho biết: Chủ đầu tư xin gia hạn triển khai nhiều lần và ban chỉ dừng lại ở việc đôn đốc cho họ làm nhanh mà thôi!

Theo tư liệu, KCN Du Long có tổng vốn đầu tư 50 triệu USD, chủ đầu tư là liên doanh giữa Tập đoàn Hoa Chen Long Đức Phong (Trung Quốc) và Công ty Tư vấn-Thương mại-Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (TP.HCM). Gần một năm sau lễ khởi công, phía công ty Việt Nam xin rút vốn. Đến năm 2011, dự án hoàn thành thủ tục chuyển nhượng vốn cho công ty Trung Quốc. Hiện dự án đã điều chỉnh sang tên chủ đầu tư là người Trung Quốc, điều chỉnh thành KCN đô thị, dịch vụ. Tuy nhiên, hơn 400 ha của dự án vẫn đang là cánh đồng hoang.

Hàng loạt dự án bỏ hoang

+ Năm 2005, dự án Khu du lịch Bình Tiên do Công ty Cổ phần Ðầu tư và Du lịch Bình Tiên (Hà Nội) làm chủ đầu tư với tổng vốn gần 2.600 tỉ đồng. Dự báo bao gồm khách sạn trung tâm tiêu chuẩn năm sao, cụm sinh thái, biệt thự, bungalow… do Tập đoàn WATG (Hoa Kỳ) thiết kế. Thế nhưng sau bảy năm với ba lần tái khởi công, khu du lịch chỉ có dãy nhà điều hành và đất trống với mênh mông cây dại.

+ Năm 2005, dự án liên hợp luyện thép, nhiệt điện, cảng biển tại Cụm công nghiệp Dốc Hầm-Cà Ná (xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam) có quy mô 1.000 ha khởi động. Năm 2008, chủ đầu tư bồi thường cho người dân 30%, 50%, 100% và có hộ chưa nhận tiền. Dự án sẽ tiếp tục chi trả vào năm 2009 nên hầu hết các hộ dân đem quyết định đền bù cầm cho ngân hàng. Sau đó, dự án ngưng và đến năm 2011 bị rút giấy phép đầu tư khiến hầu hết các hộ dân đều điêu đứng, nợ nần, thất nghiệp, thanh niên bỏ quê đi nơi khác kiếm sống... Sau đó cơ quan chức năng giao đất lại cho Công ty Cổ phần Phát triển năng lượng Đại Dương lập dự án xây dựng, kinh doanh hạ tầng KCN Cà Ná. Dự án tiếp tục “treo” đến nay và 512 hộ dân vùng dự án tiếp tục điêu đứng.

________________________________________

Tỉnh Ninh Thuận quy hoạch phát triển KCN Du Long tại huyện Thuận Bắc không đạt hiệu quả về kinh tế-xã hội, gây lãng phí đất đai và ngân sách Nhà nước.

(Kết luận của Thanh tra Chính phủ ngày 16-12-2011)

Thật nghịch lý khi làm thất thu ngân sách 100 triệu đồng đã bị truy cứu trách nhiệm nhưng ai đó để khu đất hàng chục tỉ đồng phơi nắng phơi sương từ năm này qua năm khác vẫn ung dung! Điều này dẫn đến thảm cảnh đất thừa mà vẫn thiếu, có cơ quan thừa đất để cho thuê làm quán bia nhưng ở chỗ khác lại thiếu đất để làm các công trình phúc lợi, bệnh viện, trường học…

(Theo Cục Công sản, Bộ Tài chính)

MINH TRÂN

Kỳ sau: Tỉnh Ninh Thuận nói gì về các dự án bỏ hoang?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm